Lòng yêu nước không độc quyền

Văn học Việt Nam mười thế kỷ nặng lòng yêu nước và sâu sắc nhân văn. Từ trong quá khứ mãi vọng về Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Đại Cáo bình ngô của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu… Đặc biệt trong thế kỷ XX khi cả dân tộc cùng sát cánh dưới lá cờ đỏ sao vàng chiến đấu vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thì những truyền thống quý báu đó càng được nhân lên gấp bội.

Lòng yêu nước không độc quyền

1 Những áng thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng của Chế Lan Viên, Hai đợt sóng của Xuân Diệu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân… là những thi phẩm vượt thời gian.

Lòng yêu nước không độc quyền ảnh 1

Những trường ca/thơ dài Nước non ngàn dặm của Tố Hữu, Bài ca chim Chrao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Sông Mê Công bốn mặt của Anh Ngọc, Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến,… là những tượng đài bằng thơ bất hủ ghi khắc những chặng đường dân tộc đi qua trong lửa đỏ và nước lạnh. Những bộ tiểu thuyết có quy mô và âm hưởng sử thi như những tấm gương lớn phản chiếu những bước đi khổng lồ của lịch sử dân tộc - Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng, Bão biển của Chu Văn, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Hòn Đất của Anh Đức, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng, Vùng trời của Hữu Mai,… Đó là những pho sử được viết bằng ngôn từ văn chương ghi dấu những chặng đường gian khổ và vinh quang cả dân tộc đã đi qua trong mười nghìn ngày (1945-1975). Lịch sử hiện đại Việt Nam là lịch sử của “máu và hoa” như câu thơ của Tố Hữu: “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/Có đủ mai sau thắm những ngày”.

Những thế hệ nhà văn sinh ra và lớn lên trong hòa bình có cách thể hiện lòng yêu nước của riêng mình. Nếu ai đó nói rằng thế hệ trẻ hôm nay chỉ biết tận hưởng chứ không biết tận hiến thì đó là một ý kiến cực đoan. Nếu ai đó nghĩ rằng khó có thể kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong công cuộc kiến quốc thì người đó sẽ trở nên thiển cận. Nếu ai đó không biết kỳ vọng vào văn trẻ thì người đó không hiểu được quy luật “tre già măng mọc”. Văn trẻ ở đây thường được gọi là “thế hệ f” (gồm 7x và 8x). Tình yêu quê hương đất nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi bốc lên như một “hỏa diệm sơn”. Đôi khi nó ẩn trong những việc làm bình thường, những suy nghĩ, cảm xúc giản dị, kiểu như: “Hương quê nưng nức nồi nước xông chị nấu bảy thứ lá cây/ Và cả dáng quê nghiêng chao sóng nước trời mây/ Dáng chị gập người lên chậu quần áo ven bờ sông ngày nắng/ Quê mình nghèo lặng thầm như thể luống khoai vạt sắn/ Chuông nhà thờ dài như thể niềm mơ/ Em sẽ không viết nổi một câu thơ/ Nếu bóng chị bóng quê không hắt xuống đời em năm tháng” (Hoàng Đăng Khoa - Bóng quê). Một cây bút thuộc thế hệ 7x mà viết như thế là đã thật sự trải nghiệm sống và sâu thẳm tình yêu quê hương đất nước.

Tinh thần “níu giữ hồn quê” trong thơ trẻ có thể đáng ngạc nhiên nếu theo lối nghĩ thông thường khi con người đang đua nhau đổ ra đô thị sinh sống, khi không ít người đang tìm mọi cách đi ra khỏi biên giới Việt Nam với tâm thế “ở đâu sung sướng ở đó là quê hương”. Trong một đời sống xô bồ, hiện sinh, thực dụng thì vẫn có một người cần mẫn “chia ngũ cốc”. Đó là nhan đề một tập thơ của Nguyễn Quang Hưng xuất bản gần đây. Không nhiều người làm thơ trẻ tỉ mẩn và cần mẫn với một động hướng như thế trong sống và trong thực hành thơ - tìm về căn tính Việt. Phạm Vân Anh với những vần thơ dạt dào cảm hứng về quê hương đất nước. Trường ca Sa mộc của chị đã gây tiếng vang trên văn đàn. Đó là lối viết dựa vào nguồn đại khí - cảm hứng lớn - gắng sống với những cuộc đời ngoài mình. Nguyễn Phan Quế Mai với Tổ quốc gọi tên mình đã khiến độc giả bất ngờ khi tìm thấy trong thơ của người trẻ này một sự vững vàng, chín chắn trong nhận thức và tình cảm. Thơ như thế có thể giúp con người bay lên và lớn lên. Những thí dụ trên cho thấy văn trẻ đã dần dần thoát khỏi cái nhược điểm “khéo thêu thùa bản thân mà kém vá may cho người đời”.

2 Tận cùng văn hóa là con người với bao nỗi niềm, mơ ước, số phận. Đọc thơ Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Khúc Hồng Thiện, Trần Hoàng Thiên Kim, Bình Nguyên Trang… thấy những giọng thủ thỉ, trầm ấm về cảnh và người thuần Việt.

Trong số các cây bút văn xuôi “thế hệ f” độc giả nhận ra những gương mặt khá quen thuộc như Lưu Sơn Minh, người chuyên tâm viết về lịch sử. Đó cũng là một cách gửi gắm, ký thác tâm sự vào con chữ. Đỗ Bích Thúy với Cánh chim kiêu hãnh, Uông Triều với Sương mù tháng giêng, Doãn Dũng với Chuyện Nguyên Phong, Nguyễn Thị Kim Hòa với Hương thôn dã, Đinh Phương với Chiều ký ức phủ gai cùng với “dàn” cây bút trẻ như Nguyễn Xuân Thủy, Hồ Kiên Giang, Hoàng Công Danh, Lê Vũ Trường Giang, Nhụy Nguyên, Trịnh Sơn, Vũ Thanh Lịch, Hương Thị,... mỗi người một cách, một vẻ nhưng đều qua lịch sử mà nói về hiện tại một cách thấu đáo hơn theo tinh thần “ôn cố tri tân”. Tống Ngọc Hân với Tam không, Nguyễn Văn Học với Đôi mắt xứ Đoài, Trần Quỳnh Nga với Giấc mơ cánh cò, Chu Thị Minh Huệ với Bông dẻ đẫm sương, Trương Anh Quốc với Trầm tích ao làng, Chu Thanh Hương với Hoa bay, Lê Nguyễn Quốc Việt với Sương trắng,… đều cố gắng ký họa bằng chữ những vẻ đẹp giản dị mà rạng rỡ của quê hương xứ sở, vẻ đẹp của những con người bình dân một nắng hai sương trên từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi lao động và cả những con người dám xả thân trên trận tuyến thầm lặng vì sự bình yên của cuộc sống.

Lòng yêu nước không độc quyền ảnh 2

3 Nhưng tâm thế của văn trẻ (và tuổi trẻ nói chung) hiện nay? Họ cần một chế độ, chính sách ưu đãi trong tác nghiệp? Họ cần một thái độ tin cậy của xã hội nói chung và của hội đoàn chuyên môn nói riêng? Họ cần được tự do khai phóng hay hoạt động nghề nghiệp trong một khuôn khổ hạn định? Họ cần “con cá hay cái cần câu”? Quan sát lớp trẻ nói chung hiện nay rõ ràng thấy hiện tượng phân thân do áp lực của một đời sống ngày càng trở nên phức tạp hơn, các giá trị sống có nhiều biến động khôn lường. Không ít người trẻ bị cuốn theo những lề thói thời thượng, trượt theo những cám dỗ nhất thời. Vì thế, với văn trẻ việc trui rèn bản lĩnh sống và nghề nghiệp ngày càng quan trọng và cấp thiết. Trong những vốn liếng cần có để văn trẻ đi trên con đường thiên lý văn chương thì sự trải nghiệm sống (“sống đã rồi hãy viết”) và trải nghiệm văn hóa là song song. Một nhà văn chân chính phải có chân đế và cốt cách văn hóa vững vàng.

Có nhiều lý do để hy vọng vào thế hệ văn trẻ khi họ mỗi ngày được nâng cao về bản lĩnh, trí tuệ; khi mỗi ngày họ được bồi đắp những tình cảm lớn và đẹp về quê hương đất nước và con người Việt Nam vằng vặc các giá trị chân - thiện - mỹ. Đọc văn trẻ càng củng cố tâm thức: Lòng yêu nước không độc quyền.