Xử phạt nghiêm những người không chấp hành biện pháp phòng dịch

Trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, việc hạn chế đi ra ngoài, thường xuyên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay là biện pháp phòng ngừa quan trọng và cần thiết, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ cộng đồng. Việc làm này đơn giản, dễ dàng, ít tốn kém, thế nhưng nhiều người vẫn không thực hiện, gây nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Nhiều người dân tại Hà Nội vẫn chưa đeo khẩu trang ở nơi công cộng theo quy định. Ảnh: HƯNG BÙI
Nhiều người dân tại Hà Nội vẫn chưa đeo khẩu trang ở nơi công cộng theo quy định. Ảnh: HƯNG BÙI

Sau hơn ba tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chỉ trong mấy tuần qua, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều ca nhiễm tử vong trên nền bệnh lý nặng. Phần lớn trong số đó đều liên quan đến ổ dịch ở Ðà Nẵng và một số ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Ðợt dịch Covid-19 lần này mức độ nguy hiểm cao hơn đợt trước bởi tốc độ lây lan rất nhanh và không xác định được nguồn lây nhiễm, nhưng nhiều nơi vẫn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách cần thiết và xem nhẹ việc đeo khẩu trang.

Ðiển hình như ca bệnh số 714, là nhân viên điều hành xe buýt ở Hà Nội, từng đi du lịch cùng gia đình tại Ðà Nẵng từ ngày 14 đến 17-7. Từ khi có biểu hiện bệnh (ngày 19-7) đến trước khi phát hiện bệnh (ngày 5-8), bệnh nhân số 714 đã đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ đông người, tiếp xúc rất nhiều người, bao gồm năm quận ở Hà Nội (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), và cả hai tỉnh Thái Bình và Nam Ðịnh. Lịch trình, hoạt động của ca bệnh này rất phức tạp, đi làm việc, đi liên hoan, hát ka-ra-ô-kê, khám bệnh ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại Hà Nội. Do số lượng người tiếp xúc lớn, lực lượng chức năng phải làm việc rất vất vả để truy vết, rà soát các đối tượng F1, F2. Hơn 200 người liên quan bệnh nhân số 714, trong đó ít nhất 64 người tiếp xúc gần phải cách ly tập trung, trong đó nhiều người là cán bộ y tế. Nếu người bệnh số 714 có ý thức hơn trong việc phòng dịch như: tự cách ly, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, phòng hộ cá nhân thì giảm được nhiều nguy cơ lây lan dịch. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, nhiều người dân sống chung tòa nhà với ca bệnh là nơi có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 nhưng vẫn lơ là, chủ quan, không thường xuyên đeo khẩu trang. Có trường hợp sống cùng tòa nhà với ca bệnh số 714 không phối hợp khai báo y tế và bỏ trốn khỏi nơi cách ly.

Mới đây là người bệnh số 867 ở tỉnh Hải Dương. Sau khi ca bệnh này được phát hiện, lực lượng chức năng khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện thêm 10 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi (số 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương), nơi có rất đông người qua lại. Hệ quả là TP Hải Dương đã phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, thực hiện cách ly y tế. Ðiều đáng nói là tại nhà hàng nêu trên, cả nhân viên và thực khách đều không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khiến vi-rút SARS-CoV-2 âm thầm lây lan thành ổ dịch.

Ngay tại tâm dịch Ðà Nẵng những ngày gần đây, khi toàn thành phố thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân vẫn có biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Nhiều khu vực công cộng như: dọc vỉa hè bờ sông Hàn (quận Hải Châu); chân cầu Trần Thị Lý (quận Sơn Trà); dọc đường Nguyễn Tất Thành, đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu) mặc dù chính quyền địa phương đã giăng dây, treo băng-rôn cấm tập trung đông người nhưng nhiều người vẫn vượt rào vào bên trong để vui chơi, luyện tập thể thao. Thậm chí, một số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, tụ tập thành từng nhóm, không thực hiện quy định giãn cách. Nguy hiểm hơn một số thanh thiếu niên vẫn tụ tập đua xe trái phép.

Trước tình hình dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðồng Nai, An Giang đã có quy định xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tuy nhiên, tại nhiều khu chung cư, các khu chợ dân sinh, công viên, quán cà-phê, trà đá vỉa hè ở Hà Nội, nhiều người dân vẫn vô tư tụ tập, không giữ khoảng cách an toàn và không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Sáng 19-8 (tức mồng 1-7 âm lịch) hàng nghìn người vẫn đổ về Phủ Tây Hồ đứng chen chúc để dâng lễ cầu an.

Hiện nay, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo trong cộng đồng ở cấp độ cao hơn, khuyến cáo mạnh mẽ người dân hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Mọi cố gắng của ngành chức năng và chính quyền các cấp sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân không nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Dịch Covid-19 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng và không biết rằng họ đã bị nhiễm. Khẩu trang là một tấm chắn đơn giản giúp ngăn ngừa người bệnh lây lan vi-rút sang người khác, vì vậy mọi người nên đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và khi ở gần những người không sống trong cùng nhà.

TS, BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(Bệnh viện Bưu điện)

Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng, vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác. Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự.

(Theo Văn bản số 925/STP-PBGDPL của Sở Tư pháp Hà Nội)