Cần quyết liệt xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Khắc phục bất cập

Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg (Quyết định số 1469), đến năm 2020 các địa phương phải xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công gián đoạn và liên hoàn (gọi chung là lò vôi thủ công) trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, trong quá trình triển khai, thực hiện ở một số địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Các lò vôi thủ công đang hoạt động tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Các lò vôi thủ công đang hoạt động tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Lò cũ chưa xóa, lò mới lại mọc

Đến thời điểm năm 2014, trên phạm vi cả nước có gần 500 lò vôi với công suất khoảng một triệu tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang...

Năm 2016, tại khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) xảy ra một vụ ngạt khí tại lò nung vôi khiến tám người chết và một người bị thương nặng. Hơn nửa năm sau, vào ngày 3-7, tại khu vực lò vôi của một gia đình tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn (Hải Dương), năm công nhân thiệt mạng do sập lò… Những vụ tai nạn này đều được xác định nguyên nhân chính do các lò vôi không bảo đảm an toàn trong xử lý khí thải sinh ra trong quá trình nung vôi. Ngoài ra, do khai thác kiểu tận thu, ảnh hưởng đến kết cấu hầm lò dẫn đến sập hầm. Điều đáng nói là người lao động làm việc tại các lò vôi này thường không được đào tạo nghề, thiếu trang bị bảo hộ lao động.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam Nguyễn Quang Huy cho biết: Ngày 14-9-2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ra Văn bản số 2639/KH-UBND về kế hoạch xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Giai đoạn 1 chấm dứt và xóa bỏ lò vôi thủ công đối với ba cơ sở trước ngày 31-12-2018. Giai đoạn 2 chấm dứt hoạt động và xóa bỏ lò vôi thủ công đối với các cơ sở còn lại trước ngày 31-12-2019. Tuy nhiên, để bảo đảm lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công nói trên tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Lý do đồng chí Nguyễn Quang Huy đưa ra là: Số công nhân lao động tại một lò vôi từ 20 đến 25 người. Trong khi phần lớn những người lao động làm việc tại các lò vôi đều ở độ tuổi từ 50 đến 60, chỉ có số ít là thanh niên làm nhiệm vụ lái máy xúc. Vì vậy, khi chấm dứt hoạt động của lò vôi thủ công, việc chuyển đổi nghề cho số lao động này là bài toán khó. Bởi nếu đưa số công nhân này vào các khu công nghiệp thì không đáp ứng yêu cầu do chưa được đào tạo nghề. Còn nếu chuyển sang làm nông nghiệp chỉ giải quyết được một phần số lao động nói trên.

Đứng trên nóc lò vôi thủ công đã tạm ngừng hoạt động, ông Nguyễn Văn Ngọc, thành viên Công ty Văn Hoa, chủ lò gạch ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết: “Tôi làm công việc này được hơn 10 năm, thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Cả nhà tôi năm người đều làm công việc này. Nếu lò gạch dừng hoạt động thì không chỉ tôi mà cả gia đình không biết làm nghề gì để có thu nhập. Để xây dựng một lò vôi thủ công liên hoàn thì số tiền đầu tư chỉ từ 200 đến 500 triệu đồng, nhưng đối với lò vôi thủ công gián đoạn của gia đình chúng tôi đã đầu tư từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng. Khi cán bộ quản lý xuống vận động xóa bỏ lò vôi gia đình chúng tôi chấp thuận chủ trương, tuy vậy giá đền bù cao nhất mà tỉnh cấp cho chúng tôi chỉ 200 triệu đồng cho việc phá bỏ một lò vôi là quá thấp”.

Đến xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), chúng tôi thấy với đoạn đường dài chưa đầy 1 km nhưng đã có hơn 10 lò vôi thủ công hoạt động. Lúc trời nắng thì bụi trắng xóa do ô-tô chở vật liệu qua lại, khi mưa thì đường đi nhầy nhụa, trơn trượt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhất là các em học sinh. Theo phản ánh của các hộ dân có ruộng ở khu lò vôi thủ công tại xã Minh Tân, không chỉ khói bụi bám vào lá lúa mà các chất thải rắn đổ tràn cả xuống ruộng gây cháy lá, nghẹn đòng. Mặc dù các chủ lò vôi thủ công đào cống thoát nước nhưng nước vôi vẫn tràn xuống ruộng. Người dân chung quanh khu vực đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng các lò vôi thủ công vẫn hoạt động trong nhiều năm nay. Theo lãnh đạo UBND xã Minh Tân, từ năm 2016, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, TP Hải Phòng đã xây dựng lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công. Theo đó, đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn lò vôi thủ công trên địa bàn, trong đó có các lò vôi thủ công trên địa bàn xã Minh Tân (Thủy Nguyên). Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã giảm 12 lò vôi so với trước. Đối với 16 lò vôi thủ công hiện đang hoạt động, địa phương yêu cầu không được cơi nới thêm hoặc cải tạo nâng cấp lò vôi, hoạt động đúng hiện trạng đến thời điểm thực hiện lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công. Tuy vậy, ngày 29-4-2019 chúng tôi chứng kiến nhiều lò vôi cũ không những không bị xóa bỏ mà có lò vôi mới đang được xây dựng.

Nói về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò vôi thủ công trên phạm vi cả nước, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc tổng kết: Đến nay các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh đã xóa bỏ hoàn toàn lò vôi thủ công; Ninh Bình xóa bỏ 34 lò vôi thủ công trong tổng số 36 lò; Hải Dương (60/70 lò), Thanh Hóa (45/50 lò), Hà Nam (45/47 lò), Hải Phòng (60/80 lò), Bắc Giang (50/60 lò), Quảng Bình (2/3 lò), Thừa Thiên - Huế (18/18 lò), Kiên Giang (30/32 lò). Hiện nay trên cả nước còn lại khoảng hơn 60 lò vôi thủ công, tập trung ở Hải Dương (10 lò), Hải Phòng (20 lò) và một số địa phương khác.

Như vậy đến đầu năm 2019 cả nước đã xóa được gần 450 lò vôi thủ công với sản lượng 900.000 tấn/năm (đạt 90%). Theo đồng chí Phạm Văn Bắc để đạt được mục tiêu xóa bỏ toàn bộ số lò vôi thủ công còn lại, từ nay đến năm 2020 các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện lộ trình theo Quyết định số 1469; kết hợp công tác tuyên truyền vận động với việc cấp nguồn kinh phí đền bù thỏa đáng cho chủ lò vôi thủ công trong việc dỡ lò cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tại các lò vôi thủ công chuyển đổi sang công việc khác.

Cơ chế vẫn đi vòng

Đối với giải pháp thay thế lò vôi thủ công, theo Quyết định số 1469 và Quyết định số 507/QĐ-BXD, ngày 27-4-2015 của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, khi xóa bỏ các lò vôi thủ công sẽ thay thế dần bằng các lò vôi công nghiệp. Trong thời gian qua, nhiều địa phương vừa thực hiện lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công, vừa triển khai lộ trình xây dựng lò vôi công nghiệp thay thế. Theo Quyết định số 1469, tổng công suất thiết kế các đơn vị sản xuất vôi đến năm 2020 đạt khoảng từ 8 đến 9 triệu tấn/năm. Để đạt được mục tiêu nêu trên, đồng chí Phạm Văn Bắc cho biết: Đến nay cả nước đã có 17 cơ sở sản xuất vôi công nghiệp (38 lò nung) với tổng công suất hơn 2,7 triệu tấn/năm. Hiện tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Bình đang đầu tư xây dựng 12 dự án sản xuất vôi công nghiệp, dự kiến đến năm 2025 đạt tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn/năm. Tổng công suất thiết kế các lò vôi công nghiệp đến năm 2025 có sản lượng đạt khoảng 7,3 triệu tấn/năm. Như vậy tính đến năm 2020 sản lượng vôi sản xuất bằng lò công nghiệp chưa đạt được yêu cầu theo Quyết định số 1469 của Thủ tướng Chính phủ là từ 8 đến 9 triệu tấn/năm. Để đạt được số lượng nói trên, theo nhiều chuyên gia, các tỉnh, thành phố cần hạn chế và tiến tới ngừng cấp phép khai thác mỏ đá vôi với công suất nhỏ hơn 50 nghìn tấn/năm với công nghệ lạc hậu. Chỉ phê duyệt các dự án với công suất mỗi lò sản xuất vôi công nghiệp lớn hơn hoặc bằng 60 nghìn tấn/năm (khoảng 200 tấn vôi/ngày). Các cơ sở được cấp phép xây dựng lò vôi công nghiệp phải lựa chọn thiết bị và công nghệ tiên tiến, khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường với trình độ cơ giới hóa cao.

Việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung (GKN) là một trong những giải pháp thay thế gạch nung bằng lò thủ công. Từ năm 2014 đến 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và các nguồn đồng tài trợ khác (Dự án). Dự án đã bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung (bao gồm hai nghị định, hai thông tư, ba tiêu chuẩn Việt Nam và 11 bản quy hoạch, lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công hỗ trợ ở các địa phương); hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các tổ chức tài chính vay vốn ưu đãi về đầu tư sản xuất gạch không nung với tổng kinh phí xấp xỉ 600 tỷ đồng. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thiết bị và sản xuất GKN như Công ty TNHH Thanh Tuyền (Quảng Ninh); Công ty Thanh Phúc (Hải Phòng).

Quyết định số 1469 đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sản xuất được 12,5 tỷ viên GKN. Theo thống kê của Dự án thì năng lực sản xuất GKN đến năm 2018 đạt 12,6 tỷ viên/năm, tuy nhiên sản xuất và tiêu thụ mới chỉ đạt hơn 6 tỷ viên tương đương 25% thị phần. Để đạt thị phần thay thế gạch đất sét nung tối đa 40% vào năm 2020 là không thể.

Làm thế nào để tăng sản lượng GKN? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Duy Cảnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phúc (Hải Phòng) cho biết: Điều 3, Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 8-12-2017 nêu rõ, các công trình xây dựng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước tại thành phố Hà Nội phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội chấp nhận bị xử phạt tiền để dùng gạch nung được sản xuất từ các lò gạch thủ công. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc tiêu thụ GKN cho các doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh Tuyền (Quảng Ninh) Vũ Thanh Tuyền kiến nghị: Một trong nguồn vật liệu dồi dào làm GKN đó là tro xỉ nhiệt điện. Để cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, hạ giá thành sản phẩm GKN, các cấp chính quyền, doanh nghiệp cần có cơ chế giảm giá cho các doanh nghiệp khi thu mua tro xỉ nhiệt điện. Đồng chí Đỗ Giao Tiến, Quản đốc Dự án cho rằng: Các cấp có thẩm quyền cần có chính sách ưu đãi đối với việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước; hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn vay để các cơ sở sản xuất vật liệu không nung có điều kiện tập trung đầu tư dây chuyền thiết bị tự động hóa cao, đồng bộ, đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến năm 2020. Việc thực hiện lộ trình xóa bỏ hoàn toàn lò vôi thủ công, nhất là lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu trên phạm vi cả nước là điều khó thực hiện được triệt để. Cùng với đó việc thực hiện lộ trình sản xuất vôi bằng lò công nghiệp, sản xuất GKN cũng khó đạt được mục tiêu mà Quyết định số 1469 đề ra. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và các địa phương liên quan cần khẩn trương kiểm tra, có văn bản đôn đốc đẩy nhanh việc thực hiện các lộ trình nói trên; có kiến nghị với Chính phủ để xử lý nghiêm trách nhiệm các đơn vị tổ chức thực hiện không nghiêm Quyết định số 1469 của Thủ tướng Chính phủ.

* Bài 1: Chưa thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công

----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 30-10-2019.

Các dây chuyền công nghệ sản xuất vôi cần có quy mô công suất không nhỏ hơn 200 tấn vôi/ngày.

+ Mức tiêu hao: Tiêu hao nhiệt năng: ≤ 900 kcal/kg; tiêu hao điện năng: ≤ 30 kWgiờ/tấn.

+ Chỉ tiêu môi trường: Nồng độ bụi phát thải: ≤ 30 mg/Nm3.

+ Công nghệ: Sử dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa cao.

+ Chất lượng sản phẩm: Đạt tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đối với các mục đích sử dụng tương ứng.

(Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-8-2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)

Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

- Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 - 25% vào năm 2015, 30

- 40% vào năm 2020;

- Hằng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.

(Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28-4-2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020)