Văn học đại chúng

Từ cộng đồng đọc đến cộng đồng xã hội

Văn học đại chúng, văn học phổ thông, văn học thị trường, văn học thời đại tiêu dùng… là những cách gọi tên khác nhau của một bộ phận các tác phẩm hướng đến công chúng rộng rãi. Trong ý nghĩa này, hàm chứa một sự so sánh và phân chia đẳng cấp, văn học đại chúng phân biệt với văn học tinh hoa. Cộng đồng đọc văn học đại chúng, thực chất, xuất phát từ việc đọc đã tiến đến những hình thái sinh hoạt cộng đồng xã hội đặc trưng của thời đại kỹ thuật, công nghệ.

Từ cộng đồng đọc đến cộng đồng xã hội

1 Văn chương đương đại nở rộ nhiều đề tài, nhiều khuynh hướng, du nhập nhiều sắc thái đa chiều. Điều đó xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi cá thể trong xã hội. Cùng với những hệ giá trị có tính truyền thống, khá bền vững, được xây đắp từ trong lịch sử như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cái đẹp, cái cao cả, cái thiêng, thuần phong mỹ tục,… phải nhận thấy rằng, công chúng của văn học đại chúng đang thể hiện sự quan tâm đến các chủ đề có tính chất thời thượng, độc, sốc… Có thể thấy, đó là những khía cạnh của hệ giá trị thời vụ. Cuộc sống vội vã, bận bịu, căng thẳng không phải là đồng minh của những cuốn tiểu thuyết kinh điển dày cộp, phải ngồi ngay ngắn tại bàn mới có thể đọc được. Những bài viết ngắn trên facebook, những tản văn nho nhỏ, bài thơ dăm ba câu, những hài hước kiểu như Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, những bài thơ như của Nguyễn Phong Việt, những tiểu thuyết như của Gào, những tản mạn dí dỏm như của Lê Hồng Tuân, những ám ảnh tính dục trong tác phẩm ngôn tình… lại thu hút được nhiều người quan tâm. Giá trị nhất thời đã thắng thế trong cuộc chạy đua giành vị thế trong đời sống và thị phần trong thị trường văn học, giải trí.

Nắm bắt được những thay đổi trong quan niệm về giá trị, các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, công ty văn hóa truyền thông đã xoay sang đáp ứng nhu cầu của công chúng. Văn học đại chúng bắt đầu bùng nổ. Xuất bản những dòng sách dễ tìm độc giả, tác động mạnh đến thị hiếu có tính giải trí của con người thời hiện đại là sách lược được các nhà xuất bản chú ý và là một hướng đi chủ đạo của xuất bản sách văn học trong thời đại tiêu dùng. Những tên sách có tính chất câu khách: Thoát y dưới trăng (Thủy Ana, Nxb Văn học), Gạ tình lấy điểm (Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Hội Nhà văn), Cho em được gần anh hơn chút nữa (Gào, Nxb Hội Nhà văn, Công ty Bách Việt), Xu Xu đừng khóc (Hồng Sakura, Nxb Hội Nhà văn), Váy ướt quấn vào bắp chân (Tập truyện ngắn, nhiều tác giả, Nxb Hội Nhà văn), Hôn anh thêm một lần nữa nhé (Nhiều tác giả, Nxb Thời đại), Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang, Nxb Lao động), Dị bản - Tập truyện ngắn, chỉ đọc khi tuổi đã 18 (Keng, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) hoặc những sách dịch như: Nắm tay và làm tình (Nữ Vương, Trang Hạ dịch), Những người đàn bà tắm (Thiết Ngưng, Sơn Lê dịch, Nxb Hội Nhà văn)… đã ra đời từ chính nhu cầu của độc giả và sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của giới xuất bản.

2 Những đề tài mới mẻ, độc đáo, có tính chất ly kỳ, những đề tài thế sự, đời tư, những vấn đề nhạy cảm của con người lâu nay bị kiềm chế, những góc khuất của đời sống, sự phản tỉnh, giải thiêng… xuất hiện trong văn học và được người đọc quan tâm. Đề tài của văn học đại chúng đã nói lên tư tưởng “bước qua lời nguyền”, rút ngắn khoảng cách sử thi của văn học Việt Nam trong bối cảnh đương đại. Thị hiếu này của công chúng rõ ràng đặt ra sự đối lập đến mức hoài nghi, nhận thức lại một số giá trị tưởng như đã ổn định, bền vững. Những mẫu hình phản ánh giá trị trung đại đã từng bước lùi vào hậu trường trong quá trình giao lưu. Thời đổi mới, những giá trị truyền thống bảo lưu qua thời gian, những giá trị thời chiến như chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình đoàn kết, quan niệm về lẽ sống, cái chết, cái đẹp, cái cao cả... như đã nói, vẫn là những giá trị cốt lõi, hướng đến sự bền vững. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của con người cá nhân bản thể quá mạnh mẽ, khiến cho công chúng không còn nhiều thời gian quan tâm đến các đại tự sự.

