Cần minh bạch trong mua sắm trang thiết bị ở Bệnh viện đa khoa Thái Bình

Nhiều bạn đọc phản ánh, việc thực hiện Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế có nhiều dấu hiệu không minh bạch tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình, nhiều thiết bị có chất lượng kém, hiệu quả sử dụng thấp; việc sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để làm vốn đối ứng và mua sắm thêm thiết bị không đồng bộ. Quỹ này, cùng với viện phí, cũng được dùng để trả gốc và lãi cho khoản vay ngân hàng làm ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, nhân viên của bệnh viện và người bệnh…

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thái Bình kiểm tra hoạt động hệ thống xạ trị qua máy tính.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thái Bình kiểm tra hoạt động hệ thống xạ trị qua máy tính.

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2399/QĐ-UBND ngày 7-9-2016, phê duyệt Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế (Dự án) tại BVĐK tỉnh Thái Bình. Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 309,333 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị là 300,665 tỷ đồng với 83 hạng mục thiết bị được đề xuất mua sắm mới 100%, tiên tiến và đồng bộ. Cũng tại quyết định này, BVĐK tỉnh Thái Bình được vay 70% vốn từ Ngân hàng thương mại cổ phẩn Công thương Việt Nam, 30% vốn còn lại được sử dụng từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị. Nguồn vốn trả gốc và lãi cho số tiền vay mua trang thiết bị này được UBND tỉnh cho phép bệnh viện lấy từ viện phí, quỹ phát triển sự nghiệp và nguồn (hợp pháp) khác. Đáng chú ý, Quyết định số 2399 chỉ định đích danh Công ty TNHH tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Nam Việt (Công ty Nam Việt) là đơn vị tư vấn lập Dự án. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Nam Việt có trụ sở tại TP Phủ Lý (Hà Nam), ngành nghề kinh doanh không có một chữ nào liên quan đến trang thiết bị y tế.

Mặc dù vậy, thông qua tư vấn của doanh nghiệp này, đến nay toàn bộ hai giai đoạn của Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, gồm toàn bộ các thiết bị công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại đã được BVĐK tỉnh Thái Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhiều thiết bị trong số đó đã hết hạn bảo hành.

Vậy nhưng, theo phản ánh của bạn đọc, bên cạnh những trục trặc như “cơm bữa” của số trang thiết bị hiện đại này, một số thiết bị có giá nhiều tỷ đồng chỉ “trụ” được đến hết hạn bảo hành của nhà cung cấp là “ngã bệnh”. Lẽ dĩ nhiên, số thiết bị như thế đã không phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu của Dự án đề ra. Đơn cử như hệ thống máy xạ trị với giá hàng trăm tỷ đồng, do thiếu thiết bị, thiếu hạ tầng phù hợp, cho nên chậm đưa vào sử dụng gần một năm. Khi sử dụng được lại phải bổ sung (không đồng bộ) dàn máy laser mô phỏng, trị giá hơn hai tỷ đồng; dàn máy nội soi đại tràng, trị giá hơn 2,6 tỷ đồng vừa hết bảo hành đã hỏng phải sửa mất gần 100 triệu đồng; dàn máy nội soi dạ dày tá tràng, trị giá gần 2,65 tỷ đồng, sửa chữa mất 71,5 triệu đồng; máy chụp X-quang trong mổ giá gần 3,5 tỷ đồng, sửa mất 169 triệu đồng; máy chụp đáy mắt, giá gần 1,9 tỷ đồng, hiện đang hỏng chưa sửa được. Chưa kể, còn nhiều thiết bị khác giá trị sử dụng rất thấp, bệnh viện vẫn phải lấy quỹ phát triển sự nghiệp để bù chi phí bảo trì, vận hành chứ chưa nói đến việc thu được viện phí từ hoạt động của các thiết bị này để trả gốc và lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, để vận hành lượng lớn thiết bị mới, hiện đại như vậy, bệnh viện phải mất thêm nhiều khoản chi phí cho kỹ thuật viên học tập, tăng thêm nhân sự, chi phí thuê chuyên gia… Những chi phí này lại được lấy từ quỹ phát triển sự nghiệp do lãnh đạo bệnh viện tự quyết định. Khoản nợ vay phải trả sẽ kéo dài nhiều năm cộng với nguồn quỹ phát triển sự nghiệp bị lạm chi khiến nhiều cán bộ, nhân viên BVĐK tỉnh Thái Bình rất bất bình… 

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Để làm rõ những khiếu nại của bạn đọc, chúng tôi đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình Giang Hoài Nam cho rằng những phản ánh của bạn đọc là “không có cơ sở”. Hầu hết máy móc của Dự án được mua sắm đúng quy định, đúng trình tự và được sử dụng có hiệu quả, đúng  mục tiêu đề ra. Về hệ thống máy xạ trị, việc chậm vận hành sau khi mua về gần một năm là đúng, nhưng do nguyên nhân “khách quan” từ phía nhà cung cấp và cơ quan cấp phép vận hành. Đối với dàn máy laser mô phỏng trị giá hơn hai tỷ đồng là “mua thêm” từ gợi ý về chuyên môn của các chuyên gia từ Bệnh viện K Trung ương để nâng cao tác dụng của máy xạ. Từ khi có trang thiết bị mới, số người bệnh  đến khám, chữa tại viện đều tăng. Ngoài ra, bệnh viện cũng “giữ” được cán bộ, bác sĩ giỏi, đáp ứng việc phối hợp học tập, đào tạo cho sinh viên, học viên ngành y của địa phương. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận thông tin lãnh đạo bệnh viện tổ chức thực hiện Dự án bằng nguồn vốn vay và từ quỹ phát triển sự nghiệp chưa được công khai tới toàn thể cán bộ, nhân viên là có cơ sở. Từ đó dẫn tới việc chưa hiểu rõ và phản ánh như nêu ở trên. Riêng câu hỏi về chất lượng một số máy xảy ra hỏng ngay khi vừa hết bảo hành, chúng tôi không nhận được câu trả lời.  

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Huy cho biết chủ trương thực hiện Dự án là đúng đắn và có ý nghĩa lâu dài. Đối với những phản ánh về chất lượng, thời gian, lựa chọn nhà thầu… mua sắm trang thiết bị, hiện toàn bộ hồ sơ Dự án đang được cơ quan Thanh tra tỉnh tiếp nhận và xem xét nên chưa thể trả lời. Về những vấn đề khác như việc sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp, tiền viện phí… thì đó là quyền của BVĐK tỉnh Thái Bình bởi vì đây là đơn vị tự chủ tài chính.   

Như vậy, những phản ánh của bạn đọc về việc thực hiện Dự án mua sắm trang thiết bị y tế ở BVĐK tỉnh Thái Bình không phải hoàn toàn không có cơ sở. Còn nhiều dấu hỏi về chất lượng, giá cả các loại máy móc, thiết bị; về đơn vị tư vấn; về việc sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp, viện phí để chi trả gốc và lãi cho khoản vay hơn 264 tỷ đồng từ ngân hàng liệu có ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện và tiền viện phí của người bệnh, của bảo hiểm xã hội… Đặc biệt, trong bối cảnh điều kiện kinh tế của tỉnh Thái Bình còn chưa phát triển, BVĐK tỉnh Thái Bình cũng chưa phải là bệnh viện trung tâm vùng. Có hay không những bất hợp lý và thiếu minh bạch trong thực hiện dự án?

Dự án mua sắm trang thiết bị y tế được UBND tỉnh giao cho BVĐK tỉnh Thái Bình thực hiện với mục tiêu đưa bệnh viện tương xứng với yêu cầu nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Do vậy, mặc dù cũng có một số trang thiết bị chưa, hoặc phát huy hiệu quả thấp, nhưng về lâu dài chúng tôi thấy là cần thiết. Về quy trình, trình tự, thủ tục, phương án triển khai Dự án đều đúng quy định và được cấp thẩm quyền phê duyệt…

HÀ TRUNG KIÊN 

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình

BVĐK tỉnh Thái Bình sử dụng nguồn vốn vay, vốn tự có và xã hội hóa để thực hiện Dự án nhằm đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện cũng như phối hợp đào tạo. Việc mua thiết bị nào đều do đề xuất của các khoa, phòng chuyên môn và được Hội đồng chuyên môn thẩm định. Khi mua đều có đấu thầu rộng rãi và công khai giá mua…

GIANG HOÀI NAM

Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình