Bài toán khó về không gian công cộng

Những tranh cãi trong dư luận về vị trí đặt bức tượng “Người đàn ông cúi đầu”, tác phẩm nghệ thuật do Thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) nhã ý tặng cho thành phố Huế, đã cho thấy sự tính toán về những không gian công cộng dành cho các tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn là một bài toán khó đối với không ít địa phương.

Ngôn ngữ tạo hình hiện đại khiến bức tượng Người đàn ông cúi đầu được cho là phù hợp với không gian của các khu du lịch.
Ngôn ngữ tạo hình hiện đại khiến bức tượng Người đàn ông cúi đầu được cho là phù hợp với không gian của các khu du lịch.

Cởi mở nhưng không tùy tiện

UBND thành phố Huế mới đây đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về phương án chọn địa điểm đặt bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” (Greeting-man) do phía Hàn Quốc tặng. Bức tượng có kích thước 2 m x 2,4 m x 6 m, được làm bằng nhôm và đá machan, có mầu xanh da trời. Đây là tác phẩm do nhà điêu khắc Yoo Young Ho thực hiện, được ông Cho Kwang Han, Thị trưởng thành phố Namyangigu tặng Huế bởi sự hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương.

Đáng chú ý, cùng với việc tặng tượng, phía Hàn Quốc cũng đề nghị được đặt tác phẩm “Người đàn ông cúi đầu” ở một trong ba địa điểm, gồm: Kinh thành Huế, chợ Đông Ba, công viên bờ bắc sông Hương (đối diện Trung tâm Văn hóa TP Huế). Những vị trí này, theo nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc và quy hoạch có nhiều gắn bó với đất cố đô, hoàn toàn không phù hợp. Đây cũng là những ý kiến của các nhân sĩ, trí thức và nhiều đơn vị liên quan tại cuộc họp lấy ý kiến do UBND thành phố Huế tổ chức về vị trí đặt bức tượng. Một số nhận định cho rằng, tượng cao 6 m, cao quá mức so với các tượng đài đã dựng trên hai bờ sông Hương, do đó không phù hợp với cảnh quan Huế, gây khó khăn cho những tượng đài quan trọng sẽ dựng ở Huế trong tương lai.

Cần nghiên cứu, cân nhắc tạo sự hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình hiện đại và nét cổ kính của Huế là ý kiến của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành. Theo họa sĩ này, ngôn ngữ tác phẩm mang tính quốc tế, tạo hình hiện đại, thể hiện phong cách chào hỏi khiêm tốn, mến khách, tôn trọng người đối diện của người Hàn Quốc. Về tổng thể, bức tượng phù hợp với không gian của những khu du lịch thu hút đông người. Tuy nhiên, nếu là ở Huế, vùng đất cố đô thâm trầm mang nhiều nét đặc trưng văn hóa thì cần phải cân nhắc để tìm địa điểm, vị trí đặt tượng cho phù hợp.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, món quà tặng từ Thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) cho thành phố Huế thể hiện sự thịnh tình và mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai địa phương. Đó là điều cần trân trọng và đón nhận. Tuy nhiên, cởi mở nhưng không thể tùy tiện. Ông nói: “Có thể thấy rằng đây là bài toán tương đối khó đối với Huế, vùng đất cố đô mà chạm tay ở đâu cũng là di sản. Khối lượng di sản quá đồ sộ chính là áp lực, nhất là khi nhiều người Huế vẫn luôn nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống. Điều cần nhất bây giờ là tìm địa điểm đặt, để bức tượng cho phù hợp với bối cảnh, không gian công cộng...”.

Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, không nên cứ cho rằng Huế cổ kính là khó có thể mở lòng với những gì hiện đại, phóng khoáng, như ngôn ngữ thể hiện của bức tượng “Người đàn ông cúi đầu”. Sự cởi mở tiếp nhận những tác phẩm mới như vậy có thể tạo nên nhiều cơ hội để người Huế, đặc biệt là thế hệ trẻ được hưởng thụ những giá trị nghệ thuật đương đại đang phổ biến trên toàn cầu. Có điều, tính đoán đặt, để vị trí bức tượng ở đâu cho phù hợp với tổng thể không gian công cộng của Huế mới là điều cần nói.

Những “khoảng trống” về không gian công cộng

Đây không phải lần đầu vấn đề không gian công cộng cho các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc ngoài trời được đặt ra ở vùng đất cố đô. Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật ra đời sau các kỳ Festival Huế từng bị hư hại do thiếu vị trí đặt để hợp lý, hoặc bị vận chuyển từ nơi này sang nơi khác. “Câu chuyện quy hoạch không gian công cộng gắn với các vườn tượng, các tác phẩm nghệ thuật ra đời sau các trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Huế cũng là vấn đề cần lưu ý”, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Một số ý kiến cũng từng nhắc nhở khi Huế để mật độ trưng bày tượng ở hai bên bờ sông Hương quá dày, thiếu không gian, khoảng trống để du khách và người dân có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng.

Đến lần này, khi đón nhận một tác phẩm nghệ thuật cỡ lớn mang ngôn ngữ nghệ thuật đương đại lại cho thấy Huế một lần nữa lúng túng đi tìm địa điểm. Đề nghị về việc điều chỉnh hạ chiều cao, kích thước của bức tượng cho phù hợp cảnh quan cũng là một giải pháp mà có lẽ địa phương đã buộc phải tính đến, khi nhiều ý kiến lo ngại sự xuất hiện của bức tượng sẽ phá hỏng không gian cổ kính vốn có của đất cố đô.

Nghệ thuật công cộng ngày càng đặt ra nhiều vấn đề mà các địa phương, đương nhiên không chỉ riêng Huế, phải đối diện để tìm lời giải. Kết quả nghiên cứu của một nhóm tác giả về vấn đề này tại Việt Nam đã đưa ra kết luận, nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng. Trong khi, nhiều sáng tạo độc đáo lại đang phải ráng sức tìm chỗ đứng mà… không có.

Thậm chí, nhiều chuyên gia điêu khắc còn cảnh báo về hậu quả của việc thiếu quy hoạch bài bản đã là nguyên nhân khiến cho không ít tác phẩm nghệ thuật công cộng bị hư hỏng, lãng quên. Thực trạng này cho thấy không gian công cộng dành cho các tác phẩm nghệ thuật đã và đang là vấn đề thường trực mà cụ thể, với câu chuyện đi tìm chỗ đứng cho tác phẩm “Người đàn ông cúi đầu”, các nhà chức trách của thành phố Huế hẳn cũng đã gặp vô số những trở ngại.