Văn học đại chúng, như là một điểm phình ra mạnh mẽ nhất của trạng thái sống đương đại, đào sâu vào những vỉa tầng khuất lấp của hiện thực, tâm linh, vô thức, trưng ra những biểu hiện phức tạp, đa bội của đời sống con người. Không thể nói rằng văn chương đi vào mặt trái của hiện thực, bởi lẽ với nghệ thuật mang ý niệm hướng tới nhân sinh đích thực, không có chủ đề, đề tài nào là mặt trái. Ta có thể nhắc đến câu của K.Marx ở đây: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Văn chương sau đổi mới, mà dễ nhận thấy nhất là ở bộ phận văn học đại chúng đã nỗ lực truy cầu điều ấy. Thị hiếu của bản thân người sáng tác muốn dấn thân đến những nẻo vùng khác nhau của mỹ cảm, của tư duy, cũng như người đọc khao khát có được những trải nghiệm mới, bổ sung vào thực đơn tinh thần vốn đã đến lúc nghèo nàn, đơn điệu và nhạt nhẽo.

3 Cộng đồng đọc văn học đại chúng ở Việt Nam khá lớn, thậm chí lấn át cộng đồng văn học tinh hoa. Dĩ nhiên, cái tinh hoa thường không nhiều, nên đại chúng chính là phần lớn, số đông. Cộng đồng này có thể được hình dung ở một số bộ phận: văn học mạng, văn học thị trường, ngôn tình… Với các dạng tác phẩm này, sẽ hình thành những cộng đồng đọc riêng, mà con số là rất khó kiểm soát. Đối với văn học mạng, các diễn đàn như: wattpad.com, webtruyen.com, blogtruyen.com, kenhtruyen.com, santruyen.com, thichtruyen.vn,… là những nơi quy tụ khá đông đảo người đọc. Khảo sát các diễn đàn này, có thể nhận thấy, các diễn đàn đều tập trung thu hút đối tượng là những người trẻ tuổi, với những tác phẩm được gắn nhãn truyện teen, ngôn tình, truyện lịch sử, kiếm hiệp, tiên hiệp, sắc hiệp, linhlei, manga, truyện cười, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, truyện ngắn, tiểu thuyết… Các hoạt động của cộng đồng này không dừng lại ở việc đọc. Tại đây, việc dịch, trao đổi kinh nghiệm đọc, dịch thuật, dịch convert, kết bạn, giao lưu… cũng diễn ra sôi nổi. Một số diễn đàn như viptruyen.vn còn có những ý kiến bình luận khá sắc sảo, như một bài phê bình về văn học đại chúng. Có những thành viên diễn đàn với đóng góp quan trọng đã trở thành các nhân vật chủ chốt, có những chia sẻ một cách chi tiết về lịch sử hình thành, phát triển, tiêu vong của văn học mạng ở Việt Nam.

Ở mỗi diễn đàn, người đọc sẽ tìm thấy những điều kiện phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình. Những người quản lý, điều hành diễn đàn đã xây dựng các ứng dụng phù hợp với các nền tảng kỹ thuật công nghệ của thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy đọc sách… Thậm chí, các ứng dụng ngoại tuyến cũng được thiết lập để bạn đọc có thể đọc ngay cả khi không có in-tơ-nét. Ngoài ra, có thể tìm được khá nhiều những tổng hợp, khảo sát, thông báo của cộng đồng đọc truyện online về các forum, các diễn đàn có thể đọc truyện. Đến nay, những diễn đàn đời đầu cũng có thể đã chấm dứt hoạt động hoặc chuyển sang một phiên bản khác, tuy nhiên, sự nở rộ của các diễn đàn đọc truyện online đã quy tụ rất đông độc giả, nhất là giới trẻ.

Sự đông đảo của cộng đồng đọc văn học đại chúng thật sự không đáng lo ngại như nhiều người đã bày tỏ. Điều đáng quý là họ đã và đang đọc, như thế còn hơn họ quay lưng với văn học. Vấn đề ở đây chính là cơ chế quản lý các xuất bản phẩm cũng như ý thức lựa chọn, phòng vệ của công chúng trước các tác phẩm văn học (giả văn học) đang tràn ngập trên thị trường hiện nay. Sự chia sẻ, bình luận trong cộng đồng đọc văn học đại chúng phần nào nói lên đời sống văn chương ở khía cạnh bình dân, tự do và đầy tính giải trí. Đứng từ góc độ xã hội học, văn học đại chúng, văn học tinh hoa, cộng đồng đọc của hai bộ phận văn học này bình đẳng với nhau trong tư cách là những hiện tượng xã hội.