Sớm xử lý bất cập các khu tái định cư ở Thái Nguyên

Nhiều bạn đọc phản ánh, mặc dù được đầu tư số tiền lớn, nhưng nhiều khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mang lại hiệu quả còn thấp, đời sống người dân chưa được cải thiện, xa nơi sản xuất, thậm chí có khu TĐC sau khi được đầu tư không thể đưa vào sử dụng, khiến dư luận bức xúc. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần rà soát hiện trạng các khu TĐC này, từ đó xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và đưa ra giải pháp tích cực để ổn định đời sống nhân dân.

Khu tái định cư ở xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ) bị sạt lở, bỏ hoang, gây lãng phí.
Khu tái định cư ở xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ) bị sạt lở, bỏ hoang, gây lãng phí.

Xây dựng dở dang

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên giao Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng bảy dự án TĐC cho người dân vùng thiên tai sạt lở đất, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc với tổng vốn đầu tư hơn 174 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ gần 86 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 78 tỷ đồng, nguồn vốn khác (gồm cả nguồn sự nghiệp kinh tế bố trí dân cư) là hơn 10 tỷ đồng. Mục tiêu của các dự án TĐC là bố trí, sắp xếp chỗ ở cho 299 hộ, nhưng đến nay mới có 232 hộ chuyển đến khu TĐC. Có khu TĐC không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Sau khi có quy hoạch của chính quyền địa phương, năm 2015, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thuê đơn vị thăm dò địa chất, khảo sát, thiết kế, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu TĐC Vạn Thọ, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Sườn đồi vốn là đất rừng sản xuất được san ủi dài vài trăm mét, sâu khoảng 30 đến 40 m để tạo mặt bằng khu TĐC. Tuy nhiên, khi việc san ủi gần hoàn thành, một số hạng mục khác như đường điện, cống thoát nước được xây dựng xong thì xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa năm 2016. Tại nhiều khu vực dọc khu TĐC Vạn Thọ, khối lượng đất rất lớn từ trên sườn đồi sạt lở xuống trùm gần một nửa chiều rộng, rãnh thoát nước hư hỏng. Anh Trần Văn Tùng, nhà ở sát khu TĐC Vạn Thọ cho biết: Ban đầu, đơn vị thi công còn dọn dẹp khắc phục sạt lở, nhưng khi thấy khối lượng đất rất lớn dọc sườn đồi dài vài chục mét bắt đầu sệ xuống, dưới chân đồi sạt lở ngày một nhiều thì không khắc phục được nữa, khu TĐC bỏ hoang, trở thành nơi thả trâu, bò của người dân từ khoảng ba năm nay. Mặc dù vậy, nhưng Chi cục Phát triển nông thôn đã thanh toán cho các đơn vị liên quan 14 tỷ đồng.

Trong quá trình san ủi làm khu TĐC Vạn Thọ, chân đồi bị đào dẫn đến sạt lở, cả vạt đồi ở phía trên bị tụt xuống kéo theo nhiều ngôi mộ bị xô lệch. Ông Phạm Trung Hà, ở xóm sáu, xã Vạn Thọ cho biết: Gia đình có hai ngôi mộ trên sườn đồi bị ảnh hưởng bởi sạt lở, đại diện cơ quan chức năng đến lập biên bản, đo đạc, tính toán phương án hỗ trợ di chuyển. Nhưng chờ mãi không được hỗ trợ, trong khi đó hai ngôi mộ này sau mỗi trận mưa lại bị xô lệch hơn cho nên gia đình chủ động di chuyển đi nơi khác.

Khu TĐC Vạn Thọ bị sạt lở, không những không thể di chuyển hơn 30 hộ dân ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc đến sinh sống, mà thời gian qua khu TĐC này tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân lân cận. Cụ thể là, mỗi khi có mưa lớn, bùn đất trôi theo nước mưa không có chỗ thoát dẫn đến ngập nhiều đoạn đường bê-tông ở phía dưới, đi lại rất khó khăn. Bà Trần Thị Toàn, nhà ở cạnh khu TĐC bức xúc: “Khi mưa lớn, nước mưa kèm theo bùn đất tràn cả vào nhà, gia đình phải kè hàng gạch ngoài cổng, nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào”. Ông Trần Văn Ngọc, ở gần đó cũng bất bình vì bùn đất, phân trâu, bò tràn vào sân, vườn rất mất vệ sinh.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã không ít lần chỉ đạo chính quyền địa phương, các sở, ngành chức năng tham mưu giải pháp khắc phục sạt lở khu TĐC này, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được đưa ra.

Không có đất sản xuất

Khu TĐC Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ được xây dựng với hạ tầng khá đồng bộ, bao gồm đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước, nhà mẫu giáo, nền nhà để di chuyển 60 hộ dân có nguy cơ sạt lở ở xóm Mỏ Nước đến sinh sống. Tuy nhiên, đến nay có 51 hộ nhận đất và chỉ có 48 hộ làm nhà và ở tại khu TĐC Tam Va, số hộ còn lại vẫn sinh sống tại nơi ở cũ. Bất cập lớn nhất tại khu TĐC này là bố trí đất ở cho các hộ chỉ đủ để làm nhà ở, công trình phụ, không có đất để trồng rau và làm chuồng trại chăn nuôi cho nên gia đình nào nuôi lợn, trâu, bò đều gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mặt khác, hằng ngày người dân vẫn phải đi 2, 3 km về nơi ở cũ để sản xuất vì chính sách không tạo quỹ đất sản xuất để giao cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Nguyễn Văn Thủy cho biết: Dự án TĐC cho người dân vùng thiên tai sạt lở đất, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét nói chung, khu TĐC Tam Va nói riêng không quy định tạo quỹ đất sản xuất cho nên người dân ở một nơi, làm ruộng ở nơi cũ khá xa, diện tích đất ở hẹp, không có đất để tăng gia, chăn nuôi phát triển kinh tế. Khu TĐC Tam Va chỉ giải quyết được một số vấn đề, là bảo đảm an toàn cho người dân; huyện cũng đang tháo gỡ khó khăn để tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân…

Mới đây HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát, tổ chức phiên họp nghe các ngành chức năng và UBND tỉnh giải trình việc bố trí dân cư theo hình thức TĐC tập trung. Theo đó, việc lựa chọn vị trí xây dựng các dự án bố trí dân cư tập trung chưa phù hợp tập quán, điều kiện sản xuất của người dân. Diện tích các lô đất TĐC nhỏ (từ 100 đến 200 m2), không đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các hộ dân nông thôn, miền núi. Các dự án TĐC mới chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất xây dựng nhà ở mà chưa quan tâm đúng mức tới việc lập phương án sản xuất cho người dân; tỷ lệ người dân đến khu TĐC mới đạt gần 78% so với mục tiêu đề ra; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân đã nhận đất và sinh sống tại khu TĐC thực hiện chậm, đến nay mới có 33 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ cho biết: “Mức hỗ trợ di chuyển cho các hộ dân như hiện nay thấp, nhiều hộ không có điều kiện làm nhà khi đến nơi ở mới do phần lớn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa chủ đầu tư với các địa phương có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, các dự án sau khi hoàn thành chỉ có biên bản bàn giao đất của chủ đầu tư; chưa thực hiện bàn giao khu TĐC cho UBND cấp huyện”.

Để khắc phục những bất cập tại các khu TĐC, mới đây UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thành lập tổ công tác bao gồm đại diện các sở, ngành chức năng, do đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng tiến hành rà soát trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm đúng quy định pháp luật; phối hợp UBND huyện và UBND xã vận động các hộ thuộc đối tượng TĐC tập trung có điều kiện, có khả năng sớm chuyển đến nơi ở mới như đã cam kết trước khi triển khai dự án. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu giải quyết các vấn đề tồn tại tại các dự án này, như bố trí phát huy hiệu quả công trình nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, xử lý sạt trượt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cùng với đó, điều mà dư luận mong muốn là làm rõ trách nhiệm của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên và các tập thể, cá nhân liên quan những khu TĐC phát huy hiệu quả thấp, nhất là chủ đầu tư, đơn vị khảo sát, thăm dò, thiết kế, giám sát , thi công vì đã để xảy ra lãng phí tại khu TĐC Vạn Thọ.