Ngăn chặn tình trạng buôn lậu dịp cuối năm

Bài 2: Kiên quyết xử lý gian lận thương mại

Cùng với sự nhộn nhịp của khu vực cửa khẩu, biên giới buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đang vào mùa "cao điểm" phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, Hà Nội được coi là điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả lớn nhất khu vực các tỉnh phía bắc. Từ đây, hàng lậu sẽ được đưa về tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố.

Nhiều sản phẩm hàng hóa tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) không có hóa đơn chứng từ.
Nhiều sản phẩm hàng hóa tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) không có hóa đơn chứng từ.

Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ bày bán công khai

Có vị trí thuận lợi trên cung đường từ biên giới về xuôi và cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km cho nên từ lâu Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và chợ đầu mối Baza (Từ Sơn, Bắc Ninh) được giới buôn bán coi là điểm trung chuyển hàng lậu "made in China" lớn nhất cả nước. Từ các địa điểm này, hàng lậu được "chảy" đi khắp mọi miền đất nước. Mỗi ngày có hàng nghìn tiểu thương từ khắp các tỉnh về đây "tuyển hàng". Trên con đường dẫn vào chợ Ninh Hiệp bắt đầu từ Dốc Lã (xã Yên Thường) dài khoảng 4 km, luôn rầm rập xe ô-tô tải, xe ba, bốn bánh tự chế vận chuyển hàng hóa từ sáng tới đêm. Hai bên đường tràn ngập các cửa hàng buôn bán quần áo, vải vóc và kéo dài khắp mọi ngả đường, ngõ, xóm ở Ninh Hiệp. Hàng hóa ở đây rất phong phú, đa dạng, tùy thuộc giá cả và nhu cầu mua lẻ hoặc mua buôn được chia thành năm khu chính với hàng nghìn hộ tiểu thương, gồm: Khu Dốc Lã, chợ đầu mối Baza, chợ Sơn Long, chợ Phú Ðiền và chợ Nành Ninh Hiệp.

Bên trong các chợ, trung tâm thương mại tại Ninh Hiệp, quần áo, vải vóc được bày bán la liệt và tràn ra các lối đi với đủ chủng loại, nhãn mác nổi tiếng thế giới với giá cả rất "phải chăng". Trong vai những người khách mua buôn, chúng tôi vào một số quầy hàng buôn bán quần áo tại chợ Ninh Hiệp. Sau khi ngỏ ý muốn đặt mua buôn số lượng lớn quần áo để mang đi các tỉnh tiêu thụ, chủ cửa hàng cho biết ở đây nhận đặt may và thiết kế tất cả các mẫu của các hãng nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma, Tommy, Lacoste, Uniqlo. Giá cả hàng đặt tùy vào loại vải, đường may nhưng hàng chất lượng nhất, đường chỉ chuẩn nhất, thật như áo chính hãng có giá 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/sản phẩm. Ðể có được giá nêu trên khách hàng phải đặt từ 500 đến 1.000 sản phẩm một lúc. Chủ cửa hàng cũng khẳng định "bao giá" toàn quốc và không nơi nào hàng rẻ, đẹp và "giống chính hãng" như ở đây.

Cùng đoàn công tác của Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra ngẫu nhiên hai gian hàng trong Trung tâm thương mại Sơn Long, Ninh Hiệp, chúng tôi nhận thấy cả hai gian hàng đều vi phạm các quy định về kinh doanh hàng hóa. Tại gian hàng Tân Hường có ký hiệu ki-ốt S16, mặc dù đã kinh doanh trong thời gian dài, nhưng chủ hàng cho biết chưa có giấy phép kinh doanh và hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Còn tại gian hàng Quang Phương có ký hiệu ki-ốt C58 qua kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa ở đây đều ghi những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng chủ hàng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ðược biết cách đây sáu tháng, chủ hàng đã bị phạt vi phạm hành chính bốn triệu đồng vì không có giấy phép kinh doanh.

Cách chợ Ninh Hiệp chừng 1,5 km là một "tổng kho" vải lậu, có quy mô không kém chợ Ninh Hiệp là chợ đầu mối Baza. Chợ Baza nằm trên địa phận phường Ðình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ðây cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán vải với khối lượng lớn. Mặc dù thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, nhưng chợ đầu mối Baza tọa lạc trên trục đường chính dẫn vào Ninh Hiệp. Tại đây hàng trăm gian hàng chạy dọc theo trục đường chính với số lượng vải vóc rất lớn đủ cung cấp cho cả thị trường phía bắc, chưa kể hàng trăm ki-ốt nằm sâu trong chợ đầu mối được tận dụng làm nhà kho. Các chủ hàng cho biết, đa số vải tại chợ Ninh Hiệp và Baza đều có chất lượng tốt, xuất xứ từ Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Việt Nam và một số hàng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế vải vóc ở đây đều được nhập từ Trung Quốc sau đó được phù phép bằng những nhãn mác ghi xuất xứ từ Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc)… Theo chân những chiếc xe ba bánh tự chế vận chuyển hàng hóa vào khu chợ, chúng tôi phát hiện điểm tập kết hàng hóa để đưa vào Ninh Hiệp là bãi đất trống thuộc phường Ðình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Tại đây mỗi ngày đón nhận khoảng 20 xe ô-tô tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa đến đổ hàng. Từ xe tải, quần áo, vải vóc được xếp vào các xe ba bánh và đưa vào các chợ, trung tâm thương mại tại Ninh Hiệp. Theo các lái xe cho biết, tất cả hàng hóa đều được đưa về từ các tỉnh biên giới phía bắc. Ðể "đánh hàng" từ biên giới về, các chủ hàng đặt hàng từ bên kia biên giới với đầy đủ chủng loại, kích cỡ, mã hàng… còn việc vận chuyển được giao cho đội quân chuyên nghiệp đưa về bằng nhiều con đường.

