Ngăn chặn tình trạng biến dạng nhà cổ ở Hội An

Hệ thống di tích nhà cổ ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là một trong những không gian du lịch đặc sắc, có sức hấp dẫn du khách, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ ở địa phương. Thế nhưng, trước tác động của thời gian, khí hậu và nhất là do nhu cầu phát triển kinh doanh ào ạt, cho nên hàng loạt nhà cổ tại đây sau khi trùng tu đã bị biến dạng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa thế giới này.

Việc mở rộng quy mô kinh doanh gây nguy cơ biến dạng di tích nhà cổ tại Hội An.
Việc mở rộng quy mô kinh doanh gây nguy cơ biến dạng di tích nhà cổ tại Hội An.

Biến nhà cổ thành nơi kinh doanh

Trong gần 20 năm qua, từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã nỗ lực hỗ trợ trùng tu, sửa chữa và nâng cấp các nhà cổ trong khu phố cổ. Theo Trung tâm Quản lý và Bảo tồn DSVH Hội An, đến nay, đơn vị này đã hoàn thành khoanh vùng khu vực bảo vệ khu phố cổ; tổ chức khảo sát, đánh giá và phân loại di tích. Theo đó, tại khu vực bảo vệ I, có đến hơn 1.110 di tích ở các phường: Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong… được bảo tồn nguyên trạng. Với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, TP Hội An đã phân bổ hàng trăm tỷ đồng giúp người dân sửa chữa, nâng cấp hàng loạt nhà cổ hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ.

Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hội An ngày càng tăng, thời gian qua đã kéo theo nhiều cửa hàng kinh doanh trong khu phố cổ và nhà cổ tiếp tục ra đời. Năm 2005, trong khu phố cổ chỉ có hơn 490 di tích nhà cổ có hoạt động kinh doanh, nhưng qua khảo sát mới đây, trong 784 di tích thuộc khu vực I phố cổ, có đến 780 di tích được chủ hộ tự kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh buôn bán. Phần lớn các nhà cổ nằm trên các tuyến đường: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Ðằng, Lê Lợi… được đưa vào kinh doanh, buôn bán. Thực tế cho thấy, tình trạng cho thuê và chuyển nhượng di tích nhà cổ để người khác làm nơi buôn bán, kinh doanh không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tăng áp lực lên di sản và làm biến dạng nhà cổ. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn DSVH Hội An, từ năm 2000 đến nay, có đến 114 di tích nhà cổ đã được chủ nhà chuyển nhượng, bán cho người khác. Trong số gần 600 người đăng ký kinh doanh, hơn 420 người là chủ sở hữu di tích nhà ở, nhà thờ đứng tên và hơn 170 người ở nơi khác đến thuê nhà để kinh doanh.

Giải pháp chống biến dạng nhà cổ

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống nhà cổ có cấu trúc khá đặc sắc. Phần lớn các di tích nhà cổ đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có hệ thống: sân trời, giếng nước, sân vườn, nơi ở, bếp, không gian thờ tự… Thế nhưng, khi những nhà cổ này được chủ sở hữu chuyển nhượng thì người chủ mới của ngôi nhà đã tự ý tháo bỏ các cấu kiện, bộ phận bên trong để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Theo số liệu khảo sát trong năm 2018, đối với 100 di tích loại đặc biệt và loại I, hiện có 98 di tích nhà cổ ở Hội An đã tu bổ, sửa chữa không đúng quy định. Trong số 100 di tích được khảo sát, 40 nhà không có hoặc có sân trời bị biến dạng. Khu vực sân trời của di tích nhà cổ giờ được lắp đặt mái che di động hoặc dùng vật liệu tôn, kính che kín hoàn toàn. Các giếng nước cũng bị bịt hoặc che kín một phần. Còn các sân vườn thì được đầu tư xây dựng, lắp đặt mái che, ván sàn nhựa, làm quầy bar phục vụ khách; hoặc cơi nới nhằm mở rộng không gian sinh hoạt, xây dựng các công trình phụ, làm hỏng cảnh quan di tích nhà cổ.

Ông Võ Duy Trung, Trưởng phòng Quản lý khu phố cổ, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn DSVH Hội An nhìn nhận, việc chuyển hóa không gian sống tại các di tích nhà cổ đã làm thay đổi nếp sống và các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của phố cổ. Trước đây, các ngôi nhà cổ tại Hội An thường có một hoặc vài thế hệ sống; có không gian thờ tự, sinh hoạt, bếp… và các hộ chỉ dành một phần không gian mặt tiền để buôn bán nhỏ. Bây giờ thì ngược lại, phần lớn không gian nhà cổ được dành cho kinh doanh, các không gian truyền thống lâu đời bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ. Phần lớn các vách ngăn, hệ cửa… (những bộ phận không tách rời của di tích) bị tháo dỡ và thay vào đó là những chiếc giá đỡ hàng hóa bằng kim loại. Theo ông Trung, sự biến dạng này một phần do sự phát triển kinh doanh ồ ạt và phần nữa do trước khi chủ sở hữu chuyển nhượng lại cho người khác, đã đem theo bàn thờ tổ tiên ông bà, hoành phi, liễn đối và những vật dụng trang trí đi nơi khác. Khi tiếp nhận những ngôi nhà cổ này, người chủ mới cải tạo hệ thống bên trong cho phù hợp mục đích kinh doanh của mình làm cho kiến trúc nhà cổ thay đổi, biến dạng và làm mất những giá trị truyền thống của nhà cổ Hội An.

Ðiều đáng nói là, phần lớn các di tích kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng từ vật liệu gỗ rất dễ cháy. Thêm vào đó là 538 di tích kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: nón lá, quạt giấy, quần áo, tranh ảnh, lồng đèn, đồ lưu niệm… bày bán từ trong nhà ra tận vỉa hè, không đúng quy định. Hiện tại, hệ thống điện chiếu sáng, sinh hoạt trong các di tích nhà cổ quá cũ kỹ và quá tải so với nhu cầu kinh doanh; trong khi việc đốt nhang, hàng mã tại các di tích tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Các cơ quan chức năng của thành phố cho biết, trong bảy năm qua, đã có gần 10 vụ cháy lớn, nhỏ xảy ra trong phố cổ, gây lo lắng cho người dân và đe dọa di sản. Mặt khác, các bảng hiệu treo trái phép, che khuất tầm nhìn, lối đi đã ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan và tính chân xác của di tích nhà cổ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, trước tình hình chuyển nhượng, làm thay đổi mục đích nhà cổ, gây nhiều bất cập trong quản lý, bảo tồn di sản, thời gian qua, đã có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước nên bỏ tiền ra mua lại những ngôi nhà cổ đó. Ðiều này trên thực tế là khó khả thi, vì số tiền có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương có hạn. Do vậy, UBND thành phố giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, gây mất an toàn phòng, chống cháy nổ, làm ảnh hưởng cảnh quan di tích nhà cổ và DSVH thế giới. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu những người từ nơi khác đã đến mua hoặc thuê nhà trong phố cổ để mở cửa hàng, tiệm buôn bán phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh và chấp hành các quy định chung trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển các giá trị của di sản. Ðể tránh tình trạng cháy nổ xảy ra, UBND thành phố đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh phải bố trí người trực ban đêm. Qua kiểm tra, nếu phát hiện những hộ kinh doanh trong phố cổ không có người trực, thành phố sẽ xử lý và cho ngừng kinh doanh, buôn bán.

Tính chân xác trong tu bổ, sửa chữa di tích hiện nay mới chỉ dừng lại ở hình thức, kiểu dáng, mầu sắc bên ngoài, chứ chưa chú trọng tính chân xác của vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống.

VÕ DUY TRUNG

Trưởng phòng Quản lý khu phố cổ, Trung tâm Quản lý và bảo tồn DSVH Hội An


Việc biến các ngôi nhà mặt tiền trong khu phố cổ thành nơi buôn bán, kinh doanh phục vụ du khách đã làm thay đổi không gian truyền thống di tích nhà cổ, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan và tăng áp lực lên DSVH thế giới. Do vậy, phải có giải pháp căn cơ để ngăn chặn sự biến dạng này.

TRẦN ÁNH

Bí thư Thành ủy Hội An