100 bài đọc sách hay trên nhật báo Le Monde 75 năm qua

Nhật báo Le Monde (Thế giới) Pháp số ra ngày thứ bảy 21-9-2019 vừa qua đăng bài của ba tác giả Raphaelle Leyris, Jean Birnbaum và Florent Georgesco nhan đề: “100 cuốn tiểu thuyết từng mang đến nhiều phấn khích hơn cả cho báo Le Monde từ năm 1944 đến nay”, chọn và giới thiệu 100 bài phê bình sách văn học xuất sắc nhất đăng trên báo ấy 75 năm qua.

Tranh minh họa đi kèm bài phê bình cuốn tiểu thuyết "Blonde" của nữ nhà văn Mỹ Joyce Carol Oatest đăng trên báo Le Monde ngày 20-10-2000.
Tranh minh họa đi kèm bài phê bình cuốn tiểu thuyết "Blonde" của nữ nhà văn Mỹ Joyce Carol Oatest đăng trên báo Le Monde ngày 20-10-2000.

Sau lời dẫn “Từ Albert Cohen đến Umberto Eco, từ Marguerite Duras đến Philip Roth, báo Le Monde chia sẻ mối tình dài suốt 75 năm của mình đối với văn chương”, bài viết rào đón:

Con quỷ sứ của mọi danh bạ có tên là độc đoán. Thưa các bạn đọc quý yêu, thay vì tìm cách loại trừ con quỷ ấy, tốt hơn là chúng ta hãy cùng nhau ghi nhận: Danh sách các bài đọc sách chúng tôi sẽ trình các bạn sau đây không hề có tham vọng tạo một vầng nguyệt quế khách quan, cũng như không dám trình làng một bức tranh toàn cảnh tiêu biểu cho văn học từ năm 1944, năm báo Le Monde ra đời, đến nay. Khiêm nhường hơn, nó chỉ có tham vọng phản ánh một số khoảnh khắc trong lịch sử 75 năm của tờ báo chúng tôi, bởi báo Le Monde đã tôn vinh văn học ngay từ năm nó vừa chào đời.

Đây là một cuộc phiêu lưu cực kỳ chủ quan, bị cuốn hút bởi một mớ những cảm nhận rất người, ấy là sự hiếu kỳ, lòng thán phục, nhiệt tình - lẽ đương nhiên, mà còn xen lẫn cáu bực, chán chường, lười biếng nữa... Ngày 9-11-1968, nhà báo Pierre-Henri Simon hồi ấy phụ trách chuyên trang “Thế giới sách” (của báo Le Monde, phát hành ngày thứ năm hằng tuần - P.Q.) đã phải thanh minh về chuyện tại sao chuyên trang của ông đã bỏ qua không đề cập cuốn tiểu thuyết “Belle du Seigneur” của nhà văn Albert Cohen - cuốn sách chỉ ít lâu sau ngày phát hành đã gặt hái thành công vang dội trong cả nước Pháp. Ông thú thật: “Tại tôi lười biếng!”, và thanh minh: “Tuy nhiên, cũng có mấy trường hợp giúp tôi giảm nhẹ cái tội của mình. Xin các bạn hãy nghĩ xem: Hằng ngày, báo Le Monde nhận được đều đều từ sáu đến tám kiện sách do các nhà xuất bản hào phóng gửi đến biếu, hôm ấy tôi mở một kiện ra và nhìn thấy bên trong có một cuốn sách khổ lớn dày 5 cm gồm những 850 trang với các lề trang hẹp, in cỡ chữ nhỏ, nội dung văn chương lại tinh tế sâu sắc tựa văn phong của văn hào Marcel Proust, sách lại nhận đúng vào dịp mấy tuần tôi được nghỉ phép trong một năm. Lúc ấy tôi nghĩ tốt hơn cả là ta hẵng chộp lấy một truyện vừa của Francoise Sagan, hay là chọn lấy tập cuối bộ “Nhật ký” của Jouhandeau để nhấm nháp trong vòng hai tiếng đồng hồ (và viết luôn bài đọc sách cho kịp hạn). Lẽ đương nhiên tôi đã sai, bởi người làm phê bình văn học không bao giờ được phép quên: các bộ tiểu thuyết lớn được quyền to và dày!”.

Năm 1946, nhà báo Emile Henriot, người đầu tiên được giao phụ trách chuyên trang “Thế giới sách” cho biết: Hằng ngày, tòa soạn nhận được khoảng mười cuốn tiểu thuyết, thì gần bốn thập niên sau, năm 1982, người kế nhiệm ông, nhà phê bình văn học Bertrand Poirot-Delpech than: “Trong hàng trăm cuốn sách báo Le Monde nhận được hằng tuần, bằng cách nào chọn ra cho trúng một cuốn xứng đáng hơn cả để đọc và viết bài phê bình đây?”. Hàng trăm cuốn! Đó là chuyện ngày xưa, bốn mươi năm về trước. Còn ngày nay, đều đặn hằng tuần các nhà phê bình văn học của báo Le Monde không phải nhận 10 cuốn mà 50, thậm chí có tuần nhận cả 100 cuốn tiểu thuyết các nhà xuất bản gửi đến biếu!

