Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai và công tác cán bộ tại huyện Thường Tín (Hà Nội)

Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về những vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ðiều đáng nói là, những vi phạm này đã diễn ra trong thời gian dài, chẳng những chậm được xử lý dứt điểm, mà lãnh đạo còn bao che, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên của cơ quan và gây bất bình trong dư luận.

Công trình xây dựng sai phép của gia đình ông Nguyễn Xuân Ðiệu, ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (ngôi nhà Sacombank thuê làm trụ sở) bị lập phương án cưỡng chế từ gần hai năm nay, nhưng vẫn ch
Công trình xây dựng sai phép của gia đình ông Nguyễn Xuân Ðiệu, ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (ngôi nhà Sacombank thuê làm trụ sở) bị lập phương án cưỡng chế từ gần hai năm nay, nhưng vẫn ch


Sai phạm liên tục và có hệ thống

Ông N.V.D công tác liên tục gần 30 năm tại huyện Thường Tín bức xúc cho biết: Ngày 14-7-2016, hộ ông Nguyễn Xuân Ðiệu, ở thị trấn Thường Tín được cấp phép xây dựng bảy tầng, nhưng công trình này đã được xây thành tám tầng. Liên quan đến vi phạm này, ngày 8-11-2017, UBND huyện ban hành Quyết định số 3832/QÐ-UBND giao UBND thị trấn và Ðội Thanh tra xây dựng cưỡng chế phá dỡ phần sai phép của công trình trong vòng 15 ngày kể từ ngày 21-11-2017. Tuy nhiên, đến nay đã gần hai năm, các cấp chính quyền huyện Thường Tín vẫn chưa tổ chức cưỡng chế.

Cũng trong thời gian qua, người dân liên tục có đơn phản ánh về những vi phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua địa bàn xã Tô Hiệu. Theo phản ánh, một số cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín đã cùng lãnh đạo xã Tô Hiệu lập hồ sơ khống và sai diện tích hàng nghìn m2 đất hai bên đường cao tốc để trục lợi. Trong danh sách nhận tiền bồi thường có những người nhận bồi thường cả khu vực mương và bãi rác thuộc khu ao Bà Xuất. Việc lập phương án bồi thường như vậy là không đúng, bởi nguyên tắc đền bù là phải theo hiện trạng sử dụng đất.

Theo ông N.M.Ð, ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín: Thời gian qua, trên địa bàn xã Vân Tảo có nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có diện tích từ 200 đến 500 m2, nhưng không bị xử lý. Tại thôn Dương Tảo có hai công trình vi phạm của Công ty vệ sinh môi trường Toàn Cầu và khu nhà xưởng của ông Phùng Văn Quân. Tại thôn Nội Thôn có hai công trình vi phạm của gia đình ông Nguyễn Văn Tưởng và bà Nguyễn Thị Mát. Tại thôn Nỏ Bạn có công trình vi phạm của ông Nguyễn Văn Khả và ông Ðỗ Văn Ðạo. Tại thôn Xâm Ðộng có công trình vi phạm của gia đình ông Ðinh Tiến Vượng... Theo phản ánh việc các công trình xây dựng vi phạm nhưng không bị xử lý là do những đơn thư khiếu nại của người dân gửi đến huyện Thường Tín sẽ được giao cho Chánh Thanh tra huyện Nguyễn Mạnh Hưng (là người bị tố cáo trong nhiều vụ việc) thụ lý. Ông Hưng phối hợp với ông Hoàn, là Chủ tịch UBND xã và Công an xã Vân Tảo đi xác minh người trong đơn và gây sức ép để những người này nhận là họ không viết đơn tố cáo. Do sợ bị trù úm, trả thù, cho nên những người viết đơn tố cáo buộc phải ký vào biên bản nhận là họ không viết đơn. Dựa vào biên bản làm việc này, cơ quan thanh tra báo cáo với cấp trên là đơn thư nặc danh, cho nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện ngày 12-7-2019, ông Bùi Công Thản, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch (trước đây là Bí thư Ðảng ủy xã Vân Tảo) cũng thừa nhận là có việc làm nêu trên. Cách làm này là không đúng với Ðiều 25 của Luật Tố cáo, đó là: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo... thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Ngoài ra, trong Văn bản số 1510/CV/UBKTTU ngày 12-8-2019 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội gửi Báo Nhân Dân liên quan đơn tố cáo những vi phạm của ông Bùi Công Thản và ông Nguyễn Mạnh Hưng bao che, bảo kê cho một số hộ dân xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn xã Vân Tảo cũng thừa nhận: “Qua khảo sát, nắm tình hình thấy trên địa bàn xã Vân Tảo tồn tại một số trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng đã được UBND xã Vân Tảo kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng chưa xử lý. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã yêu cầu Thường trực Huyện ủy Thường Tín chỉ đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng xong trước ngày 30-8-2019”. Tuy nhiên, đến nay những công trình vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Về công tác cán bộ, tại huyện Thường Tín cũng có nhiều bất cập, đó là: Ngày 24-6-2015, Chủ tịch UBND huyện có quyết định bổ nhiệm bà Uông Thị Phượng, Phó Bí thư Huyện đoàn, giữ chức Phó Trưởng ban bồi thường GPMB huyện. Sau hai tháng bốn ngày giữ chức vụ Phó Trưởng ban, bà Phượng tiếp tục được bổ nhiệm Trưởng ban. Như vậy, việc bổ nhiệm không thực hiện đúng Ðiều 5, Quyết định số 43 ngày 6-9-2010 của UBND thành phố: “Ðối với chức danh Trưởng phòng và tương đương: đã có thời gian công tác ở lĩnh vực chuyên môn ít nhất là 5 năm”. Ngoài ra, tại Trường THCS và Trường tiểu học thị trấn Thường Tín, là trường hạng 2, theo quy định chỉ có một Phó Hiệu trưởng, nhưng ngày 11-8-2016, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Ngọc Thúy, giáo viên giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thường Tín (tại thời điểm này trường đã có một Phó Hiệu trưởng); ngày 22-8-2016, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ðiệp và bà Nguyễn Thị Sâm (đều là giáo viên) giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Thường Tín. Việc bổ nhiệm ba đồng chí Phó Hiệu trưởng nêu trên là không thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDÐT-BNV ngày 23-8-2006 của liên Bộ Giáo dục và Ðào tạo - Nội vụ.

Việc xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ tại địa phương cũng có nhiều vấn đề: Ngày 20-10-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, ban hành Kế hoạch số 53-KH/HU về “điều động, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý giai đoạn 2015-2020” không kèm theo Phương án điều động, luân chuyển cán bộ. Ngày 22-10-2017, Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng Phương án điều động, luân chuyển cán bộ năm 2017 và 2018 đối với 18 trường hợp. Mặc dù Phương án và danh sách 18 trường hợp điều động, luân chuyển chưa được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua, nhưng trong năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển 18 trường hợp này là không thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 692-QÐ/HU ngày 1-3-2016 của Huyện ủy.

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm

Liên quan đến những vi phạm nêu trên, ngày 9-2-2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã có Kết luận số 46-KL/UBKT. Trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Thường Tín về kết quả thực hiện Kết luận 46-KL/UBKT, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết: Các vấn đề nêu trong Kết luận đã được lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện thực hiện xong từ tháng 9-2018.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, trong khi những vi phạm được nêu rõ tại Kết luận số 46-KL/UBKT vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thì kể từ đầu năm 2019 đến nay, lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện tiếp tục cất nhắc, bổ nhiệm “thần tốc” bốn cán bộ mà trước đây đã bị xử lý kỷ luật hoặc chưa có bằng cao cấp lý luận chính trị (theo quy định phải có), gây bất bình trong dư luận.

Thứ nhất là trường hợp của ông Bùi Công Thản, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch: Trước khi được điều động, luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã Vân Tảo, ông Thản làm Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Trong thời gian công tác tại đây, ông Thản để xảy ra sai phạm và năm 2011 đã bị xử lý kỷ luật khiển trách. Từ ngày 1-3-2018 đến ngày 1-6-2019, ông Thản được điều động làm Bí thư Ðảng ủy xã Vân Tảo. Trong thời gian công tác tại đây, ông Thản đã để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, điều bất bình thường là sau đó lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Thường Tín lại tiếp tục điều động ông Thản về giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính kế hoạch. Có một điều thắc mắc là, trong buổi làm việc ngày 3-5-2019, nhóm phóng viên chúng tôi đã đề cập với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Thường Tín những vi phạm của ông Thản theo đơn thư của bạn đọc và đề nghị lãnh đạo huyện trả lời. Nhưng sau đó, lãnh đạo huyện Thường Tín không có văn bản trả lời và đến ngày 1-6-2019, UBND huyện vẫn tiến hành bổ nhiệm ông Thản.

