Vì sao ông Trần Văn Muôn chưa được công nhận liệt sĩ?

Sáu mươi năm trước, ông Trần Văn Muôn trốn gia đình đi kháng chiến rồi hy sinh trên đất nước bạn Cam-pu-chia. Điều bất ngờ là mặc dù ông Trần Văn Muôn có tên trong danh sách quân nhân hy sinh, từ trần tại Viện K20, do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) quản lý để tra cứu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin liệt sĩ đến thân nhân, nhưng đến nay đã 50 năm kể từ khi hy sinh, ông Trần Văn Muôn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Nửa thế kỷ bị lãng quên

Sự việc ông Trần Văn Muôn hy sinh đã 50 năm nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ được phát hiện khi chúng tôi tìm kiếm, liên hệ với thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 để hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị lấy mẫu phẩm phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (HCLS). Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8-2020, một số thân nhân liệt sĩ có đơn đề nghị Báo Nhân Dân trợ giúp trong việc tìm mộ liệt sĩ hy sinh tại Viện K20, an táng ban đầu tại xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia (gọi tắt là liệt sĩ K20). Sau khi tiến hành các bước xác minh thông tin qua nhân chứng, hồ sơ liệt sĩ, làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi xác định được 99 HCLS K20 đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai) trong hai mùa khô năm 2009 - 2010 và năm 2010 - 2011. Trên cơ sở đó, Báo Nhân Dân đăng bài phản ánh (“Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ”- trên các số báo ra ngày 11 và 12-10-2020), đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh thông tin, lấy mẫu sinh phẩm HCLS và mẫu của thân nhân liệt sĩ để phân tích, đối chiếu ADN, xác định danh tính các liệt sĩ.

Ngày 4-1-2021, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai), Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp Viện Pháp y quốc gia và chính quyền địa phương tiến hành khai quật 99 ngôi mộ liệt sĩ K20. Sau khi cơ quan chức năng lấy được mẫu sinh phẩm HCLS, Báo Nhân Dân tiếp tục có văn bản đề nghị Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cung cấp thông tin liệt sĩ và thân nhân để phục vụ công tác xác minh danh tính các liệt sĩ K20. Ngày 3-2-2021, Cục Chính sách có Văn bản phúc đáp số 286/CS-CTMLS thông tin cho biết: “Tra cứu cơ sở dữ liệu quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích trong chiến tranh do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị quản lý và danh sách liệt sĩ do các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo có thông tin 128 liệt sĩ hy sinh, an táng ban đầu tại Viện K20, giai đoạn từ năm 1971-1972. Ðây là những thông tin được tích hợp vào cơ sở dữ liệu từ danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo để tra cứu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin liệt sĩ đến thân nhân”. Căn cứ những thông tin trong bản danh sách 128 liệt sĩ hy sinh, an táng tại Viện K20, chúng tôi đã liên hệ với thân nhân các liệt sĩ để báo tin và hướng dẫn làm hồ sơ lấy mẫu giám định ADN thân nhân liệt sĩ nhằm xác định danh tính HCLS. 

Ngay dòng đầu tiên trong bản danh sách nêu trên có ghi: “Liệt sĩ Trần Văn Muôn, sinh năm 1938; quê quán: Quách Văn Hiển, Ngọc Hiển, Bạc Liêu; nhập ngũ đi B tháng 4-1961; cấp bậc chức vụ: Tiểu đội trưởng; đơn vị V104/F7, B2; ngày hy sinh: 9-5-1971; trường hợp hy sinh: sốt rét; nơi hy sinh, an táng ban đầu: Viện K20; mẹ: Lê Thị Mạnh”. Theo giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị trong các cuộc kháng chiến thì ông Trần Văn Muôn thuộc đơn vị D80C/C22/D220, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Sau nhiều lần liên hệ, tìm kiếm, chắp nối thông tin, chúng tôi xác định được quê quán của ông Trần Văn Muôn là xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (xã được đặt theo tên nhà cách mạng Quách Văn Phẩm, trước đây thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải). Điều khiến chúng tôi rất bất ngờ là mặc dù ông Trần Văn Muôn có tên trong danh sách các liệt sĩ hy sinh, từ trần tại Viện K20 do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) quản lý nhưng trên thực tế đến nay ông Trần Văn Muôn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. 

Vì sao ông Trần Văn Muôn chưa được công nhận liệt sĩ?

Để làm rõ lý do vì sao ông Trần Văn Muôn chưa được công nhận là liệt sĩ, từ Hà Nội chúng tôi tìm về xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, quê hương của ông Trần Văn Muôn. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm, Cao Tấn Nhanh cho chúng tôi biết: Theo sổ bộ quản lý đối tượng tại địa phương, ông Trần Văn Muôn, sinh năm 1938, cha là Trần Văn Câu, mẹ là Lê Thị Mạnh. Ông Muôn có năm anh em ruột, tất cả đều đã qua đời từ nhiều năm trước. Hiện, ông Muôn còn hai người cháu ruột đang sinh sống tại địa phương là Trần Văn Chiến và Trần Thị Liên, cũng đã lớn tuổi rồi. 

Câu chuyện về ông Trần Văn Muôn hy sinh đã 50 năm nhưng chưa được công nhận liệt sĩ dần hé mở khi chúng tôi tìm gặp được bà Trần Thị Liên là cháu gọi ông Trần Văn Muôn bằng cậu ruột. Theo lời kể của bà Liên, sau khi ông Muôn nhập ngũ một thời gian, gia đình nhận được thư của ông gửi về cho biết ông đang ở chiến trường miền Đông, nhưng không nói cụ thể ở đơn vị nào. Kể từ đó gia đình không nhận được tin tức gì. “Bây giờ, được biết cậu tôi hy sinh, hài cốt đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ ở tỉnh Gia Lai, tôi rất xúc động và tự hào về cậu. Tôi ước mong có ngày được đón cậu trở về an nghỉ tại quê hương”.

Bí thư chi bộ ấp Lung Trường (xã Quách Phẩm) Quách Hồng Khanh là người rất nhiệt tình, giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm, chắp nối thông tin về ông Trần Văn Muôn kể rằng: Năm 1961, ông Quách Thanh Liêm (cha của ông Khanh) đã cùng ông Trần Văn Muôn rủ nhau trốn nhà đi kháng chiến. Tuy nhiên, ông Liêm bị gia đình phát hiện và bắt quay về, còn ông Muôn gia nhập một đơn vị bộ đội hành quân qua địa phương. Trước khi chia tay, ông Muôn tặng ông Liêm một bức ảnh làm kỷ niệm, nhưng khi ông Liêm qua đời thì bức ảnh đó cũng không còn nữa.

Cuộc trò chuyện với ông Hồ Công Trình (Tám Trình), 88 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, một cựu chiến binh ở xã Quách Phẩm đã gợi mở cho chúng tôi nhiều điều trong quá trình xác minh thông tin về ông Trần Văn Muôn. Ông Tám Trình kể: “Trước khi vào bộ đội, tôi, Muôn và Giàu chơi thân với nhau, sau đó cả ba cùng tham gia quân đội. Tôi thuộc biên chế Sư đoàn 9, Muôn thuộc Sư đoàn 7. Khoảng năm 1967, trên đường hành quân, tôi gặp Muôn ở Biên Hòa (Đồng Nai). Hai anh em tranh thủ trò chuyện. Muôn kể với tôi là cậu ấy bị thương, được đi dưỡng thương ở trại an dưỡng Bàu Cá (Long Thành, Đồng Nai). Đoàn đi an dưỡng do bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền nam Việt Nam trực tiếp dẫn đường. Khi chiến tranh kết thúc, không thấy Muôn trở về, tôi cũng thắc mắc, nói gia đình nên báo chính quyền. Muôn đi bộ đội, vào chiến trường rồi hy sinh mà đến nay chưa được công nhận liệt sĩ là rất thiệt thòi cho cậu ấy và gia đình”.

Vậy là sau nửa thế kỷ nằm lại chiến trường chống Mỹ, gia đình, người thân, bạn bè, chính quyền địa phương không ai hay biết ông Trần Văn Muôn đã hy sinh. Người chiến sĩ năm xưa trốn nhà tình nguyện tham gia kháng chiến, người đã dành cả tuổi thanh xuân cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi hy sinh gia đình không nhận được một dòng tin báo, không một tấm di ảnh hay kỷ vật để lại. Và theo năm tháng, ký ức về ông cũng dần đi vào quên lãng. 

Không thể lãng quên

Ngày 19-1-2021, Báo Nhân Dân có công văn gửi Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) đề nghị xác minh thông tin về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn. Ngày 26-1-2021, Cục Chính sách có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan và đơn vị kiểm tra, xác minh, kết luận về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn theo đề nghị của Báo Nhân Dân, nếu đủ điều kiện thì hướng dẫn thân nhân lập hồ sơ theo quy định hiện hành. Ngày 24-2-2021, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau có văn bản trả lời Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, nội dung chính như sau: Từ những thông tin do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị cung cấp và kết quả xác minh chúng tôi kết luận: Ông Trần Văn Muôn có tham gia kháng chiến và hy sinh trong trường hợp điều trị bệnh sốt rét là có cơ sở. Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn đủ điều kiện để xem xét, hướng dẫn thân nhân xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7-11-2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Trao đổi trực tiếp với phóng viên, đại tá Trương Thanh Phong, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ CHQS tỉnh Cà Mau cho biết: Từ trước đến nay, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau chưa từng nhận được đơn đề nghị của thân nhân liệt sĩ và phản ánh của người dân về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn. Ông Trần Văn Muôn cũng không có tên trong danh sách quân nhân do địa phương quản lý. Ngay khi có thông tin phản ánh từ Báo Nhân Dân thông qua Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đã thành lập tổ xác minh thông tin, và được biết: Năm 1961, ông Trần Văn Muôn trốn gia đình đi kháng chiến ở chiến trường miền Đông, nhưng cụ thể ở đơn vị nào và hy sinh lúc nào, ở đâu thì gia đình, địa phương không ai biết. Lúc tham gia kháng chiến, ông Muôn chưa có gia đình riêng cho nên khi cha mẹ ông Muôn lần lượt qua đời, người thân, cũng dần mai một thông tin về ông Muôn. Bên cạnh đó, khi ông Muôn hy sinh, không thấy giấy báo tử của đơn vị nơi ông Muôn tham gia chiến đấu gửi về cho gia đình, nên không ai biết ông Muôn hy sinh để lập hồ sơ, đề nghị công nhận liệt sĩ. Hiện, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đang lập kế hoạch liên ngành với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Cà Mau để hoàn thiện thủ tục, xác lập hồ sơ đề nghị công nhận ông Trần Văn Muôn là liệt sĩ. “Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để ông Trần Văn Muôn sớm được công nhận là liệt sĩ” - đại tá Trương Thanh Phong nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, Nguyễn Phương Bình cũng cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ Báo Nhân Dân về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn, UBND huyện đã khẩn trương tiến hành rà soát, xác minh thông tin, nhận thấy việc ông Trần Văn Muôn tham gia kháng chiến và hy sinh đã 50 năm nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” là sơ suất rất đáng tiếc, gây thiệt thòi cho ông Muôn và gia đình. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ cử cán bộ các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ gia đình trong việc sưu tầm thông tin, tài liệu, nhân chứng, để sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận ông Trần Văn Muôn là liệt sĩ.

Mới đây, phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc làm việc với đại diện Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Cục Người có công (Bộ LĐ-TB và XH). Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Thương binh, liệt sĩ, người có công - Cục Chính sách cho biết: “Tại hội nghị của Quân khu 9 tổ chức cuối tháng 3-2021, tôi đã có ý kiến về trường hợp ông Trần Văn Muôn. Bộ CHQS tỉnh Cà Mau có trách nhiệm điều tra, xác minh, kết luận về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn, hướng dẫn thân nhân lập hồ sơ theo quy định, nếu có vướng mắc thì báo cáo cấp chỉ huy giải quyết. Quan điểm của chúng tôi là tiến hành xác minh, kết luận đủ cơ sở thì cấp giấy báo tử càng nhanh, càng tốt”. Ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng Phòng Chính sách I, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB và XH) cũng cho rằng: Theo thông tin đã xác minh, ông Trần Văn Muôn có tham gia kháng chiến và chết trong trường hợp sốt rét là thuộc diện đủ cơ sở được lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, hồ sơ có đủ điều kiện để được công nhận liệt sĩ hay không thì còn chờ kết quả xác minh của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp còn thiếu một số giấy tờ thì cần xem xét, vận dụng linh hoạt, tránh thiệt thòi cho người có công”. 

Sau 50 năm kể từ khi hy sinh, đến nay ông Trần Văn Muôn vẫn chưa được công nhận liệt sĩ là quá chậm trễ, gây nhiều thiệt thòi cho ông Muôn và thân nhân. Những cống hiến của ông Trần Văn Muôn cần được ghi nhận, sự hy sinh của ông cần được xã hội tôn vinh, tri ân. Đó là chân lý và cũng là đạo lý. Đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB và XH sớm vào cuộc để ông Trần Văn Muôn được công nhận liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, thân nhân của ông Muôn được giải quyết quyền lợi theo quy định.