Áo chần bông và sách Tết

Đã sáu thập niên không xuất hiện, tưởng chừng đã chìm vào lãng quên, bất chợt, sách Tết năm nay trở lại. Ra đời, và “kết thúc” chỉ trong ba mươi năm, từ 1928 đến 1958, nhưng sách Tết đã từng là thứ “gia vị” khá quen thuộc với người Việt một thời, bên những bánh chưng, cành đào.

Người bây giờ ít biết về sách Tết xưa, nhưng cũng hình dung được phần nào qua cuốn “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” do Công ty Đông A thực hiện. Một ấn phẩm đậm chất văn hóa, với các phần về văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ… Xuyên suốt cuốn sách, là “chất Tết”, với những câu chuyện Tết xưa nay, Tết nông thôn, Tết thị thành, và những cảm xúc, suy tư…

Tết xưa, văn hóa truyền thống luôn gắn với những gì đẹp đẽ nhất trong tâm tưởng mỗi người, nhất là những người đã qua nhiều trải nghiệm cuộc sống. Giữ truyền thống, níu Tết xưa, như là cái phản ứng tất nhiên. Trùng thời điểm Sách Tết Kỷ Hợi 2019 đến với công chúng, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy giới thiệu một bộ sưu tập áo chần bông. Khi những chiếc áo chần bông xuất hiện trên sân khấu, nhiều người ồ lên ngạc nhiên: “Ngày xưa ông bà tôi cũng mặc như thế”. Nhiều người bồi hồi giở lại những tấm ảnh cũ. Những thế hệ đi trước trong gia đình họ từng mặc những chiếc áo bông chần lịch lãm. Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy bắt đầu câu chuyện áo chần bông của thời hiện đại, từ cảm hứng khi nghĩ về việc kế thừa, nối tiếp một nét văn hóa mặc của người Việt xưa. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, áo chần bông vẫn là trang phục phổ biến. Ngày ấy, cũng những dịp lễ, Tết thế này, diện một chiếc áo bông chần là sang lắm, nhất là khi được may bằng gấm, bằng nhung. Nhưng đó mới là cảm hứng. Áo thời nay vẫn giữ lối chần bông xưa, nhưng cách điệu về kiểu dáng, vừa hiện đại, vừa giữ được dáng theo kiểu áo cánh của “ông bà ta”. Đơn giản, mà sang trọng. Những chiếc áo bông chần được tôn lên vẻ quý phái bằng những họa tiết, hoa văn truyền thống.

Sách Tết bán khá chạy. Thông tin ban đầu tưởng là rất vui. Nhưng tìm hiểu thêm thì mới biết. Người mua, có nhiều người thuộc diện chơi sách, sưu tầm sách; hoặc những người làm về văn hóa, vốn những câu chuyện được kể trong sách Tết là thứ… họ biết cả. Có người vội vàng mua, vì biết đâu, nó là ấn bản sách Tết duy nhất, của thời hiện đại. Khoảng cách đến công chúng của sách Tết, dường như, còn khá xa. Áo bông chần thì khác, nó đã đi vào cuộc sống. Nhiều người hãnh diện mặc nó vào lễ Tết, nhất là những người phải tham gia hoạt động ngoại giao. Nó thể hiện sự tự tôn văn hóa dân tộc.

Tìm về truyền thống luôn là điều đáng trân trọng. Nhưng để truyền thống thích ứng với cuộc sống, luôn cần sự đổi mới, thích nghi.