Thứ hai là trường hợp ông Nguyễn Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra huyện: Cũng như ông Thản, trước đây ông Hưng là Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Trong thời gian công tác tại đây, ông Hưng để xảy ra sai phạm và năm 2011, ông Hưng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Tháng 7-2017, ông Hưng được điều động về làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo. Trong quá trình công tác tại đây, ông Hưng đã để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, trong Báo cáo số 463/BC/HU ngày 22-7-2019 của Huyện ủy Thường Tín gửi Ban Tổ chức Thành ủy lại cho rằng: Trong thời gian công tác tại xã Vân Tảo, ông Hưng đã cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần đưa xã về đích xã nông thôn mới.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, còn có trường hợp của ông Lê Tuấn Tú, Bí thư Ðảng ủy Khối doanh nghiệp huyện: Theo Báo cáo số 463/BC/HU ngày 22-7-2019 của Huyện ủy Thường Tín gửi Ban Tổ chức Thành ủy thì: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Tuấn Tú, Huyện ủy viên, Bí thư Ðảng ủy Khối doanh nghiệp giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất từ ngày 15-6-2019. Trước đây, ông Lê Tuấn Tú vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 3). Vào tháng 5-2017, ông Tú bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên trong báo cáo này “bỏ quên” một vi phạm khác, đó là tại Kết luận 46/KL-UBKT ngày 9-2-2018 ghi rõ: Ðồng chí Lê Tuấn Tú không kiên quyết chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thị trấn Thường Tín giai đoạn từ tháng 5-2009 đến tháng 6-2012 (lúc này đồng chí Tú là Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín).

Trường hợp thứ tư là của ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Nội vụ (nay đang làm quy trình bổ nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy). Trong hồ sơ kê khai của ông Phạm Tiến Dũng cũng có nhiều bất thường, đó là: Ông Dũng kê khai từ tháng 3-1994 đến tháng 4-2005 là kiểm soát viên Quản lý thị trường huyện Thường Tín. Tuy nhiên, theo Quyết định số 923 ngày 4-9-1995 của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hà Tây (cũ), ông Dũng mới chính thức làm nhân viên thuế. Khi chuyển về Ban Bồi thường GPMB huyện Thường Tín (24-1-2006), ông Dũng chưa có quyết định đồng ý cho chuyển công tác của Sở Thương mại Hà Tây. Ðến tháng 7-2010, ông Dũng chuyển từ Ban Bồi thường GPMB huyện Thường Tín, là vị trí việc làm của viên chức (theo Luật Viên chức) chuyển sang Văn phòng Huyện ủy Thường Tín, là vị trí việc làm của công chức (theo Luật Cán bộ công chức), nhưng cũng chưa được chuyển ngạch. Ðến tháng 10-2016, ông Dũng được điều động làm Trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Tín, nhưng cũng chưa có văn bản đồng ý của Sở Nội vụ.

Ngoài ra, việc thực hiện quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín nhiệm kỳ 2015-2020 đối với đồng chí Dũng cũng có vấn đề: Theo tiêu chuẩn, Ủy viên Ban Thường vụ phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị (nhưng ông Dũng chưa có). Việc lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy cũng có biểu hiện khuất tất: Trong Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy ngày 5-7-2019, trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín, theo kết quả công bố thì đồng chí Phạm Tiến Dũng được 8/12 phiếu, đồng chí Nguyễn Tuấn Ðạt, được 4/12 phiếu. Ðiều khiến dư luận thắc mắc là, trong số 12 người được bỏ phiếu kín tại cuộc họp này thì đồng chí Trần Hồng Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy vắng mặt có lý do (vì phải dự buổi giao ban trực tuyến) thì số phiếu tối đa chỉ là 11. Tuy nhiên, kết quả công bố lại là 12 phiếu, là không đúng. Trao đổi về những khúc mắc này, ông Nguyễn Duy Huệ, Trưởng phòng Quận, huyện (Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội) cho biết: “Tôi là người được phân công dự cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm này. Khi biết việc làm sơ suất, tôi cũng có thắc mắc và yêu cầu Ban kiểm phiếu kiểm tra lại…”. Liên quan đến nội dung này, trong buổi làm việc với chúng tôi ngày 23-7-2019, đồng chí Ðường Hoài Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, sẽ làm việc với Huyện ủy Thường Tín để kiểm tra, xác minh và trả lời những thắc mắc này. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.

Trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín về việc bổ nhiệm “thần tốc” đối với những cán bộ trước đây đã có vi phạm và hiện đang có đơn thư khiếu nại, tố cáo, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho rằng: “Mặc dù trước đây các đồng chí này có những vi phạm, nhưng hiện nay, huyện đang thiếu cán bộ có trình độ và kinh nghiệm để bổ nhiệm”.

Ðể sớm lấy lại niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm những vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và công tác luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ tại huyện Thường Tín.