Mua bán người, những hệ lụy khôn lường

(Tiếp theo và hết)(*)

Bài 2: Khi phụ nữ trở thành nạn nhân

Những năm gần đây, số phụ nữ ở độ tuổi từ 16 đến 28 bị lừa bán sang biên giới gia tăng. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như sử dụng mạng xã hội, tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, tán tỉnh, yêu đương; dụ dỗ nạn nhân đi nước ngoài làm việc nhàn hạ với thu nhập cao; đe dọa hoặc bắt cóc nạn nhân rồi bán sang nước ngoài...

Cán bộ Công an huyện Vị Xuyên (Hà Giang) tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Xín Chải. Ảnh: KHÁNH TOÀN
Cán bộ Công an huyện Vị Xuyên (Hà Giang) tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Xín Chải. Ảnh: KHÁNH TOÀN

15 tuổi làm dâu xứ người

Chúng tôi gặp chị Arất Thị Bút, người dân tộc Cơ Tu, ở huyện Ðông Giang (Quảng Nam) tại Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), nhìn chị già hơn cái tuổi 23. Nếu không được Trung tá Khổng Trung Ðoàn, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng giới thiệu thì ít ai nghĩ chị Bút là nạn nhân của một vụ mua bán người (MBN). Trò chuyện với chúng tôi mà đôi mắt chị ướt nhòe, giọng nấc nghẹn. Phải có sự động viên của Trung tá Khổng Trung Ðoàn, chị Bút mới bớt xúc động và trải lòng về quãng thời gian làm dâu xứ người.

Cách đây mấy năm chị Bút còn là một thiếu nữ hồn nhiên, xinh đẹp như bông hoa rừng Ðông Giang, khiến bao chàng trai say đắm. Qua mạng xã hội, chị Bút quen người đàn ông tên Tuấn. Bằng những lời đường mật yêu đương và lời hứa tìm việc làm với mức lương cao, Tuấn nhanh chóng chiếm được cảm tình của Arất Thị Bút. Biết Arất Thị Bút đã say mê mình, Tuấn liền rủ chị đến Ðà Nẵng du lịch rồi vượt biên sang Trung Quốc. Như đã hẹn, chị Bút được Tuấn đưa xuống TP Ðà Nẵng, rồi lên xe khách ra thẳng khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ðến tối, Tuấn dùng xe máy chở chị băng rừng, đến một gia đình ở Trung Quốc. Lúc này, Bút mới biết mình bị bán làm vợ cho một người đàn ông tâm thần ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) với giá 50 triệu đồng. Ngôn ngữ bất đồng, nói gì cũng không ai hiểu cho nên chị chỉ biết ôm mặt khóc. Thời gian trôi qua, chị sinh được hai con (một trai, một gái) cho gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, chị luôn phải chịu những trận đòn roi vô cớ của chồng. Năm trước, chị Bút bỏ trốn và gặp gỡ, lấy một người đàn ông khác nhưng cũng liên tục bị bạo hành. Kể đến đây, chị lại khóc: “Arất Thị Bút đang mang thai em bé và rất nhớ hai con của chồng cũ nhưng không thể về bên đó. Nếu về bên đó, sợ sẽ bị đánh đến chết...”.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), chúng tôi được biết hiện nay tình trạng MBN có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều người từng là nạn nhân sẵn sàng biến mình thành các đối tượng môi giới hoặc tiếp tay cho hoạt động này… Bên cạnh đó, các nạn nhân bị lừa bán phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi 16 đến 28; là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết; những phụ nữ trẻ đua đòi, ham chơi, lười lao động, không có nghề nghiệp ổn định; hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về nhận thức xã hội và pháp luật; thích du lịch. Một số người mong muốn có việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài để được "đổi đời" cho nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa bán. Nếu không dụ dỗ, tán tỉnh được thì các đối tượng MBN sẵn sàng dùng thủ đoạn bắt cóc, ép buộc nạn nhân làm đám cưới. Xảo quyệt và tàn nhẫn hơn, các đối tượng lợi dụng phong tục bắt vợ; dụ dỗ, lừa bán cả những phụ nữ hạn chế năng lực hành vi...

Ðể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng MBN thường có các thủ đoạn là sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber...); giả danh cán bộ công an, bộ đội biên phòng (BÐBP), chủ doanh nghiệp để làm quen, tạo lòng tin rồi lừa bán sang bên kia biên giới. Các đối tượng thường tìm đến những phiên chợ vùng cao; các trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để làm quen, xin số điện thoại các nữ sinh... Khi nạn nhân tin tưởng, các đối tượng rủ đi mua sắm, du lịch và mời uống nước có thuốc mê để lừa bán. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng giấy thông hành của nạn nhân hoặc giả mạo giấy tờ để xuất cảnh qua cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Cam-pu-chia; Việt Nam - Lào. Nạn nhân được dặn dò phải khai báo là người đi cùng có mối quan hệ họ hàng; bạn bè cùng nhau sang bên kia biên giới tham quan, du lịch và mua hàng hóa… Sau khi sang biên giới, nạn nhân bị các đối tượng MBN thu toàn bộ giấy tờ, tiền bạc, hành lý và được đưa sâu vào nội địa để không xác định được địa điểm xuất phát...

