Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2016 - 2020

Ðã đến lúc phải thay đổi toàn diện

Con số kỷ lục 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, thành phố gửi ảnh chụp sáng tác tới vòng sơ loại của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (TLMTVN) định kỳ 5 năm (2016 - 2020) đã phần nào chứng minh sức hút của sự kiện mỹ thuật cấp quốc gia này. Ðặc biệt, năm nay cũng là kỳ đầu tiên mời gọi các nghệ sĩ là công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài gửi sáng tác tham dự. Các phiên sau được rút ngắn lại còn định kỳ ba năm. Ngay từ đầu năm nay, thông tin về Triển lãm luôn thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật cả nước.

Một góc không gian trưng bày khá chật chội và ánh sáng không phù hợp quy chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: An Trung
Một góc không gian trưng bày khá chật chội và ánh sáng không phù hợp quy chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: An Trung

Số lượng không đi đôi với chất lượng

Không có giải nhất là một minh chứng rõ ràng về chất lượng chuyên môn của một triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia định kỳ 5 năm. Có đến 8 trong tổng số 12 ý kiến nhận xét của thành viên hai Hội đồng nghệ thuật (HÐNT) đều đề cập việc "thiếu vắng những tác phẩm của các nghệ sĩ đã hoạt động tích cực và có thành quả của những năm qua" (ông Ðoàn Văn Bằng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ðiêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), hoặc việc cần phải xem xét lại cách thức tổ chức sự kiện, như ý kiến của PGS Nguyễn Nghĩa Phương: "Có thể thấy rằng, không phải tất cả những gì đã diễn ra trong sáng tác mỹ thuật 5 năm gần đây đều hiện diện tại TLMTVN 2020. Ðiều đó đặt ra những đòi hỏi và thách thức mới cho công tác tổ chức triển lãm lần sau".

Bên cạnh đó, mặc dù diện tích của khu vực trưng bày triển lãm thuộc khuôn viên Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2- phố Hoa Lư, Hà Nội), khá rộng rãi, với tổng diện tích trưng bày ước tính lên đến hơn 3.000 m2, nhưng do số lượng sáng tác quá lớn, hơn 500 sáng tác (bao gồm của cả 20 thành viên HÐNT) và kích thước, chất liệu đa dạng nên đem tới cảm giác chung là hết sức rối mắt. Bản thân các tòa nhà này không phù hợp cho trưng bày sáng tác mỹ thuật, vốn rất kén chọn không gian và ánh sáng. Tranh khổ to, nhỏ, đủ loại khung, ken dày bên nhau, cùng với điêu khắc, sắp đặt, video art. Ban tổ chức (BTC) cũng đã cố gắng chia việc bày tranh (chiếm phần lớn, với hơn 380 sáng tác) theo chất liệu, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế về không gian và nhân lực hơn là đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trưng bày nghệ thuật.

Lùm xùm việc họa sĩ hủy trưng bày tranh và các lỗ hổng pháp lý

Nguyễn Quốc Huy (tác giả của bức tranh sơn mài Ðịa linh nhân kiệt, khổ 120 x 180 cm, sáng tác năm 2020) là người duy nhất trong số bốn tác giả (theo BTC) có sáng tác bị hư hại trong quá trình vận chuyển và sắp đặt quyết định rút sáng tác khỏi việc trưng bày tại Triển lãm này và yêu cầu BTC xem xét bồi thường (anh cho rằng, bức tranh của anh được định giá 50.000 USD và các vết xước sâu trên bề mặt khiến bức tranh không thể sửa chữa một cách đơn giản, thậm chí phải coi như hỏng hoàn toàn). Sự việc diễn ra ngay chiều 30-11, trước khai mạc, gây ra rất nhiều ồn ào trên báo chí và mạng xã hội, cho thấy một lần nữa, công tác tổ chức sự kiện tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là về tính chuyên nghiệp.

Trong văn bản thông báo Kết quả tuyển chọn tác phẩm trưng bày và Lịch nhận tác phẩm của BTC gửi đến các tác giả, không có bất cứ một dòng thông tin nào ghi nhận về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên (tác giả, nhà tổ chức, các đơn vị trung gian liên quan - nếu có) về việc bảo đảm nguyên trạng tác phẩm trong quá trình nhận - vận chuyển - trưng bày - trả lại đến tác giả. Là người tham gia rất nhiều sự kiện triển lãm trong và ngoài nước, riêng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (tên trước năm 2015 của TLMTVN) là bảy lần liên tiếp, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết: Chỉ có duy nhất triển lãm và giải thưởng Mỹ thuật Philip Morris (một giải thưởng mỹ thuật khu vực Ðông - Nam Á, trước và đầu những năm 2000) mà anh tham gia là có các điều khoản cụ thể, chi tiết về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý của các bên. Các điều khoản này không chỉ cho thấy tính chất chuyên nghiệp của một sự kiện nghệ thuật mà buộc tất cả các bên tham gia phải có ý thức rõ ràng về hành xử của mình với một sáng tác mỹ thuật. Trong vụ việc tại triển lãm này, khi giao sáng tác đến đại diện BTC, Nguyễn Quốc Huy đã trao đổi trực tiếp với họ các yêu cầu của mình và "bên họ có lập biên bản xác nhận tình trạng tác phẩm là tốt mặc dù tôi không được nhìn thấy biên bản này. Nhờ chứng cứ văn bản này mà chiều 30-11, BTC mới buộc phải lập biên bản theo yêu cầu xem xét giải quyết việc bồi thường cho tôi, sau mấy tiếng đồng hồ tranh luận".

Sự việc về sáng tác của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy cũng như các vấn đề quanh chất lượng chuyên môn của một triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia, có thời gian chuẩn bị lâu dài cho thấy thực tế diễn ra của nó chưa xứng đáng với vị thế đáng phải có. Ðã đến lúc, cơ quan trực tiếp đứng ra thực hiện sự kiện này là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) phải xem xét lại và thay đổi toàn diện cách thức tổ chức, như góp ý của nhiều thành viên HÐNT của chính kỳ triển lãm này.

Có hai HÐNT chấm chọn giải thưởng: HÐNT Hội họa, Ðồ họa, Nghệ thuật trình diễn, Video Art và các hình thức Nghệ thuật đương đại khác do ông PGS Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam làm Chủ tịch và HÐNT Ðiêu khắc và Nghệ thuật Sắp đặt do ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng VHTTDL làm Chủ tịch. Triển lãm có sáu giải nhì, 11 giải ba và 12 giải khuyến khích từ 497 sáng tác được chọn vào vòng trưng bày.