Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đất trái phép ở Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh đang phát triển mạnh, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị... là rất lớn, lợi nhuận từ việc bán đất mang lại cao. Trong khi đó, việc quản lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng còn lỏng lẻo cho nên nạn khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra trong thời gian dài, trên diện rộng làm người dân bức xúc.

Rầm rộ khai thác đất trái phép ở xóm Trạng, xã Ðiềm Thụy, huyện Phú Bình.
Rầm rộ khai thác đất trái phép ở xóm Trạng, xã Ðiềm Thụy, huyện Phú Bình.

Nhu cầu đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn huyện Phú Bình rất lớn, mỗi mét khối đất có giá trị khoảng 50 đến 60 nghìn đồng, cho nên địa phương này là một trong những điểm nóng khai thác, vận chuyển đất trái phép. Gia đình ông Dương Văn Thực ở xóm Trạng, xã Ðiềm Thuỵ, huyện Phú Bình có quả đồi rộng khoảng 4.000 m2, khối lượng đất lên đến hàng vạn mét khối, nằm trong quy hoạch Khu B - Khu Công nghiệp (KCN) Ðiềm Thuỵ. Chủ đầu tư hạ tầng KCN này nhiều năm qua tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đồi, nhưng gia đình ông Thực chỉ đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng khi đào, bán hết đất quả đồi. Ðất làm vật liệu san lấp có giá trị cao, bán một ô-tô đất thu được khoảng 300 nghìn đến 400 nghìn đồng, nên thời gian qua ông Thực tổ chức khai thác đất tại quả đồi sôi động như một công trường lớn, lúc nào số lượng ô-tô tải vào chờ lấy đất chở đi cũng lên đến 30 đến 40 chiếc, xếp hàng chờ xúc đất đông như bến xe khách.

Tân Hòa là một xã miền núi thuộc huyện Phú Bình với những đồi keo xanh mướt, trùng điệp, nhưng thời gian qua, nhiều đồi, núi bị một số người san ủi, đào bới tan hoang để lấy đất bán làm vật liệu san lấp. Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Hoàng Văn Hòa cho biết: "Sự việc bắt đầu từ năm 2016, một người chuyên khai thác đất có biệt danh "Giang lốp" trình đơn xin hạ thấp đồi và được một lãnh đạo huyện Phú Bình đồng ý cho khai thác đất, nhưng với một điều kiện chỉ được cung cấp làm vật liệu cho các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn". Suốt những năm qua, "Giang lốp" lợi dụng "bình phong" này đã san ủi không biết bao nhiêu quả đồi ở xã Tân Hòa, ban đầu là bán đất cho các công trình giao thông nông thôn, sau đó gần như ngang nhiên chở đất bán cho nhiều dự án san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện, chở sang cả huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bán. Tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Phú Bình cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ngang nhiên ở thị xã Phổ Yên. Thời gian qua, có nhiều ô-tô tải cỡ lớn vào khu vực của Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới ở xóm 2, xã Minh Ðức chở đất là vật liệu san lấp đi bán. Những vạt núi bị đào bới bung bét, có khu vực đã được tạo thành mặt bằng rộng hàng nghìn mét vuông. Bà Lê Thị Thu sống gần khu vực khai thác này bất bình: "Hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra rầm rộ. Xe tải lớn chở đất chạy suốt ngày, từ đầu giờ sáng đến đêm gây bụi mù mịt". Còn tại công trường xây dựng KCN Sông Công 2 có diện tích hơn 200 ha trên địa bàn TP Sông Công, lợi dụng quá trình san ủi đồi, núi để tạo mặt bằng rộng lớn, lượng đất khổng lồ được vận chuyển sang các tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội bán làm vật liệu san lấp với giá hàng trăm nghìn đồng mỗi khối.

Nhiều dự án xây dựng đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị, xưởng may mặc trên địa bàn các huyện Ðồng Hỷ, Ðại Từ, TP Thái Nguyên cần lượng đất san lấp mặt bằng rất lớn, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mua đất của mỏ đất được cấp phép để làm "bình phong", sau đó mua đất khai thác trái phép vì giá chỉ bằng một nửa so với đất của mỏ được cấp phép khai thác.

Tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra trong thời gian dài, trên diện rộng ở tỉnh Thái Nguyên khiến tài nguyên bị thất thoát rất lớn bởi lợi ích nhóm gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra Nhà nước không thu được thuế, phí, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị tàn phá. Ðiển hình là tuyến đường từ cầu Thanh Lương vào trung tâm xã Tân Hòa bị ô-tô chở đất "băm" nát, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe, an toàn của nhân dân và học sinh ba trường trên địa bàn xã Tân Hòa. Bức xúc, người dân đặt gốc cây, vật cản trên đường ngăn xe chở đất. Một người dân (đề nghị được giấu tên) sinh sống bên đường vào KCN Sông Công 2 nói: "Có nhiều tháng liên tục, từ sáng đến tối, hàng đoàn ô-tô tải lớn rầm rập chất đầy đất chạy bạt mạng từ công trường xây dựng KCN Sông Công 2 đi bán, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường". Trong phạm vi KCN Sông Công 2, lượng đất san ủi từ đồi, núi được sử dụng san lấp tại chỗ, nếu thừa thì phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì mới được vận chuyển ra bên ngoài bán. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị kiểm tra việc vận chuyển, sử dụng đất ở KCN Sông Công 2, nhưng không có kết quả.

Việc khai thác, vận chuyển đất trái phép còn làm mất trật tự an toàn xã hội. Do tranh chấp khai thác đất ở xã Tân Hòa, một số nhóm xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, một "đầu nậu" ở xã Ðiềm Thuỵ đã bị chém đứt lìa cánh tay. Trên công trường xây dựng đại lộ đông - tây ở phía nam tỉnh Thái Nguyên cũng từng xảy ra xô xát giữa hai nhóm vì tranh chấp cung cấp đất san lấp tuyến đường.

Một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng khai thác đất trái phép bùng phát ở Thái Nguyên là do cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa ngăn chặn quyết liệt, thậm chí có tình trạng né tránh, dung túng. Thời gian qua, khi dư luận phản đối mạnh mẽ, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo, cơ quan chức năng, nhiều địa phương ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý tình hình khai thác, vận chuyển đất trái phép. UBND huyện Phú Bình yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các xã tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ một số máy xúc, ô-tô chở đất trái phép, xử phạt một số trường hợp với số tiền từ ba triệu đến năm triệu đồng. Các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tổ chức kiểm tra, giải tỏa các điểm khai thác trái phép cho nên tình hình đã lắng xuống thời gian qua.

Mặc dù một số đối tượng đã bị xử phạt từ ba triệu đến năm triệu đồng, nhưng đây là số tiền rất nhỏ so với mối lợi kiếm được từ việc đào bán đất trái phép cho nên sau khi xử phạt, họ lại tiếp tục. Cả sườn đồi rộng lớn ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Ðồng Hỷ thời gian dài vừa qua bị ông Nguyễn Thế Anh cư trú ở xã Hóa Thượng gần đó khai thác, vận chuyển lượng đất rất lớn đi bán. Ngày 16-11-2020, UBND xã Hóa Trung xử phạt ông Nguyễn Thế Anh 3,5 triệu đồng, yêu cầu dừng khai thác ngay. Tuy nhiên, sau đó khu vực này lại bị ông ta tổ chức khai thác đất rầm rộ, khiến nhân dân bất bình. Sau khi huyện Phú Bình chỉ đạo, cuối tháng 11-2020, chính quyền một số xã ra quân ngăn chặn, xử phạt một số trường hợp thì tình hình chỉ tạm lắng xuống, sau đó lại tái diễn, các đối tượng chuyển khai thác, vận chuyển đất từ hai, ba giờ đêm đến bảy giờ sáng. Giữa tháng 12-2020, huyện Phú Bình lại chỉ đạo thì tình hình tạm yên, nhưng người dân chưa tin tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép được ngăn chặn dứt điểm.

Nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn, lợi nhuận từ cung cấp đất san lấp mang lại rất cao cho nên hiện tượng khai thác đất trái phép xuất hiện, bùng phát trên diện rộng. Khi nào báo chí, dư luận phản ứng mạnh mẽ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc thì tạm thời được ngăn chặn, sau đó lại tái diễn, không khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Người dân hy vọng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, gắn với kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm người vi phạm, cán bộ chức năng dung túng, bao che để ngăn chặn triệt để việc khai thác, vận chuyển đất làm vật liệu san lấp trái phép.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH