Báo động tình trạng ô nhiễm bùn thải bể tự hoại

Theo nhiều bạn đọc phản ánh, từ trước đến nay, công tác thu gom bùn thải bể tự hoại tại nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội chưa được xử lý theo đúng quy trình và xả thẳng ra môi trường. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được xử lý, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Công nhân Công ty Urenco 7 đang vận hành xử lý bùn thải bể tự hoại tại Trạm xử lý.
Công nhân Công ty Urenco 7 đang vận hành xử lý bùn thải bể tự hoại tại Trạm xử lý.

Những “chiêu trò”gian dối

Tối 9-10-2019, chúng tôi “bí mật” bám theo một xe ô-tô hút bùn thải bể tự hoại, BKS 29S-75... Chiếc xe dừng lại ở Trường THPT Phúc Lợi, thuộc địa bàn quận Long Biên lúc 19 giờ. Có mặt tại đây, chúng tôi thu thập được thông tin khi lái xe trao đổi với bảo vệ: Thứ nhất, theo thông tin nhà trường cho biết, bể phốt của nhà trường vào khoảng 40 m3, nhưng chiếc xe trên dung tích chỉ có 10 m3. Thứ hai, vì cổng trường nhỏ hơn so với xe có dung tích 40 m3 cho nên lái xe phải chuyên chở từ xe có dung tích 10 m3 sang xe có dung tích 40 m3 làm bốn lần. Sau khi được nghe giải thích như vậy, bảo vệ Trường THPT Phúc Lợi đồng ý. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, xe thông hút bùn thải bể tự hoại với số lượng lên đến 40 m3; tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Không có chiếc xe 40 m3 nào chờ ở phía ngoài. Nhân viên lái xe 10 m3 ra phía gần cổng UBND phường Phúc Lợi cách đó không xa, khoảng 15 phút sau, chiếc xe này quay lại tiếp tục hút bùn thải bể tự hoại. Quá trình này được lặp đi, lặp lại bốn lần.

Nói về bí quyết trò “ảo thuật” nói trên, một nhân viên kỹ thuật của Công ty Urenco 7, thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho chúng tôi biết: Hiện nay, tình trạng gian dối trong quá trình thông hút diễn ra khá phổ biến đối với khách hàng là các gia đình, nhất là các đơn vị trường học, bệnh viện...

Để khai khống số lượng, chủ một số xe hút bồn thải bể tự hoại đã dùng chiêu trò đặt báo đầy, chưa đầy phía sau xe bằng cách lắp một đường ống nước đấu từ van của ống bơm vào phần báo đầy, vơi (phần phía sau xe, có lắp kính phía trên). Khi mở van ra thì nước phụt lên kính, bằng mắt thường kiểm tra, khách hàng sẽ thấy lượng chất thải đầy tận “nóc”, nhưng thực chất trong téc rỗng. Nhiều chủ xe còn dùng chiêu trò gian dối hút chất thải từ nhà này và đổ sang nhà khác và vẫn tính khối lượng thu tiền theo đơn giá.

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Urenco 7 cho biết: Do lượng chất thải hữu cơ trong thành phố ngày một tăng, cho nên dịch vụ hút bùn thải bể tự hoại phát triển khá rầm rộ. Những năm trước đây, số lượng cơ sở làm dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có tới 300 công ty hoạt động về lĩnh vực này. Công ty lớn có từ bốn đến năm xe, công ty nhỏ chỉ có một xe. Do số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh, trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến không ít công ty, đơn vị dùng các “chiêu trò gian dối” để móc túi khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ bố trí 17 khu vực xử lý phân bùn bể tự hoại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc đầu tư kinh phí cho những dự án xử lý bùn thải bể tự hoại còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do vậy hiện nay chỉ có Công ty Urenco 7, là đơn vị duy nhất được TP Hà Nội cấp giấy phép xây dựng Trạm xử lý bùn thải bể tự hoại từ các nhà vệ sinh lưu động, Trại tạm giam Công an TP Hà Nội và một phần dịch vụ theo Giấy ủy quyền của Công ty mẹ (Urenco) cho phép thực hiện nhiệm vụ ký Hợp đồng với các đơn vị ngoài thành phố. Trạm xử lý bùn thải bể tự hoại của Công ty Urenco 7 hoạt động từ tháng 10-2014, có công suất thiết kế 300 m3/ngày đêm, tương đương 150 tấn bùn thải bể tự hoại/ngày đêm.

Ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty Urenco 7 cho chúng tôi biết: Tính từ thời điểm chính thức hoạt động đến nay, Trạm này rất ít khi vượt quá công suất 100 m3/ngày đêm. Cụ thể, trung bình mỗi ngày Trạm chỉ xử lý từ 60 đến 70 m3/ngày đêm, chưa tới 1/4 công suất thiết kế. Trong khi đó, theo tính toán của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tính riêng các quận nội thành Hà Nội, lượng bùn thải bể tự hoại cần xử lý lên tới 500 tấn/ngày. Một câu hỏi đặt ra, khoảng hơn 400 tấn bùn thải bể tự hoại không qua xử lý sẽ đi về đâu?

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Quyến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05), Công an TP Hà Nội cho biết: Theo quy định, bùn thải bể tự hoại phải được vận chuyển đến khu xử lý tập trung đã được quy hoạch. Song thực tế, hàng trăm cơ sở tư nhân này không có đơn vị nào ký hợp đồng xử lý bùn thải bể tự hoại với Urenco 7. Mặc dù các công ty, xe vận chuyển này đều dán mác “Công ty Môi trường đô thị”, song họ không chịu sự quản lý và không có hợp đồng xử lý bùn thải bể tự hoại với Trạm xử lý bùn thải bể tự hoại. Qua điều tra, xác minh, chúng tôi thấy, hiện nay, vẫn còn nhiều bệnh viện và các khu chung cư lớn tại Hà Nội, khi vận chuyển chất thải cũng không ký hợp đồng xử lý bùn thải bể tự hoại với Urenco 7. Như vậy, hơn 90% lượng bùn thải bể tự hoại mà các cơ sở tư nhân này thu gom đều xả thẳng ra môi trường.

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng và cơ quan cảnh sát môi trường, địa điểm mà xe đổ trộm bùn thải bể tự hoại bị phát hiện chủ yếu tại các ao, hồ, hệ thống cống “hàm ếch” ven đường và nhất là khu vực trước Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, đường Phạm Hùng, bãi đất trên các khu vực ven đê huyện Đan Phượng, Gia Lâm…

Những nơi này có hệ thống cống mới được xây dựng, vắng người, vào ban đêm, hệ thống đèn chiếu sáng gần như không có, cho nên đã tạo điều kiện cho chủ xe hút bùn thải bể tự hoại đổ trộm.

Ngày 18-4-2018, qua nhiều lần mật phục theo dõi, tổ công tác Đội 2 Phòng Cảnh sát PC05, Công an TP Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đan Phượng tiến hành làm nhiệm vụ tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng đã phát hiện một lái xe ô-tô có hành vi đổ bùn thải bể tự hoại trái quy định tại khu vực vườn chuối trên gần bờ đê, với khối lượng 15 tấn. Theo lời khai của lái xe, anh được yêu cầu thông hút và vận chuyển bùn thải bể tự hoại tại một khu chung cư cao cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân và vận chuyển đến khu vực vườn chuối tại xã Thọ Xuân để mở van bồn xả thải. Một người làm công tác môi trường lâu năm cho chúng tôi biết: Cho dù bị bắt quả tang vi phạm, thậm chí bị phạt tiền lên tới vài triệu đồng, nhưng hiện nay khu vực này vẫn là một “địa điểm lý tưởng” của các xe bồn xả thải. Thực tế, sau hơn một năm kể từ vụ bắt quả tang đổ trộm chất thải kể trên, chúng tôi quay trở lại khu vực vườn chuối dưới chân đê, vẫn thấy hàng chục tấn phân bùn bể phốt vừa mới đổ trộm, chất thành đống. Dưới hố sâu vườn chuối, chất thải tích tụ như một dòng nước đặc quánh bốc mùi hôi thối.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan công tác quản lý bùn thải bể tự hoại, tại Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 3-4-2015của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nêu rõ các điều khoản về công tác thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại; về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại; về trách nhiệm của đơn vị xử lý bùn thải bể tự hoại…

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này tại Hà Nội hiện còn nhiều bất cập. Ông Ngô Thái Nam, Chi cục phó Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội), thừa nhận: Trong nhiều nguyên nhân như các doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, người dân chưa nâng cao ý thức… còn do quy định về việc xử lý bùn thải bể tự hoại ở vùng giao thoa giữa chất thải rắn và nước thải, vô hình trung đã tạo ra một khoảng trống về công tác quản lý. Do vậy trong nhiều năm qua, không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng trăm tấn bùn thải bể tự hoại chưa qua xử lý ngày đêm vẫn đều đặn xả trực tiếp ra môi trường.

Bà Kiều Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội cho biết: Các chất bùn thải bể tự hoại không qua xử lý xả thẳng ra môi trường có thể chứa mầm bệnh, có nguy cơ lây truyền cho người. Nơi tập trung chất thải cũng là nơi gây mùi, nhiều ruồi, nhặng, chuột, côn trùng. Đồng quan điểm với bà Kiều Anh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Trường đại học Xây dựng) cảnh báo: Bùn thải bể tự hoại nếu không được thu gom đúng quy cách, thì phải coi nó như một chất thải nguy hại. Đó là chưa kể một lượng lớn bùn thải bể tự hoại từ các bệnh viện, công trình công cộng, ngoài mầm bệnh như trứng giun sán, các vi khuẩn, vi-rút và các động vật vi sinh còn chứa rất nhiều chất độc hại khác.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường: Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bùn thải bể tự hoại như hiện nay là do chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền đối với chủ nguồn thải trong việc yêu cầu các doanh nghiệp làm dịch vụ thông tin về giấy phép, điều kiện kinh doanh, nhất là địa điểm xử lý nguồn thải. Về phía các cơ quan quản lý, lại thiếu một cơ chế giám sát, thậm chí buông lỏng việc xử lý chất thải đối với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bùn thải bể tự hoại trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, các cơ quan chức năng cần có một quy chế quản lý chặt chẽ đối với bùn thải bể tự hoại, ngay từ khâu thiết kế và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để loại chất thải này. Quản lý toàn bộ các cơ sở thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải bể tự hoại, nhất là các cơ sở tư nhân bằng cách kiểm soát chặt chẽ đầu vào (cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép môi trường, gắn hệ thống theo dõi định vị trên các xe…).

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp, tăng cường việc kiểm soát bởi các cơ quan nhà nước và quần chúng nhân dân, kết hợp với việc áp dụng các công cụ tài chính như thưởng, phạt…

Bên cạnh đó, chính quyền TP Hà Nội cần xem xét có chính sách hỗ trợ tiến hành xây dựng sớm đối với các khu xử lý bùn thải bể tự hoại đã được quy hoạch.