Không chỉ kinh doanh các mặt hàng may mặc, Ninh Hiệp còn được xác định là địa bàn trung chuyển nguyên liệu thuốc bắc lớn nhất khu vực phía bắc. Sau khi được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, thuốc bắc từ Ninh Hiệp được các đầu nậu đưa đi các tỉnh để tiêu thụ. Ngày 4-12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang một vụ buôn lậu dược liệu lớn từ Lạng Sơn về Bắc Ninh, Hà Nội, thu giữ hàng trăm bao nguyên liệu thuốc bắc với số lượng hơn 100 tấn. Bước đầu, xác định số nguyên liệu này được nhập lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi vận chuyển về Hà Nội, Bắc Ninh sau đó phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Ðội trưởng Ðội QLTT số 8 Trương Ðình Minh, từ đầu năm đến nay, riêng tại khu vực xã Ninh Hiệp, Ðội QLTT số 8 đã phát hiện, xử lý hơn 300 vụ vi phạm, chủ yếu là hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng, đạt 280% kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều vụ vi phạm đã được chuyển sang cơ quan điều tra xem xét xử lý. Ðiển hình, ngày 13-11-2019, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 1.600 sản phẩm là túi xách, ví có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Dior, Chanel, Hermes.

Mặc dù không náo nhiệt như chợ đầu mối Ninh Hiệp, nhưng tại nội thành Hà Nội, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được bày bán công khai trên các tuyến phố, nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm và các địa bàn lân cận, bất chấp sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng. Theo chân Ðội QLTT số 2, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra một số cửa hàng bán quần áo, ba-lô, túi xách khu vực phố cổ Hà Nội. Qua kiểm tra tại cửa hàng số 29 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, tại các cửa hàng này chủ yếu bày bán các loại sản phẩm có nhãn mác nước ngoài, trong đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng khi được yêu cầu thì các chủ hàng đều không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ðội QLTT số 2 đã lập biên bản, thu giữ hơn 100 sản phẩm quần áo có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như Nike, Adidas, Polo, Tommy... Sau khi gửi các sản phẩm đi giám định, kết quả cho thấy tất cả số sản phẩm nêu trên đều là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Ðức, cùng với hoạt động buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thời gian qua, tình trạng giả nhãn mác, xuất xứ hàng hóa cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp có dấu hiệu nhập hàng quần áo nước ngoài về Việt Nam, sau đó cắt nhãn mác nước ngoài và gắn các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ. Ðiển hình là ngày 4-11, Ðội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Qua kiểm tra phát hiện, công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và gắn nhãn NEM và IFU trên các sản phẩm quần áo. Cụ thể, gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, sáu bao túi xách và bốn bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng bốn tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng hai tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ.

Tập trung xử lý các địa bàn nổi cộm

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai tại một số địa bàn, tụ điểm vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm nhưng nhiều địa bàn, tụ điểm nổi cộm, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong đó nổi cộm là khu vực biên giới, cửa khẩu và địa bàn Hà Nội.

Vừa qua, các ngành chức năng như Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát kinh tế... đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các tụ điểm, địa bàn nổi cộm về gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thông báo công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố; đồng thời lập kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mục tiêu đề ra là đến hết tháng 6-2020 đạt chỉ tiêu 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đến hết tháng 12-2020 đạt chỉ tiêu từ 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm vi phạm nghiêm trọng. Các vụ việc tái phạm về hàng giả được kiên quyết xử lý, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành chức năng trực tiếp tham gia công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, mà cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và từng địa phương. Trong đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật của người dân, biện pháp quan trọng là điều chỉnh chính sách về thuế, hóa đơn... nhằm giải quyết những bất cập mà các cơ quan thực thi pháp luật đang gặp phải trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là hành vi giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; đồng thời tăng cường giáo dục, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 150 nghìn vụ hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 12 nghìn tỷ đồng, khởi tố hơn 1.600 vụ (tăng gần 40% so cùng kỳ năm 2018), với gần 2.000 đối tượng (tăng 44% so cùng kỳ năm 2018).

(Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia)

--------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-12-2019.