Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo, kinh doanh trên mạng

Mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức giả mạo, sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín của cơ sở y tế, viện nghiên cứu, người có uy tín trong ngành y, dược để quảng cáo, bán thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng cho người bệnh. Ðây là hành vi vi phạm đạo đức và bị pháp luật nghiêm cấm nhưng hiện vẫn đang lan tràn ngày càng nhiều, hình thức rất tinh vi, qua đó gây tổn hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc, dư luận xấu trong xã hội.

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, thu giữ hàng nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn giả do Công ty Thiên Y Việt sản xuất.
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, thu giữ hàng nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn giả do Công ty Thiên Y Việt sản xuất.

Bài 1: Tiền mất, tật mang vì tin quảng cáo

Theo phản ánh của bạn đọc, đã không ít người bệnh vì tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bác sĩ "rởm" chữa bệnh, bán thuốc qua mạng

Trong thời gian qua chúng tôi nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một số trang trên mạng xã hội Facebook, website lấy danh nghĩa là Viện Dinh dưỡng Trung ương (Viện DD), đăng cả lô-gô, hình ảnh bác sĩ hoặc tự giới thiệu là bác sĩ của viện gọi điện tư vấn sức khỏe sau đó mời chào mua TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng. Trên trang Facebook BS Vũ Quang Trung - Viện DD có đăng thông tin: "Tặng thuốc giảm cân miễn phí cho bà con, liệu trình trị giá 1.950.000 đồng/3 hộp". Trong vai một người có nhu cầu giảm cân tìm mua TPCN, phóng viên đã thực hiện các thao tác đăng ký theo hướng dẫn trên trang Facebook này. Từ số điện thoại: 081.755.3541 một người nam tự xưng là bác sĩ Vũ Quang Trung thông báo cho tôi biết về việc được tặng thuốc miễn phí để điều trị giảm cân. Ðể được nhận thuốc, người bệnh chỉ cần nộp 285 nghìn đồng bao gồm: phí hồ sơ, phí tư vấn qua điện thoại và phí vận chuyển thuốc. Tôi đề nghị được gặp bác sĩ để tư vấn trực tiếp và mua thuốc nhưng người này nói đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, hẹn sau khi dùng hết thuốc sẽ được khám trực tiếp tại Viện DD, phòng khám tầng 4, số 48B - Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.

Ðúng lịch hẹn, sáng 2-3-2020, tôi nhận được một gói bưu phẩm từ công ty chuyển phát nhanh J &T Express, đề tên người gửi là Vũ Quang Trung, 48 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Mở gói bưu phẩm, bên trong là một hộp TPCN nhãn hiệu MANGO 1200, sản xuất tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIHECO, phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Nam Phát. Tôi gọi điện thoại vào số máy 081.755.3541 thắc mắc về việc vì sao chỉ nhận được một hộp thuốc thay vì ba hộp như thông tin đã đăng trên Facebook thì người tự xưng là bác sĩ Vũ Quang Trung giải thích là sau một tháng sẽ được tặng tiếp cho đến hết liệu trình. Tìm hiểu thêm, tôi thấy sản phẩm này cũng được quảng cáo rầm rộ trên trang web: giamcanmango.com, trong đó có một đoạn phim được chỉnh sửa, lồng ghép, giả mạo chương trình "Sống khỏe mỗi ngày" của Ðài Truyền hình Việt Nam, giả mạo Viện DD tặng thuốc giảm cân miễn phí. Trang web này còn đăng tải nhiều nội dung chia sẻ, bình luận của khách hàng về công dụng của sản phẩm sau khi sử dụng khiến cho người xem tin rằng sản phẩm này như "thần dược". Ðến nay, trang web này đã nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ðể xác minh, làm rõ, phóng viên đã làm việc với đại diện Viện DD (Bộ Y tế). Phó Viện trưởng TS, BS Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Viện DD không có ai là bác sĩ Vũ Quang Trung như đã nêu trên. Viện cũng không có hình thức khám, tư vấn qua điện thoại, không bán sản phẩm qua các trang mạng. "Các bác sĩ của Viện không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán thuốc, TPCN cho bất kỳ ai. Vì vậy, người dân cần lưu ý, cảnh giác để tránh bị mắc lừa" - TS, BS Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông, giáo dục dinh dưỡng (Viện DD) TS Trịnh Hồng Sơn, tình trạng giả mạo Viện DD đã diễn ra trong thời gian dài với nhiều hình thức: mạo danh chuyên gia của viện; mạo danh viện, dùng lô-gô hình ảnh của viện; mạo nhận là sản phẩm của viện để tạo lòng tin với khách hàng. Có những đối tượng mạo danh đăng thông tin trên nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo,Viber. Có trường hợp không chỉ mạo danh tư vấn giới thiệu sản phẩm mà còn cho cả số điện thoại, giới thiệu là bác sĩ của viện đang làm việc tại phòng khám ở 48B Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.

Bằng một thao tác nhỏ là gõ cụm từ "Sữa của Viện DD" trên công cụ tìm kiếm của Google, chỉ sau 0,40 giây đã có tới 20 triệu kết quả. Truy cập vào các website, fanpage này, chúng tôi thấy tràn lan hình ảnh, tên tuổi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, lãnh đạo Viện DD, lãnh đạo Bộ Y tế được đăng làm ảnh bìa, ảnh đại diện, cùng những bài báo, những ý kiến tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, qua đó thu hút tới hàng triệu người theo dõi. Người tiêu dùng như lạc vào ma trận và rất dễ bị thuyết phục. Hiện các trang giả mạo Viện DD, chuyên gia của viện vẫn tràn lan, trong đó có cả trang bán hàng trực tuyến lớn.

Là một trong số các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành đã và đang bị mạo danh trên các trang mạng xã hội, TS, BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện DD cho biết: Tháng 9-2019, BS Phan Bích Nga phát hiện có trang web sử dụng hình ảnh, tên tuổi của mình để dụ dỗ các bà mẹ mua sản phẩm dinh dưỡng trẻ em. "Tôi đã vào trang web này yêu cầu quản trị viên xóa ảnh, xóa thông tin cá nhân của tôi, đồng thời đăng thông tin cảnh báo lừa đảo trên trang Facebook cá nhân, đề nghị bạn bè chia sẻ để nhiều người biết. Sau đó, trang web này đã xóa hình ảnh, tên tuổi tôi nhưng lại sử dụng hình ảnh, tên tuổi của một bác sĩ khác. Nhiều bậc cha mẹ khi đưa con đến khám cũng phản ánh với tôi rằng con họ đã sử dụng sản phẩm sữa của Viện DD trong nhiều tháng mà vẫn thấp còi, không tăng cân như quảng cáo. Khi tôi giải thích Viện DD không có sản phẩm sữa dinh dưỡng, có thể họ đã mua phải sản phẩm giả mạo, không bảo đảm chất lượng, thì họ mới biết mình bị lừa" - TS, BS Phan Bích Nga cho biết.

Mạo danh bệnh viện để lừa người bệnh

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ Viện DD mà hầu hết các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội đều đã bị mạo danh trên các trang mạng xã hội với mục đích quảng cáo, chào bán thuốc và TPCN. Ngày 18-9-2019, Phòng Công tác xã hội - BV Bạch Mai nhận được điện thoại của một người bệnh hỏi về việc Khoa Tiêu hóa của BV có chương trình tặng 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho người bệnh trên cả nước như thông tin đăng trên mạng không? Người bệnh này cũng cho biết, bản thân bị đau dạ dày cho nên khi nhận được thông tin trên chị rất vui mừng và đã nhấn nút "đăng ký", để lại số điện thoại và thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị nhận được hai cuộc điện thoại tự xưng là bác sĩ Khoa Tiêu hóa và nhân viên Khoa Dược - BV Bạch Mai xác nhận thông tin chị đã đăng ký, hỏi địa chỉ để chuyển trà thảo dược đến và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, TS, BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai đã lên tiếng khẳng định: "Khoa Tiêu hóa không sử dụng Fanpage và cũng không triển khai hoạt động này".

Trong năm 2019, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin sai sự thật về việc BV 108 có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp, vì thực tế BV không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này. Thậm chí, còn có một số đoàn mạo danh bác sĩ BV 108 đi tư vấn sức khỏe, quảng cáo thuốc, TPCN, tổ chức các tua du lịch kết hợp khám, chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác.