Quyết liệt ngăn chặn

Theo Phó Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Quảng Ninh, Ðại tá Nguyễn Văn Thiềm, hiện các quy định pháp luật xử lý về tội danh MBN còn nhiều vướng mắc, khó xử lý trong thực tiễn. Các đối tượng MBN thường hoạt động trong nước hoặc nước ngoài, sử dụng khu vực biên giới làm nơi trung chuyển. Các đường dây, ổ nhóm MBN hoạt động có tổ chức và rất chặt chẽ, liên quan đến nhiều đối tượng đang sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố cho nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ và truy bắt tội phạm gặp khó khăn. Tội phạm MBN thường sử dụng tên giả trên Zalo, Facebook,... không có địa chỉ rõ ràng, nhất là các đối tượng cầm đầu thường núp dưới hình thức môi giới hôn nhân, lao động thời vụ. Việc xác minh, xác định nạn nhân của hành vi MBN chủ yếu dựa vào thông tin do người nhà nạn nhân cung cấp cho nên không đủ căn cứ để xử lý đối tượng. Một số nạn nhân sau khi được giải cứu không hợp tác, không tố giác tội phạm vì sợ trả thù, ảnh hưởng danh dự bản thân và uy tín gia đình. Nhiều trường hợp nạn nhân mặc cảm, được đối tượng đền bù bằng vật chất cho nên không tố giác tội phạm hoặc có tố giác nhưng khai báo thiếu trung thực. Phần lớn các vụ án MBN xảy ra không có hiện trường, không để lại dấu vết, vật chứng như các loại tội phạm khác và xảy ra ở nước ngoài. Trong nhiều vụ án, nạn nhân không biết tên, địa chỉ chính xác của đối tượng lừa bán mình, cho nên khai báo không rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác minh nhân thân đối tượng.

Ðại tá Phạm Mạnh Thường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng, hiện nay một số bộ, ngành và địa phương chưa chú ý đến công tác phòng chống MBN; chưa thấy được nguy cơ, hậu quả do tội phạm MBN gây ra. Tiến độ xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 2015 phần liên quan đến tội phạm MBN và Luật Phòng, chống mua bán người còn chậm. Công tác tuyên truyền về MBN ở một số nơi mang tính hình thức và chưa phù hợp từng địa bàn. Các cơ quan tố tụng tại các tỉnh, thành phố thiếu thống nhất trong việc giải quyết các vụ án. Việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra các vụ MBN...

Ðể góp phần hạn chế các nguyên nhân phát sinh tội phạm MBN, các ban, ngành chức năng của T.Ư và chính quyền các địa phương cần thường xuyên phối hợp mở nhiều đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm MBN khu vực biên giới, hải đảo. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu và làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, nhằm sớm ngăn chặn hoạt động lợi dụng xuất nhập cảnh để thực hiện hành vi MBN. Tập trung điều tra, xác minh hoạt động của đối tượng nghi vấn tham gia đường dây MBN tại các địa bàn “nóng”. Tích cực phối hợp lực lượng chức năng của nước bạn xác minh, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân theo quy định. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về phòng, chống MBN cho nhân dân nơi biên giới, nhất là các nhóm có nguy cơ cao. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm MBN, chú trọng công tác tuần tra chung khu vực hai bên biên giới. Lập đường dây nóng nhằm kịp thời điều tra, bắt giữ và chuyển giao đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân. Tập huấn, nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương; xây dựng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về MBN; tư vấn hỗ trợ phụ nữ, trẻ em về hòa nhập cộng đồng… Triển khai thực hiện có hiệu quả các công ước, nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm MBN, nhất là phụ nữ và trẻ em. Thực hiện các hiệp định, văn bản hợp tác song phương giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan, Trung Quốc và Vương quốc Anh về MBN.

Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội đã có nhiều mô hình để ngăn chặn tình trạng MBN hiệu quả bền vững. Hội đang tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 tại hơn 100 xã biên giới để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội và bảo đảm an ninh biên giới. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân, tích cực tố giác tội phạm; không tham gia, tiếp tay và không để tội phạm MBN lợi dụng. Ðây chính là nền tảng vững chắc và cơ bản để các hội viên, phụ nữ yên tâm làm ăn, sinh sống tại quê hương, không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi nước ngoài. Hội tích cực vận động các nguồn tài trợ để tiếp tục duy trì mô hình “Ngôi nhà bình yên”. Ðây là nơi tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trong các đường dây MBN của khoảng bảy tỉnh, thành phố trên cả nước.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18-9-2019.

* Bài 1: Mua bán người, những hệ lụy khôn lường

Trong năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 247 vụ án, 373 đối tượng về MBN và MBN dưới 16 tuổi; giải quyết, xét xử 147 vụ án, với 272 bị cáo phạm các tội MBN. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận hơn 1.600 trường hợp, trong đó có 627 trường hợp nạn nhân MBN, còn lại là nhập cảnh, di cư trái phép; 100% số nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý…

(Nguồn: Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an)