Bài báo viết tiếp: Thế mà bây giờ nhóm chúng tôi được giao việc tuyển lựa và giới thiệu 100 bài phê bình văn học này lại phải mò mẫm, lục chọn từ các kho sách lưu trữ tại tòa báo trong 75 năm! Bốn mươi năm trước, Bertrand Poiriot-Delpech tâm sự: “Những người chuyên viết bài Đọc sách đăng lên báo thường xuyên băn khoăn và chao đảo giữa hai dòng nước, một bên là nỗi lo bỏ sót một thiên tài văn chương không giới thiệu, và bên kia là tham vọng đọc hết tất cả các sách vừa nhận được, xin các bạn thử nghĩ giúp cho: bằng cách nào đây giải tốt bài toán song đề ấy?”.

Tại bài giới thiệu khái quát của nhóm nhà báo chịu trách nhiệm tuyển chọn 100 bài đọc sách hay, đăng báo Le Monde số ra ngày 21-9-2019 vừa nói ở trên, có ghi đường link cho phép bạn đọc qua đó tiếp cận toàn văn các bài phê bình văn học được chọn in vào Tuyển tập. Kẻ viết bài này thử nhặt tình cờ một đoạn trích từ bài của nhà thơ và phê bình văn học Emile Henriot giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Aurélien” của Louis Aragon xuất bản năm 1944, đăng trên báo Le Monde số ra ngày 3-1-1945, vào lúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến hồi quyết liệt nhất, thủ đô Paris của Pháp vừa được giải phóng, Hồng quân Liên Xô tiến tới gần thủ đô Berlin nước Đức nơi trùm phát xít Hitler đóng Tổng hành dinh. Đến cuối bài Đọc sách ấy, Emile Henriot bức xúc: “Có lẽ tôi cần phải viết thêm một bài nữa dưới dạng feuilleton thì mới có thể nói hết cái tài của tác giả, cái hay của tác phẩm... Văn Aragon có đủ mọi đặc trưng, ảo thuật, nhịp độ, động tác - cái tài của ma quỷ; bên cạnh đó là nhiệt huyết, trí tuệ, văn phong - cái đức tuyệt vời của một nhà văn trời sinh ra để làm thơ, viết văn!”.

Về “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Marquez, Giải thưởng Nobel văn học, (bản dịch tiếng Pháp in năm 1968), Giáo sư Claude Fell người gốc Tây Ban Nha viết: “…Cái ảo thường xuyên hòa quyện trong cái thực qua suốt câu chuyện, nhưng không phải dưới dạng sử thi hoặc truyện quái dị mà nhờ ở một sự diệu kỳ mang tính tượng trưng, tác phẩm gần gũi hơn với thể loại chuyện thần linh có tính giáo huấn đối với tín đồ hay là truyện cổ tích dành cho con trẻ” (báo Le Monde số ra ngày 23-3-1968).

Thật đáng khâm phục cách làm việc chỉn chu, khoa học của báo Le Monde, một trong số những tờ nhật báo hàng đầu thế giới ngày nay, qua việc trân trọng giữ gìn kho sách báu đến cách tôn vinh truyền thống của tờ báo mình!

Tôi lại nhớ mười năm trước, kỷ niệm 65 năm ngày ra số đầu, báo Le Monde từng cho xuất bản Tuyển tập 100 bài phóng sự hay nhất trên báo ấy từ năm 1944 khi đang còn chiến tranh đến cuối năm 2008 lúc kinh tế thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhan đề “Những bài phóng sự lớn trên báo Le Monde từ 1944 đến 2009”

(ảnh trên). Một người bạn sống ở nước ngoài biết tôi yêu sách, đã chịu khó cõng trên lưng kiện sách nặng 2 kg từ châu Âu sang Hà Nội, gọi là chút quà khi đến nhà thăm bạn sau nhiều năm không có dịp gặp. Tôi nhận quà lòng thầm nghĩ: Phải chăng ông bạn có ý nhắn nhủ mình, hãy xem cung cách người ta làm ăn mà học tập? Bộ Tuyển tập ấy lúc đầu dự định chọn đúng 100 bài phóng sự hay của các nhà báo tên tuổi thuộc nhiều thế hệ, trong đó riêng về Việt Nam có đến năm bài, in tại tập sách đồ sộ dày gần 580 trang. Nếu chuyển thành một cuốn sách loại thông dụng hiện nay khổ 13,5 x 21 cm thì y chang một cuốn từ điển! Lần dò mấy trang Mục lục ở cuối sách, tôi đếm được những 105 bài chứ không phải 100 như đã viết trong Lời nói đầu của cuốn sách, tôi lại nghĩ: Phải chăng nhóm biên soạn, sau khi chốt lại ngần ấy bài báo hay, đã tiếc rẻ không nỡ loại bớt năm bài cho tròn con số 100, đành tự mình làm sai cái chuẩn do chính mình quyết định, từ đó buộc phải thay luôn cả cái nhan đề sách?

100 bài đọc sách hay trên nhật báo Le Monde 75 năm qua ảnh 1