Xử lý triệt để các hoạt động kinh doanh trái phép tại Quần thể danh thắng Tràng An

Hiện nay, trong vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều cơ sở tự ý xây dựng và kinh doanh lưu trú du lịch trái phép, vi phạm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Những cơ sở lưu trú trái phép này không có đăng ký kinh doanh, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và an toàn vệ sinh thực phẩm, đang hằng ngày làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cảnh quan của danh thắng cũng như sự an toàn, quyền lợi của khách du lịch.

Một khu homestay xây dựng và hoạt động trái phép trong khu vực di sản (vùng lõi) Quần thể danh thắng Tràng An.
Một khu homestay xây dựng và hoạt động trái phép trong khu vực di sản (vùng lõi) Quần thể danh thắng Tràng An.

Nhiều homestay hoạt động trái phép

Qua hơn ba năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An theo Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã đạt được những kết quả nhất định. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Tràng An được nâng cao, tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch, được các chuyên gia quốc tế và UNESCO ghi nhận và đánh giá cao. Điều này tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển vượt bậc, từng bước đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng, sử dụng đất đai và kinh doanh trong vùng lõi Di sản vẫn có nhiều bất cập. Theo quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016, vùng lõi Di sản là khu vực cho phép các hoạt động du lịch, nhưng không cho phép kinh doanh hoạt động lưu trú. Như vậy, kể từ sau tháng 2-2016, các hoạt động kinh doanh lưu trú trong vùng lõi Di sản là trái phép (những cơ sở lưu trú đã được cấp phép trước thời điểm nói trên được giữ nguyên hiện trạng và hoạt động). Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, thời gian gần đây, tại vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, có đến 20 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) đã được gấp rút xây dựng và đang hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật, như: kinh doanh lưu trú du lịch tại khu vực không được phép kinh doanh dịch vụ lưu trú, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép, kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh lưu trú không đủ điều kiện… Điển hình là các cơ sở: Tam Coc Rice Fields cơ sở 2, Tam Coc Valley homestay (thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); Tam Coc Bungalow, Tam Coc Horizon Bungalow (Đức Tuấn 3), Tam Coc Nature, Tam Coc Valley Bungalow (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư)… 20 cơ sở kinh doanh nói trên chủ yếu xây dựng trên đất ao, đất vườn, đất ven núi (loại đất không được phép xây dựng) đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường Di sản, không bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Những cơ sở này đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu ngừng hoạt động, nhưng trên thực tế vẫn hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Sở Du lịch đã siết chặt công tác quản lý ngay từ khâu quản lý hoạt động xây dựng và sử dụng đất đai, thường xuyên phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình chấp hành quy định về cấp phép xây dựng và lập biên bản, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất, nhất là sai phạm về tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng lõi Di sản, nhằm ngăn chặn và hạn chế hoạt động kinh doanh lưu trú tự phát, không theo quy hoạch trong vùng Di sản từ khi bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý các cơ sở vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý đất đai thuộc về chính quyền địa phương.

Tập trung bảo vệ vùng lõi Di sản

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của ngành xây dựng đối với việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Bình Cao Trường Sơn cho biết: Để xảy ra những công trình xây dựng vi phạm trong vùng Di sản là một điều hết sức đáng tiếc, dù Sở Xây dựng cùng Sở Du lịch và các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để ngăn chặn. Tuy Luật Xây dựng quy định trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND cấp địa phương, nhưng trong quá trình thực hiện kiểm soát, Sở Xây dựng cũng có một phần trách nhiệm liên đới.

Lý giải về việc nở rộ các homestay trái phép, đồng chí Cao Trường Sơn cho biết thêm: Việc kiểm tra xây dựng công trình theo Luật Xây dựng thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng chưa rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm cũng như quy trình tạm dừng việc thi công khi phát hiện vi phạm mới ở mức sơ khai, khối lượng thi công nhỏ; người dân sống trong vùng Di sản lâu đời chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ pháp luật về xây dựng, đất đai, cần có những chuyển biến về nhận thức khi xây dựng; ranh giới và cắm mốc phân định vùng lõi và vùng đệm trước đây chưa làm được; chính quyền địa phương chưa dứt khoát trong việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền, một phần do khối lượng vi phạm của công trình đã rất lớn, thậm chí đã đưa vào sử dụng…

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quyền lợi của khách du lịch, cũng như bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị toàn vẹn của Di sản, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngành du lịch đã thông báo trên trang thông tin điện tử danh sách những cơ sở kinh doanh lưu trú trái phép, kinh doanh lưu trú không đủ điều kiện theo quy định nhằm khuyến cáo và bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lưu trú lành mạnh, đúng pháp luật trong phạm vi Di sản. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất nhằm sớm ngăn chặn các hoạt động kinh doanh lưu trú trái phép trong vùng lõi Di sản.

Trong thời gian tới, với sự quyết tâm cao của UBND tỉnh Ninh Bình, cùng các sở, ngành, nhất là Sở Du lịch, Sở Xây dựng và UBND huyện Hoa Lư, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế các homestay không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trong vùng lõi Di sản.