Ngăn chặn tình trạng buôn lậu, tự ý tăng giá trang thiết bị y tế

Hiện nay, các cơ sở cung cấp thiết bị, vật tư trang thiết bị y tế đã tăng cường sản xuất khẩu trang để góp phần phòng, chống dịch bệnh do viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có nhiều trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá khẩu trang hoặc thu gom khẩu trang với số lượng lớn để xuất lậu sang biên giới bán kiếm lời.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang bắt giữ xe ô-tô vận chuyển hơn 192.000 khẩu trang y tế trái phép.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang bắt giữ xe ô-tô vận chuyển hơn 192.000 khẩu trang y tế trái phép.

Mấy hôm nay, chị Nguyễn Khánh Hà, ở phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) phải lùng khắp nơi mới mua được một hộp khẩu trang y tế cho cả nhà dùng. Chị Hà chia sẻ: "Mấy hôm trước đọc báo, thấy số người mắc dịch bệnh nCoV ở Trung Quốc gia tăng, mọi người đổ xô đi mua khẩu trang cho nên tôi cũng tìm mua vài hộp. Lúc đó giá khẩu trang y tế từ 2 đến 4 lớp tăng từ 50 nghìn đồng/hộp lên 250 nghìn đồng/hộp, có nhà thuốc còn bán 600 nghìn đồng/hộp. Biết là bị "móc túi" nhưng vẫn phải mua về dùng.". Theo chị Trần Ngọc Minh, ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), với tâm lý "kiếm lời nhanh" các chủ cửa hàng tạp hóa, giặt là quần áo hoặc những người bán hàng nước vỉa hè cũng tranh thủ mua gom khẩu trang và bán với giá 300 nghìn đồng/hộp. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì họ sẵn sàng bỏ lại hàng hóa hoặc không nhận là chủ sở hữu số hàng này.

Trước tình trạng khẩu trang y tế được các đầu lậu găm hàng và bán với giá "trên trời" khiến nhiều người muốn mua cũng không mua được, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra, đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay tiệt trùng để bán kiếm lời. Cụ thể, Tổng cục Quản quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Ðội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh nCoV để mua vét, mua gom hàng hóa là trang thiết bị y tế để bán kiếm lời. Tính từ ngày 31-1 đến 4-2, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã xử lý 2.180 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế; tạm giữ 466.326 khẩu trang y tế các loại. Nhiều cơ sở như nhà thuốc Linh Giang (Thanh Trì, Hà Nội), nhà thuốc Kim Thoa (Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí đề nghị rút giấy phép kinh doanh về hành vi bán khẩu trang với giá cao gấp nhiều lần.

Khảo sát tại một số nhà thuốc, siêu thị ở các tuyến phố ở Hà Nội như Ngọc Khánh (quận Ba Ðình), Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm); tại TP Hồ Chí Minh, khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), Bệnh viện Nhi Ðồng 1 (quận 10),... giá bán khẩu trang loại 3 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào khoảng 55 nghìn đồng/hộp, bán ra khoảng 65 nghìn đồng/hộp; loại 4 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào khoảng 65 nghìn đồng/hộp, bán ra khoảng 75 nghìn đồng/hộp. Hiện tại, tình trạng người dân xếp hàng mua khẩu trang với giá rất cao đã không còn nhưng do mặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế còn khan hiếm cho nên giá bán có hơi cao so với thời điểm trước Tết. Trước tình hình này, nhiều cửa hàng buộc phải thông báo hết hàng hoặc chỉ bán cho mỗi khách hàng từ một đến hai hộp khẩu trang.

Không chỉ thu gom khẩu trang để bán kiếm lời ở trong nước, một số người còn buôn lậu khẩu trang sang biên giới. Vừa qua, cán bộ Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã phát hiện, thu giữ 305 nghìn chiếc khẩu trang y tế đang trên đường vận chuyển lên khu vực biên giới. Bước đầu lái xe BKS 81C - 051.63 Ðỗ Duy Hiếu (trú tại tỉnh Gia Lai), khai nhận là người vận chuyển thuê số hàng này và đã xuất trình cho đoàn kiểm tra phiếu xuất kho của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Gia Bình BN nhưng không có họ tên người nhận hàng. Lái xe Hiếu không xuất trình được hóa đơn bán hàng, hợp đồng mua bán của công ty...

Để đối phó tình trạng khan hiếm khẩu trang; gom hàng, đẩy giá lên cao, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã gửi văn bản đến hơn 30 đơn vị có sản xuất khẩu trang y tế, yêu cầu báo cáo về số hàng tồn kho, năng lực sản xuất; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay sau Tết Nguyên đán để sớm cung cấp sản phẩm ra thị trường. Vụ cũng chỉ đạo các đơn vị sản xuất không tăng giá khẩu trang để bình ổn thị trường; không bán cho các đối tượng đầu cơ, tăng giá, gom hàng, hay xuất khẩu; ưu tiên phòng chống dịch trong nước trong giai đoạn hiện nay. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Ðặng Hoàng An cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 38 đơn vị sản xuất khẩu trang ba lớp với năng lực sản xuất 1,245 triệu chiếc/ngày; hai đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng suất 32 nghìn chiếc/ngày. Năng suất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước… Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, tính đến trưa 3-2, Cục đã kiểm tra 47 cơ sở, xử lý 37 cơ sở vi phạm; chỉ đạo các Ðội QLTT làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang để ký cam kết không tăng giá. Hiện đã có hơn 400 cơ sở ký cam kết chấp hành. Ngoài ra, để giúp người dân phòng, chống dịch bệnh do nCoV, nhiều cá nhân, đơn vị như nhà thuốc Ðông Giang, số 32 Nguyễn Văn Thoại (Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng) đã phát miễn phí 5.000 khẩu trang đến người dân và du khách; Ðoàn Thanh niên Công an Hà Nội, Báo An ninh thủ đô phối hợp nhóm Hoa Cúc xanh phát 75 nghìn khẩu trang miễn phí đến người dân và các du khách…

Nếu người dân và doanh nghiệp phát hiện các cơ sở sản xuất vật tư y tế, nhà thuốc,… thu gom, tích trữ và tăng giá bán khẩu trang để trục lợi thì có thể phản ánh đến đường dây nóng 1900888655 của Tổng cục QLTT; hoặc thông báo cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý. Mọi hành vi vi phạm trong thời điểm này sẽ được chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

TRẦN HỮU LINH

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương)

Theo điểm c khoản 2 Ðiều 10 Luật Giá cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Ðiều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định tội đầu cơ, lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch họa, chiến tranh sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng và bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư LÃ THỊ ÁNH

(Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)

Người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang khác nhau để phòng chống dịch, bệnh nCoV. Nếu sử dụng khẩu trang vải thì nên giặt thường xuyên bằng xà-phòng, phơi khô để có thể sử dụng được. Ngoài ra, người dân có thể làm sạch tay bằng nước và xà-phòng thông thường vẫn bảo đảm an toàn. Khẩu trang y tế ưu tiên sử dụng khi làm việc tại các cơ sở y tế và những chỗ đông người như nhà ga, sân bay…

NGUYỄN TRƯỜNG SƠN

Thứ trưởng Bộ Y tế