Tài năng và bản lĩnh người cầm bút

Làm sao để có tác phẩm chất lượng là khao khát của bất kỳ người cầm bút chân chính nào. Song, làm sao để được công chúng đón nhận là điều không dễ dàng. Vậy, làm sao để dòng văn học tinh hoa không bị lấn át bởi dòng văn học đại chúng, bị thị trường "bỏ rơi".

Nhà văn không chỉ cần tạo ra tác phẩm chất lượng, mà cần hướng tới chinh phục thị trường.
Nhà văn không chỉ cần tạo ra tác phẩm chất lượng, mà cần hướng tới chinh phục thị trường.

Vài năm trở lại đây, sự "đổ bộ" rầm rộ của tiểu thuyết ngôn tình và sau đó là quá trình "trỗi dậy" mạnh mẽ của dòng văn học đại chúng (văn học giải trí) trong đời sống văn học Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, độc giả, các nhà xuất bản sách, các cơ quan quản lý văn hóa. Không ít tọa đàm, trao đổi được tổ chức. Nhiều vấn đề được đặt ra với những tranh cãi trái chiều. Ða phần các ý kiến đều khẳng định sự xuất hiện của dòng văn học đại chúng là một tất yếu khi văn chương tồn tại trong cơ chế thị trường dưới sự tác động đa chiều của phương tiện thông tin, truyền thông; và đặc biệt sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ, sự đa dạng về giới tính, tâm lý, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, nhu cầu của độc giả mới. Và cũng từ đây, không ít các giải pháp đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều phía nhằm nhận diện, định vị dòng văn học này trong đời sống văn học hôm nay. Song vẫn còn đó những trăn trở, suy tư và cả sự lo âu, hoài nghi về diện mạo, "sức khỏe", chất lượng của nền văn học Việt Nam.

Chúng tôi quan tâm đến vấn đề làm sao để có những tác phẩm văn học vừa bảo đảm chất lượng, giá trị, vừa thu hút được sự quan tâm, đón nhận từ phía người đọc? Bởi trên thực tế những năm gần đây tồn tại hiện tượng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao nhưng vẫn bị người đọc thờ ơ "quay lưng", "bỏ rơi", số lượng sách tiêu thụ khiêm tốn mặc dù đã có nhiều "chính sách khuyến mua/đọc". Ngược lại, những sáng tác có chất lượng hạn chế lại được công chúng độc giả đón nhận nồng nhiệt, tạo thành những "cơn sốt" trên thị trường. Hài hòa giữa chất lượng tác phẩm (tính hàn lâm, kinh điển) và sự đón nhận của độc giả (tính đại chúng, giải trí) thật sự là một bài toán nan giải không chỉ đối với nhà văn thuộc dòng văn học tinh hoa lẫn văn học đại chúng, mà còn là niềm trăn trở, băn khoăn của giới phê bình, nghiên cứu, độc giả…

Ðể làm được điều này cần có sự vào cuộc từ nhiều phía, nhưng trên hết, theo chúng tôi trách nhiệm nặng nề thuộc về chủ thể sáng tạo, người trực tiếp tạo ra những sản phẩm tinh thần. Viết trong bối cảnh hiện đại/hậu hiện đại, dưới sự tác động nhiều chiều của cơ chế xã hội, văn hóa, thẩm mỹ và khung tri thức thời đại, người cầm bút phải thật sự tài năng, bản lĩnh, luôn đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, nhằm tạo ra những giá trị đích thực góp phần bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ; thể hiện khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ của nhân dân, làm giàu đẹp cho cuộc sống. Tác phẩm phải là sự kết tinh của sự am tường, hiểu biết sâu sắc về thế giới; là kết quả của sự cần mẫn, nghiêm túc trong việc tiếp cận, xử lý chất liệu nghệ thuật; là sự thăng hoa của bản lĩnh, tài năng trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm hình thức biểu đạt mới cuộc sống và con người.

Ðặc điểm và sức mạnh của tác phẩm văn học đích thực chính là ý hướng dùng tiếng nói tình cảm để thể hiện những quan niệm sống, quan niệm triết học về xã hội và tự nhiên, và cả những chính kiến của con người. Ðiều này thì đã rõ, tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nền văn học Việt Nam đương đại, với hai dòng chính văn học tinh hoa và văn học đại chúng, những tác phẩm như vậy không nhiều. Với văn học đại chúng, khi mà tính giải trí được đặt lên hàng đầu, lấy số lượng độc giả và doanh thu thị trường làm mục đích và thước đo, thì khó tránh khỏi sự tồn tại của những tác phẩm kém chất lượng. Còn văn học tinh hoa, mặc dù đã đạt nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng về tư tưởng, thẩm mỹ, hình thức nghệ thuật sau công cuộc Ðổi mới 1986, song vẫn còn đó những giới hạn không nhỏ, khiến câu chuyện tìm kiếm "đỉnh" sẽ còn được nhắc đến nhiều trong các bàn tròn văn học những năm tiếp theo. Trong những sáng tác được xếp vào dòng văn học tinh hoa, vẫn còn thiếu/yếu chất triết học, chiều sâu của sự khái quát, và khả năng vươn tới những tư tưởng có tầm nhân loại cũng như cách phân tích, luận giải hiện thực độc đáo, mới lạ, bộc lộ bản lĩnh và cách nhìn riêng của nhà văn về thế giới. Phải chăng đó chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến dòng văn học này vẫn chưa thu hút được số đông độc giả, tạo hiệu ứng xã hội?

Công bằng mà nói, văn học Việt Nam đương đại không phải không có những nhà văn đổi mới, sáng tạo nhiều tác phẩm vừa có giá trị thẩm mỹ vừa thu hút sự quan tâm. Những tác phẩm tiêu biểu của Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Ðình Tú, Nguyễn Danh Lam, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Chiến… là biểu hiện sinh động cho tài năng và tâm hồn, sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm, bản lĩnh và lương tri, tất cả được kết tinh trong nền tảng văn hóa vững chắc của người nghệ sĩ. Một khi nhà văn biết chuyển hóa hài hòa, tinh tế giữa sự suy tư, trăn trở về các vấn đề có tầm phổ quát về thế giới và con người trong một lối viết vừa truyền thống, vừa hiện đại từ điểm nhìn cá nhân, triết học văn hóa, tinh thần nhân bản, thì tác phẩm của họ bằng nhiều cách khác nhau có thể chạm vào được trái tim người đọc và có sức sống bền lâu trong đời sống văn học dân tộc.

Và lẽ cố nhiên, đó là điều kiện không thể thiếu để đời sống văn học có những tác phẩm chất lượng, giá trị, song đó mới chỉ là điều kiện cần để những sản phẩm tinh thần của nhà văn có thể đến với số đông độc giả. Sáng tạo trong không gian văn hóa đại chúng, chịu sự tác động của cơ chế thị trường, đòi hỏi nhà văn cần thích ứng với thời cuộc, đối mặt với sự khắc nghiệt của quy luật thị trường. Bên cạnh làm mới những mối quan hệ "truyền thống": nhà văn - hiện thực cuộc sống, nhà văn - công chúng, nhà văn - chính mình; nhà văn hôm nay cần chủ động tìm kiếm, tạo dựng cho mình những mối quan hệ mới: nhà văn - truyền thông, nhà văn - nhà xuất bản, nơi phát hành, nhà văn - giới phê bình, nghiên cứu… Không chạy theo thị hiếu tầm thường hay sở thích nhất thời của người đọc, nhưng nhà văn phải biết lắng nghe, phân tích thị hiếu của công chúng; tìm hiểu, đánh giá nhu cầu thị trường; và đặc biệt phải biết cách lôi kéo độc giả dự phần vào quá trình sáng tạo, đánh thức "thái độ hậu hiện đại", tôn trọng đặc quyền tự lựa chọn, khám phá và suy ngẫm của độc giả bằng những sinh thể nghệ thuật có chất lượng.

Cùng với đó, người cầm bút cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ hiệu quả từ nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, cơ quan quản lý văn hóa, giới phê bình, nghiên cứu, những người mang sứ mệnh phát hiện cái đẹp và xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ.