Về “tượng Phật" ở Lạng Sơn: Chỉ là tượng nhân tạo

Nhiều người dân đã đến<br>thắp hương và đặt lễ<br>khấn vái trước "tượng Phật"
Nhiều người dân đã đến<br>thắp hương và đặt lễ<br>khấn vái trước "tượng Phật"

Không chỉ có những người dân hiếu kỳ, hàng đoàn du khách "chơi chợ Lạng Sơn" như chúng tôi cũng được hướng dẫn lên núi “bái Phật”.

Sau một hồi leo núi bở hơi tai, chúng tôi được chiêm ngưỡng một khối đá thạch anh nhang nhác đầu một tượng Phật Di Lặc gắn vào vách núi đá. Chung quanh tượng, người ta đã đặt rất nhiều bát nhang, đồ vàng mã, tiền lẻ... để cúng bái.

Bỏ qua những lời đồn thổi, chúng tôi nghe một công nhân thực thà kể lại rằng, ban đầu anh em công nhân phát hiện một lỗ hang nhỏ ở vị trí này, nghi là bên trong có hang động, có thể khai thác du lịch, nên công ty cho đào rộng ra để tìm kiếm. Nào ngờ lại thấy một khối đá như thế... Còn chẳng ai hiểu được tại sao khối đá lại biến thành... Đức Phật tái thế kèm theo những câu chuyện ly kỳ khác.

Chiều 15-2, Sở Văn hóa-Thông tin Lạng Sơn đã có báo cáo chính thức lên UBND tỉnh chung quanh những tin đồn này. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa-Thông tin, khẳng định:

- Kết luận chính thức của Sở VH-TT là đây vốn chỉ là khối đá thạch anh bình thường tồn tại trong tự nhiên. Nhưng sau khi phát hiện, người ta đã cố tình tạo tác cho nó giống hình một tượng Phật, rồi tung tin đồn thổi để thu hút khách tham quan, động cơ vụ lợi hết sức rõ ràng.

* Quan sát pho tượng, nhiều người tỏ ý nghi ngờ rằng mặc dù có dấu vết đục, đẽo lộ liễu, nhưng thực ra, khối đá tự thân nó đã rất giống một pho tượng, không loại trừ khả năng đã được đục đẽo dở dang từ thời xa xưa. Liệu có khả năng đó là một hiện vật thời xưa liên quan đến di tích Thành nhà Mạc?

- Nhìn mắt thường đã thấy đây là khối đá bị cố ý tạo tác thành tượng. Một số công nhân ở đây cũng đã thừa nhận việc họ vừa làm. Bảo tàng tỉnh cũng có báo cáo nhận xét như vậy. Song, để làm căn cứ pháp lý cho các bước xử lý tiếp theo của bên công an, chiều 16-2, Phòng quản lý giám định văn hóa (Sở VH-TT) tiếp tục ra một biên bản nữa khẳng định xuất xứ nêu trên của pho tượng này.

* Vậy tới đây tỉnh sẽ xử lý ra sao?

- Sở VH-TT đã báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh về vụ việc này, và đề xuất ba bước xử lý. Bước 1 là định hướng lại dư luận, thông tin lại cho rõ để bà con không kéo lên núi gây mất trật tự an ninh. Hai là vì khối đá này không phải cổ vật, cũng không phải là hiện vật của bảo tàng, cho nên sẽ cân nhắc để trả nó vào đúng vị trí ban đầu - tức là sẽ vùi lại xuống lòng đất. Ba là, xem xét trách nhiệm của những đối tượng liên quan.

Sở VH-TT đề nghị UBND tỉnh giao cho công an tỉnh mở cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của Công ty Hoàng Việt Anh và những người có liên quan để xử lý về mặt hình sự nếu khẳng định được họ cố tình dựng lên nhằm vụ lợi. Bởi vì hành vi này đã gây ảnh hưởng về xã hội và chính trị. Công an đã bắt đầu điều tra rồi.

Ông Nông Xuân Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Hình thù tượng lạ ở Lạng Sơn chỉ là nhân tạo, không hề có Đức Phật tái thế như tin đồn. Khi phát hiện ra khối đá này, một nhóm nhân công của Công ty cổ phần TM Quảng cáo Hoàng Việt Anh có ý tưởng và sử dụng một số công cụ như xà beng, đục, giấy ráp để tạo nên một số "điểm nhấn" mang dáng dấp khuôn mặt người".

* Vì sao ngành văn hóa lại nghi ngờ chính doanh nghiệp đầu tư khai thác di tích đã cố tình tung tin đồn?

- Chúng tôi cho rằng việc tạo nên khuôn mặt tượng cho khối đá không thể là việc làm tự phát, "làm cho vui được", mà phải có mục đích. Thực ra, một khối đá thạch anh như thế chỉ là một vật hết sức bình thường có thể gặp ở Mẫu Sơn hay trên các hệ núi đá vôi của Việt Nam nói chung. Trước một khối đá bình thường như thế (chẳng có cớ gì để mọi người phải đến chiêm ngưỡng) họ đã tung tin đồn và tạo hình tượng Phật để tạo ra sức hút về mặt tâm linh.

* Qua vụ việc này người ta rất ngạc nhiên không hiểu tại sao lại giao toàn bộ hai di tích là bộ mặt của tỉnh Lạng Sơn (gồm Thành nhà Mạc và núi Tô Thị, khoảng 30ha) cho một công ty tư nhân để rồi vì lợi nhuận, họ bày đặt ra những chuyện phi lịch sử phi văn hóa như thế?

- Chủ trương xã hội hóa di tích đã có trong Nghị quyết 05 của Nhà nước. Khi tỉnh giao cho Công ty Hoàng Việt Anh đầu tư khai thác khu vực này, ngành văn hóa đã có ý kiến tham mưu là phải làm theo đúng Luật Di sản văn hóa. Tức là có thể xã hội hóa nhưng ở trong một phạm vi nào đó, chứ không thể giao cho "xã hội hóa" hết tất cả.

Công bằng mà nói, công ty này đã làm được một số việc như trồng cây xanh, trùng tu lại di tích... Những dự án họ đưa ra còn làm cả nhà biểu diễn, lầu vọng cảnh, khu vực lễ hội.... Trước đó, họ còn đề xuất làm cả chùa ở đây nữa.

Về việc xây chùa, ngành văn hóa kiên quyết không đồng ý. Chúng tôi đã đề nghị toàn bộ dự án này nên có thỏa thuận với UBND tỉnh và Bộ VH-TT trước khi tiến hành.

*Xin cảm ơn ông.