Ngày 24-2, BV Nội tiết Trung ương đã phát đi cảnh báo về việc BV bị mạo danh để quảng cáo bán trà thảo dược trị đau dạ dày với nội dung: "Trong thời gian gần đây, thông qua các trang Facebook, Fanpage, một số tổ chức, cá nhân đã tiếp tục mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh BV Nội tiết Trung ương để tư vấn và giới thiệu các chương trình tặng, khuyến mại trà thảo dược trị đau dạ dày không rõ nguồn gốc. Ðây có thể là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng... gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí tử vong".

Gần đây nhất, ngày 28-2-2020, BV Nhi Trung ương có thông báo về việc trên các trang mạng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19, đã mạo danh BV để tư vấn, bán thuốc, TPCN, men vi sinh, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn nhằm trục lợi. Ðề nghị mọi người cần kiểm chứng thông tin trước khi mua hàng, tránh bị lợi dụng sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.

Hậu quả khôn lường

BS Ðặng Bích Diệp, BV Da liễu Trung ương cho biết: Cuối năm 2019, BV tiếp nhận một người bệnh nam, 22 tuổi, trong tình trạng nhiều mụn mủ, mụn bọc phủ kín toàn bộ vùng mặt và rải rác ở tay, lưng, ngực. Người bệnh cho biết, do tin lời quảng cáo trên Facebook đã đặt mua và sử dụng bộ sản phẩm điều trị mụn trứng cá gồm: thuốc nam dạng viên hoàn uống, thuốc bôi, rửa không rõ nguồn gốc. Thời gian đầu sử dụng, tổn thương mất dần, nhưng hai tuần sau thì xuất hiện trở lại dày đặc ở vùng mặt, rải rác ở lưng, ngực, cánh tay, gây ngứa, nóng rát, khó chịu. Trước đó, BV cũng điều trị cho nhiều người bệnh bị tổn thương trên da do sử dụng các sản phẩm chăm sóc, làm đẹp được quảng cáo, bán trên các trang mạng. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, BV đã khám, điều trị một số trường hợp người bệnh có triệu chứng đỏ mẩn, bong tróc, ngứa hai bàn tay do sử dụng dung dịch sát khuẩn, cồn y tế, gel rửa tay không rõ nguồn gốc.

Dư luận cũng từng cảnh báo một số trường hợp nghe theo quảng cáo trên mạng về một số loại thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường, ung thư nên đã mua về dùng. Sau một thời gian sử dụng, người dùng đã rơi vào tình trạng tay chân bị sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, suy gan cấp, suy thận cấp, biến chứng nặng, phải nhập viện cấp cứu, thậm chí đã có trường hợp bị chết. Nhiều người vì muốn giảm béo nhanh, nghe theo quảng cáo trên mạng, sử dụng TPCN không rõ nguồn gốc, không theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng như: rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, ảnh hưởng chức năng gan, thận.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc hạn chế đi lại, đến nơi đông người tạo cơ hội lớn cho hình thức mua - bán hàng online phát triển, thu hút rất nhiều người tham gia. Với hình thức này, hàng được giao qua dịch vụ chuyển phát, người mua không biết người bán, thậm chí không biết địa chỉ cửa hàng. Vì vậy, người bán dễ dàng thực hiện hành vi bán hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Gần đây, lợi dụng sự khan hiếm trên thị trường các loại dung dịch sát khuẩn để phòng dịch Covid-19, một số cá nhân, doanh nghiệp đã làm giả, làm nhái dung dịch sát khuẩn, rồi quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng.

Trao đổi với phóng viên về việc có nhiều trang Facebook bán hàng giới thiệu dung dịch sát khuẩn, gel rửa tay khô là sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKHCNVN), TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện HLKHCNVN) khẳng định tất cả các dung dịch sát khuẩn đang được quảng cáo trên các trang mạng hoàn toàn không phải là sản phẩm của Viện. TS Hà Quý Quỳnh cũng cho biết, thời gian qua, Viện HLKHCNVN chuyển giao được nhiều công nghệ vào thực tiễn, đem lại nhiều sản phẩm tốt. Lợi dụng tiếng vang này, nhiều trang bán hàng online đã mạo danh Viện để quảng cáo sản phẩm giả mạo, lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng uy tín của Viện. Thậm chí, có cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN còn sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm giả mạo Viện để đăng quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.

(Còn nữa)