Ðọc Phan Quang viết về Bác Hồ

Tôi có hân hạnh được đọc và ghi mấy lời cảm nhận về một tập sách mới của nhà báo Phan Quang, tập sách Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí.

Ðọc Phan Quang viết về Bác Hồ

Với sự khiêm nhường gần như thuộc tính của mình, tác giả mở đầu tập sách bằng Lời thưa: “Hồ Chí Minh là cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đứng ở chân núi nhìn thấy mấy cây trước mắt”. Ý anh muốn nói: Cuốn sách này tuyển chọn hơn ba mươi bài đã đăng báo, in sách, viết nhân một sự kiện nào đó của đất nước, trong bối cảnh chính trị - xã hội nhất định, nhưng cùng hướng về việc học tập tư duy, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, chắc khó tránh khỏi nông cạn, thiếu sót, bất cập,…

Tôi thật lòng chia sẻ nỗi băn khoăn của anh. Nhưng cũng thành thật nói để anh yên tâm, cuốn sách của anh có sức cuốn hút khá mạnh. Ðọc một bài, muốn đọc thêm bài nữa. Ðọc hết sách, còn muốn đọc lại đôi lần. Bằng sự sắp xếp hợp lý, đan xen giữa chính luận và bút ký, kết hợp nghiên cứu với sáng tác văn học, chỉ nói người thật việc thật mà không hư cấu, tác giả đã khắc họa nên hình tượng một Bác Hồ có nhiều duyên nợ với báo chí. Chữ “duyên” và chữ “nợ” cùng được hiểu một cách bình dị, không khoa trương. Duyên nợ không phải trời sinh cũng không do tiền định. Qua những chặng đường hoạt động cách mạng và do yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ đã “kết duyên” với báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để phục vụ cách mạng. Nếu tính từ ngày chính thức bước vào nghề báo ở Paris (Pháp) năm 1919, cho đến khi qua đời năm 1969, Bác đã có tròn nửa thế kỷ cầm bút. Bác là cộng tác viên của nhiều tờ báo, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tác giả của nhiều tác phẩm báo chí nổi tiếng, cũng là người tự mình đứng ra thành lập tờ báo tiếng Việt trực tiếp phục vụ cuộc cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên ra đời năm 1925 đánh dấu một cột mốc vàng của báo chí cách mạng nước ta.

Nền báo chí cách mạng mà Người khai sáng đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến nay. Những gì Bác dạy về vai trò và chức năng của báo chí, về nghiệp vụ báo chí, về viết gì, viết như thế nào,… ngày nay đã là kinh điển.

Phan Quang không quá lời khi nói Bác Hồ “là nhà báo lớn nhất của Việt Nam trong mọi thời đại, một cây bút ngang tầm những tên tuổi nổi bật nhất về văn hóa và báo chí trên thế giới”.

Vượt qua khuôn khổ duyên nợ của Bác Hồ với báo chí, cuốn sách còn dành một khoảng không gian rộng để người đọc có thể tìm thấy ở Bác một thứ duyên nợ lớn lao hơn, bao trùm hơn. Ðó là duyên nợ của Người với đất nước và dân tộc, với sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Thật xúc động, cũng thật tự hào khi đọc mấy lời sau đây của tác giả Phan Quang:

“… Ngày 19 tháng 5 năm 1890, tại làng Kim Liên ra đời một danh nhân với nghĩa rộng nhất - hay nói theo ngôn từ của các nhà sử học quốc tế, một trong “những nhân vật lỗi lạc đã làm nên thế kỷ XX”.

Ðó là ngày một Con Người bình dị mở mắt chào đời: cậu bé Nguyễn Sinh Cung, lớn lên là Nguyễn Tất Thành và Văn Ba, là Ferdinand, Victor Le Bon và New Man, là Nguyễn Ái Quốc, Niloski và Linov, là Vương, Chen Vang và Lý Thụy, là Tống Thiệu Tổ và Trương Nhược Trừng, là Thầu Chín và Già Thu, là Ông Cụ hay Ông Ké mặc áo chàm, là người cầm bút ký nhiều bút danh Chiến sĩ, Hy Sinh, Chiến Thắng, C.B, H.B,… để cuối cùng sừng sững một Hồ Chí Minh”.

Ðề cập tới nhân cách lớn của Bác Hồ về văn hóa, Phan Quang đã có những dòng thắm thiết: “Trong lịch sử thế giới từ cổ đại đến ngày nay, thời nào cũng có những danh nhân tỏa sáng như những ngọn thiên sơn đời đời chói lọi dưới vầng thái dương. Các Ngài lưu lại cho đời nhiều bài học về cung cách giải quyết các vấn đề thời đại họ. Anh hùng hào kiệt các thế hệ sau học được từ sự nghiệp các bậc tiền bối nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những thiên sơn ấy”.

“… Bác Hồ kính yêu là người con kiệt xuất của đất nước, vị kế thừa và phát huy xuất sắc cốt cách dân tộc để hòa quyện vào tinh hoa nhân loại”. “Ðạo đức Hồ Chí Minh là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu của nhân dân Việt Nam và với tất cả sự khiêm nhường, ta vẫn có thể nói của một phần nhân loại”.

Phan Quang là một cây bút sắc sảo, đa tài. Ðể làm phong phú thêm nội dung cuốn sách, anh sử dụng không chỉ những bài báo của chính mình viết về Bác Hồ mà còn khai thác ở mức cần thiết những bài viết của các tác giả nước ngoài do anh lược dịch hoặc trích dẫn, để qua đó, thấy rõ hình tượng Hồ Chí Minh rạng rỡ như thế nào dưới lăng kính của báo giới và chính giới bên ngoài. Anh viết: Phần lớn các nhà văn hóa nước ngoài gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, được nghe Bác nói chuyện, tiếp khách, hay là nhà báo được Bác đồng ý trả lời phỏng vấn, trong số đó, có người tìm cách “cật vấn” Bác bằng những câu hỏi trớ trêu, hóc búa nhất, hay cố tình “giăng bẫy” hy vọng Bác Hồ lỡ lời, cuối cùng ra về, mỗi người đều có lưu lại cho đời ít nhất một tác phẩm xuất sắc trong cuộc đời sáng tạo của mình; một bộ phim, một bản tin, một cuộc phỏng vấn, một trang viết, một dòng thơ, một nét ký họa, một khúc ca, một tùy bút,… Minh chứng rõ nhất là Phan Quang đã mạnh tay sử dụng bản lược dịch một bài của nhà báo Pháp lừng danh Jean Lacouture có nhan đề “Cụ Hồ thức tỉnh khi mọi người ngủ say” để thay Lời tựa cho cuốn sách này. Nhà báo Jean Lacouture viết: Hồ Chí Minh là “nhà hoạt động tài ba nhờ dựa trên những trải nghiệm của chính mình, người kiến tạo lịch sử đã làm hồi sinh một dân tộc, sáng lập một Nhà nước, dắt dẫn hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm về thực chất là cuộc chiến của những người bị áp bức chống kẻ áp bức. Cuộc kháng chiến chống Pháp của ông làm tan tành một đế quốc thuộc địa lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ do ông chỉ đạo làm bộc lộ giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi nó được dùng chống lại con người.

Trong tất cả những nhà lãnh đạo đang còn sống trên thế giới đương đại, Cụ Hồ có lẽ là người chứng minh sáng tỏ hơn cả những gì nghị lực con người có thể làm được thông qua tài năng sử dụng một bộ máy quyền lực bắt rễ từ khát vọng ngàn đời của người dân”.

Bài này viết năm 1967, khi Bác còn tại thế. Hơn ba mươi năm sau, ta bắt gặp trong bộ Ðại Bách khoa toàn thư của Pháp (Encyclopedia Universalis, Paris, 1996) danh tiếng hàng đầu thế giới, mục từ Hồ Chí Minh dài vượt xa số chữ thông thường dành cho một danh nhân kim cổ, có câu kết như sau: “Là nhân vật bản lề, vừa là nhà hòa giải vừa là nhà khởi xướng (cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam), Hồ Chí Minh là nhà cách mạng của thời đại mà sự từ trần gây tổn thất và xúc động tâm can đông đảo người dân nhất, bao gồm cả những người chưa bao giờ nghĩ mình là người cách mạng”. Người chắp bút cho mục từ Hồ Chí Minh này không ai khác là nhà báo Jean Lacouture.

Cảm nhận của tôi về cuốn sách của Phan Quang còn nhiều. Nếu cần trích dẫn những lời ngợi ca Bác Hồ, chắc chắn không ít. Nhưng để đúng với những gì Bác mong muốn, tôi xin mượn câu nói sau đây của tác giả để khép lại phần cảm nhận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một vị thánh. Bác Hồ là một người hòa quyện trong nhân dân, sống chết với nhân dân. Sinh thời Bác không muốn ai, đương thời cũng như hậu thế, tôn sùng Người như phụng thờ thần linh. Suốt đời Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là giành độc lập về đất nước, đưa tự do, hạnh phúc đến với nhân dân”.