Siết chặt quản lý chất lượng bánh Trung thu

Đã thành thông lệ, gần dịp Trung thu, nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bánh Trung thu tăng cao. Bên cạnh những thương hiệu bánh nổi tiếng, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm bánh Trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Ðoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn thành phố. Ảnh: TRẦN NGA
Ðoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn thành phố. Ảnh: TRẦN NGA

Gần đến Tết Trung thu, trên hầu khắp các đường phố của Hà Nội tràn ngập các cửa hiệu bày bán bánh Trung thu. Theo tìm hiểu, các loại bánh bình dân có giá từ 170 đến 300 nghìn đồng/ hộp. Giá bánh bán lẻ từ 40 đến 80 nghìn đồng/chiếc. Dòng bánh Trung thu hạng sang có giá từ một triệu đến 2,5 triệu đồng/hộp. Thậm chí, có thương hiệu còn tung ra thị trường hộp bánh kèm rượu ngoại có giá hơn 10 triệu đồng/hộp. Nhìn chung, mẫu mã các loại bánh đa dạng, kết hợp với các loại vỏ bao bì sang trọng. Bên cạnh các nguyên liệu truyền thống như bột mì, đậu xanh, hạt dẻ, trà xanh, hạnh nhân, khoai môn, hạt bí... các nhà sản xuất còn sử dụng nhiều loại nguyên liệu quý hiếm cho dòng bánh hạng sang như bào ngư, vi cá, yến sào... Theo lãnh đạo Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị, Trung thu là dịp mang nhiều ý nghĩa với người Việt Nam, là ngày trẻ nhỏ vui vầy "trông trăng, phá cỗ", mọi người hội ngộ, chia sẻ cùng gia đình người thân, các doanh nghiệp tri ân tới khách hàng của mình. Nắm bắt được cơ hội đó, với dự kiến đạt sản lượng 1.500 tấn sản phẩm, Công ty Hữu Nghị còn xây dựng chính sách giá hợp lý với nhiều khoảng giá khác nhau, phù hợp phân khúc tiêu dùng.

Bên cạnh sản phẩm bánh của các thương hiệu tên tuổi trên thị trường, theo phản ánh của bạn đọc ở nhiều nơi, nhất là các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa vùng nông thôn, vẫn còn xuất hiện các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh trôi nổi, tem mác đơn giản, ngày sản xuất, hạn sử dụng không rõ ràng. Thậm chí, có loại bánh giá chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/chiếc, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Sở dĩ những loại bánh này xuất hiện và được tiêu thụ bởi giá thành rẻ. Hơn nữa, hiểu biết của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm còn khá mơ hồ. Ðây cũng là mảnh đất béo bở để các loại bánh kém chất lượng thâm nhập thị trường. Ngày 16-8, lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 46, ngõ 93/47 Yên Sở, (Hoàng Mai, Hà Nội), thu giữ 4.440 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, vào ngày 14-8, Phòng Cảnh sát môi trường và Ðội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 26 ngách 64 ngõ 99 phố Ðinh Công Hạ (Hoàng Mai) thu giữ 55 thùng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, phổ biến nhất là loại bánh có tên nước ngoài là Liu Xin Su (hay còn gọi là bánh Trung thu trứng chảy). Bánh Trung thu trứng chảy hiện nay được rất nhiều người săn lùng vì có giá tương đối rẻ, chỉ với giá từ 150 nghìn đến 260 nghìn đồng/hộp 6 bánh. Với bao bì bắt mắt, quảng cáo hàng ngon, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, theo tài liệu của cơ quan công an và quản lý thị trường, loại bánh này được nhập lậu từ nước ngoài và hiện chưa cơ quan nào kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), các sản phẩm bánh kẹo, nhất là bánh Trung thu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân là do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Bên cạnh các cơ sở bảo đảm được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm trong khi nhân viên không được khám sức khỏe, các công đoạn sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Cùng với đó, nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Mặt khác, tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8 đến 10 ngày, với bánh nướng có thể tới 20 đến 30 ngày, song nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở, trong đó có cả những doanh nghiệp có tên tuổi cũng chưa bảo đảm theo đúng quy định. Chưa kể bánh bị hư hỏng trong quá trình bày bán, lưu thông phân phối khi các loại giấy gói, bao bì chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh.

Để người dân có một cái Tết Trung thu vui vẻ, an toàn cho mọi gia đình, nhất là trẻ em, cùng với việc thực hiện công tác kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu, như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xường, nước đường, mỡ, trứng muối... các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất bánh Trung thu kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức, biết cách chọn mua bánh Trung thu và sử dụng bánh Trung thu an toàn cho sức khỏe. Mọi người nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; kiểm tra kỹ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

"Dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát tăng đột biến. Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng".

NGUYỄN THANH PHONG Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

"Với giá chỉ từ 3 nghìn đến 4 nghìn đồng/chiếc bánh Trung thu được bày bán tràn lan tại các chợ cóc, thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn. Mặc dù các loại bánh Trung thu này ăn vào không gây ngộ độc cấp, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như gan, thận và đường tiêu hóa...".

Bác sĩ NGUYỄN THỊ HIÊN Chuyên gia dinh dưỡng

"Trên thị trường hiện nay, bánh Trung thu handmade (tự làm), thu hút được lượng khách hàng không nhỏ, bởi mẫu mã đẹp, mầu sắc bắt mắt. Nhưng, phần lớn các loại bánh Trung thu này đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng, gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng".

NGUYỄN THỊ HÀ (Phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội)