Ðùn đẩy trách nhiệm bồi thường gây bức xúc cho người dân

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Plây Cu (Gia Lai) nằm trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt với tổng chiều dài 30,327 km. Phần lớn tuyến đường đi qua sáu xã, thị trấn thuộc huyện Chư Păh và huyện Ia Grai. Công trình do Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, đến nay đã thực hiện được khoảng 85% khối lượng. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án gây ra những tổn hại cho hơn 80 hộ dân do rung chấn. Tình trạng này xảy ra từ tháng 1-2018, các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết gây bức xúc cho người dân.

Nhà ông Ðỗ Một và bà Nguyễn Thị Rí có nhiều phần tường bị nứt nhưng mức đền bù không thỏa đáng.
Nhà ông Ðỗ Một và bà Nguyễn Thị Rí có nhiều phần tường bị nứt nhưng mức đền bù không thỏa đáng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, huyện Chư Păh đã tiếp nhận 36 đơn kiến nghị, huyện Ia Grai tiếp nhận 44 đơn kiến nghị đề nghị bồi thường thiệt hại do rung chấn gây nên trong quá trình thi công tuyến đường Hồ Chí Minh tránh đô thị Plây Cu. Chị Trần Thị Tịnh, ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh cho biết, nhà chị nằm cách tuyến đường khoảng 20 m. Từ khi thi công, nhà chị bị nứt rất nhiều chỗ. Gặp thời điểm đang mùa mưa, nước thấm từ các vết nứt tràn vào nhà gây dột và hư hỏng nhiều đồ đạc. Chưa kể, vì rung chấn mạnh nên các thành viên trong gia đình không thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc... Cùng chung nỗi niềm, ông Ðỗ Một và vợ là bà Nguyễn Thị Rí, cũng ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa, chia sẻ: Cuộc sống của nhà ông cùng nhiều hộ lân cận bị đảo lộn trong nhiều tháng qua. Mùa nắng thì bụi bẩn phủ kín đồ đạc, mùa mưa do bị rung lắc, tường nhà bị nứt, nước mưa chảy vào trong khiến sinh hoạt gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã mua gói bảo hiểm công trình của Liên danh Công ty Bảo hiểm Dầu khí Gia Lai và Công ty Bảo Việt Gia Lai (PVI - Bảo Việt), cho nên việc bồi thường là vấn đề của đơn vị bảo hiểm với người dân địa phương. Sau khi nhận được kiến nghị từ người dân do chính quyền huyện Chư Păh và huyện Ia Grai chuyển đến, Sở GTVT Gia Lai có Văn bản số 118/SGTVT gửi Liên danh bảo hiểm PVI - Bảo Việt là đơn vị bảo hiểm dự án, yêu cầu lựa chọn một tổ chức giám định độc lập để đánh giá nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với các hư hỏng của công trình, kiến trúc mà người dân đã kiến nghị, làm cơ sở cho việc xem xét, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thiệt hại để đi đến mức hỗ trợ bồi thường chưa nhận được đồng thuận giữa đơn vị bảo hiểm và người dân. Theo nguyên tắc, việc đền bù này phải được thỏa thuận từ phía chủ đầu tư và người dân. Trong khi đó, theo phản ánh, các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng không được thỏa thuận chi phí đền bù, mà chỉ biết mức đền bù được chủ đầu tư công bố trong danh sách gửi về chính quyền xã. Thậm chí, nhiều hộ không có trong danh sách đền bù, mặc dù nằm trong phạm vi 50m tính từ tâm đường. Ðược biết, kết quả giám định từ Công ty TNHH Giám định và Tư vấn kỹ thuật DNL (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), đối với 36 hộ dân thuộc huyện Chư Păh, Liên danh bảo hiểm PVI - Bảo Việt chỉ chấp nhận bồi thường 23 hộ. Trong số 23 hộ được bồi thường tổn thất, 14 hộ đã được chi trả với tổng kinh phí hơn 74 triệu đồng; 9 hộ còn lại chưa chấp thuận mức bồi thường và đề nghị giám định thêm đối với tổn thất phát sinh. 13 hộ không được đền bù vì đơn vị này cho rằng nằm ngoài phạm vi vùng ảnh hưởng rung chấn 50 m.

Giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí Gia Lai Vũ Ðức Thuấn cho rằng, nếu trách nhiệm thuộc về bên nào thì bên đó phải chi trả phần bồi thường thiệt hại cho người dân, không thể nói có thiệt hại là bảo hiểm phải đền bù. Phía đơn vị bảo hiểm cũng khẳng định nhất quyết không đền bù cho các hộ dân ảnh hưởng ngoài phạm vi 50 m so với tâm đường vì không có trách nhiệm bồi thường những trường hợp này. Ông Vũ Ðức Thuấn lý giải: "Thuộc phạm vi bảo hiểm thì bảo hiểm trả tiền, không thuộc phạm vi bảo hiểm thì nhà đầu tư phải trả tiền. Dưới 50 m mới là mức độ rung chấn".

Trước tình hình thực tế thiệt hại của người dân địa phương và việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh tránh đô thị Plây Cu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, các thông số mà đơn vị bảo hiểm đưa ra là chưa tin cậy và không sát với tình hình thực tế. Việc từ chối bồi thường đối với 13 hộ dân là bất hợp lý, bởi nhà dân nứt do lu lèn thi công đường là có thật và do việc thi công công trình gây ra. Ðơn vị bảo hiểm đưa ra phạm vi rung chấn 50 m để tránh né việc bồi thường mà không đo đạc mức độ rung chấn thực tế tại hiện trường là chưa thỏa đáng.

Điều đáng nói, công trình thuộc chủ đầu tư là Sở GTVT Gia Lai đã mua bảo hiểm, khi xảy ra sự cố, bên bảo hiểm lại theo đơn vị tư vấn; đơn vị tư vấn lại dựa vào tiêu chí để đổ trách nhiệm cho nhau. Cuối cùng hậu quả người dân phải gánh chịu và tạo nên những bức xúc không đáng có. Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Plây Cu xét về mặt công năng thì đã quá rõ. Tuy nhiên với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thi công tuyến đường này các đơn vị liên quan cần sớm thống nhất quan điểm để có giải pháp xử lý bảo đảm hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Nhà tôi bị hơn chục vết nứt từ nóc nhà chạy dọc tường, một số xà gỗ gần đứt gãy, sân bê-tông cũng vỡ. Thiệt hại của gia đình rất lớn nhưng chỉ được bồi thường hơn 9,3 triệu đồng. Số tiền họ đền bù thì tôi không làm được việc gì cả, không đủ tiền mua tôn lợp lại nhà.

Bà Trần Thị Tịnh

(Thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh)

Quan điểm của huyện là, trên thực tế đường thi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhà dân. Ngoài 50 m hay trong 50 m nếu kiểm tra có nứt do lu lèn gây ra thì yêu cầu các đơn vị phải đền bù thỏa đáng để dân có tiền sửa chữa nhà ở.

Ông Nguyễn Ngọc Quang

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh