Bài học về sự không đánh đổi

Câu chuyện xẻ núi xây dựng Khu du lịch (KDL) sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) một lần nữa khiến dư luận băn khoăn bởi sự xuất hiện theo chiều hướng ngày càng “nở rộ” của những quần thể hoành tráng, bề thế như vậy. Hầu hết các KDL tâm linh hiện đều được giao cho các doanh nghiệp, mục tiêu về sự hài hòa giữa kinh tế với văn hóa đôi lúc đã không được bảo đảm.

Hình ảnh hiện trường xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú.
Hình ảnh hiện trường xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú.

Phá vỡ nguyên tắc và quy hoạch

Việc xây dựng KDL sinh thái văn hóa tâm linh ở Lũng Cú có lẽ mang đến nhiều suy tư, trăn trở và bức xúc trong dư luận thời gian qua. Theo các chuyên gia, dự án nằm ở vị trí đặc biệt nơi biên cương Tổ quốc như KDL sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần phải đánh giá tác động tới môi trường văn hóa, xã hội và phải tham vấn ý kiến của người dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngày 25-10, đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm ở dự án KDL sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Bộ khẳng định, dự án KDL sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú chưa tuân thủ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ. Đây không phải là lần lên tiếng đầu tiên của Bộ VHTTDL liên quan KDL sinh thái văn hóa tâm linh này. Trước đó, ngày 17-4-2018 và 11-6-2018, Bộ VHTTDL đã có hai văn bản nêu rõ quan điểm đối với dự án ở Lũng Cú, đề nghị tỉnh Hà Giang cần đối chiếu với hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch KDL quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030. Đặc biệt, trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú, Bộ lưu ý Hà Giang không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú; điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích. Bộ cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và KDL quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn…

Thế nhưng, sau tất cả những cảnh báo được đưa ra từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, những gì người dân được chứng kiến trong những ngày qua trên các phương tiện truyền thông lại là hình ảnh núi đá vôi bị xẻ toang hoác ngay sát cột cờ Lũng Cú. Trên đó, các hạng mục mang dáng dấp của một KDL tâm linh mới đang dần hiện lên.

Dưới góc nhìn của một nhà văn hóa lâu năm gắn bó với cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, một dự án du lịch luôn phải tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững là bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, và người dân. Nhất thiết không được để một vài cá nhân, doanh nghiệp hưởng lợi.

Tuy nhiên, ở dự án này, rất dễ dàng để nhận thấy ngay từ đầu đã không tuân thủ các yếu tố để đạt được nguyên tắc phát triển bền vững. Một đơn cử được các chuyên gia nêu lên cho thấy, các dân tộc như H’Mông, Lô Lô ở Lũng Cú chỉ thờ thần bản, quy mô thờ tự rất nhỏ. Đưa các đền, chùa hoành tráng lên đó sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, xã hội, tới đời sống tâm linh của người bản địa.

Nhu cầu và mục tiêu

Tốn nhiều giấy mực của báo chí, nhiều dung lượng cho các cuộc tranh luận trên các diễn đàn, tỉnh Hà Giang cũng đã tạm dừng các hoạt động xây dựng dự án KDL sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú để tiến hành kiểm tra toàn diện, tuy nhiên những gì đang bộc lộ qua việc xây dựng KDL này tiếp tục cho thấy một bài học kinh nghiệm trong công tác cấp phép, quản lý và giám sát với các dự án quy mô lớn như thế này.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý, cần có những cân nhắc cẩn trọng trước mỗi phát ngôn liên quan đến việc xây các khu du lịch tâm linh. Khi đời sống vật chất nâng cao thì nhu cầu đi tìm hiểu về văn hóa, thực hành nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con người cũng tăng theo. Du lịch tâm linh là nhu cầu thực tế. Rõ ràng, những công trình này nếu được lựa chọn xây dựng đúng vị trí, bối cảnh thì sẽ mang đến những thay đổi lớn về diện mạo địa phương nhờ vào phát triển du lịch.

Trở lại câu chuyện ở Lũng Cú, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần nhìn nhận đây là bài học về sự không đánh đổi. Theo cảnh báo từ PGS, TS Nguyễn Văn Huy, thực trạng phát triển du lịch văn hóa tâm linh nếu thiếu kiểm soát sẽ rất nguy hiểm, khi các dự án này không khai thác các yếu tố văn hóa bản địa, truyền thống mà lại “sáng tạo” cái mới. Các chuyên gia văn hóa lưu ý, nếu cứ bất chấp, đánh đổi di sản, những giá trị truyền thống thiêng liêng cho cái lợi trước mắt thì sẽ chẳng còn gì để giữ gìn, để lại cho thế hệ sau. Cần phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản lên trên mọi lợi ích, lợi nhuận. Khi các di sản được bảo tồn đúng cách thì sẽ trở thành giá trị thu hút được du khách lâu dài.