Văn học Thủ đô và những kỳ vọng

Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổng kết, trao Giải thưởng văn học năm 2019 với chỉ hai chuyên ngành Văn xuôi và Lý luận phê bình có giải. Đây là năm thứ ba lĩnh vực Thơ “mất mùa”, dù số lượng hội viên và tác phẩm xuất bản luôn vượt trội so với các chuyên ngành khác.

Các nhà văn trao đổi bên lề Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.
Các nhà văn trao đổi bên lề Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.

Giải thưởng chuyên ngành Văn xuôi được trao cho tiểu thuyết Thị dân tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Đây là tác phẩm về đề tài Hà Nội, được viết theo phong cách riêng, nhiều ẩn dụ sau từng câu chữ sắc sảo, lôi cuốn người đọc. Qua lăng kính nhà văn, đời sống con người Hà Nội thuộc đủ tầng lớp hiện lên hết sức sinh động, đa chiều với thực tiễn và cả triết lý tôn giáo. Nguyễn Việt Hà là nhà văn sinh sống, đắm đuối với tình yêu Hà Nội; đã dựng lên được một chân dung đời sống theo cách của riêng mình. Những tác phẩm văn xuôi khác vào chung khảo, như: Tôi đã trở về trên núi cao của Đỗ Bích Thúy, Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến, Lạc lối của Thùy Dương... cũng được đánh giá tốt về chất lượng.

Ở chuyên ngành Lý luận phê bình, một số tác phẩm nổi bật được đề cử, như: Âm vang từ chiến tranh của Tôn Phương Lan; Tơ trời chùng chình đón đợi của Vũ Từ Trang; Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu; Mấy vấn đề lịch sử và lý luận trong đời sống văn hóa, văn chương Việt của Phong Lê; Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học của Phan Trọng Thưởng... Trong số đó, Hà Nội từ góc nhìn văn chương của nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đoạt giải. Đây là tập sách phê bình văn chương viết dưới dạng chân dung gồm 35 bài viết về 34 tác giả được chắt lọc kỹ càng, trải dài suốt hơn một phần tư thế kỷ, đem đến cho người đọc cảm nhận về mỗi tác giả, tác phẩm thông qua nét đặc trưng riêng.

Chuyên ngành Văn học dịch có hơn 20 tác phẩm được đề cử xét giải, trong đó những tác phẩm đáng chú ý là: Tứ Thư của Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) do Châu Hải Đường dịch; Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của J.Nê-ru-đa (Séc) do Bình Sla-vi-ka và Dương Tất Từ dịch; Đêm của E.Uy-deo (tác giả người Do thái) do Bảo Chân dịch từ tiếng Pháp... Tuy vậy, chưa có tác phẩm nào vượt trội nên không có giải thưởng. Tương tự, chuyên ngành Thơ cũng không có giải và đây là năm thứ ba lĩnh vực này trống giải thưởng. Kết quả có phần tương phản so với số lượng hội viên và tác phẩm thơ xuất hiện hằng năm cao hơn hẳn những chuyên ngành khác. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng tác phẩm được phát hành hằng năm tuy nhiều nhưng thiếu tác phẩm nổi bật vì đề tài còn cũ, mới dừng lại ở phản ánh góc nhìn cá nhân, phạm vi nhỏ hẹp, chưa có tính đột phá và chứa đựng tư tưởng lớn. Qua giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội nói riêng và các giải thưởng văn học năm 2019 nói chung, có thể nhận thấy ở các lĩnh vực Lý luận phê bình, Văn học dịch... đội ngũ tác giả, dịch giả vẫn còn mỏng, ít tác phẩm được phát hành và gây tiếng vang.

Nhìn lại, năm qua, Hội Nhà văn Hà Nội có những hoạt động khá sôi nổi, chất lượng, như tổ chức được nhiều tọa đàm về các xu hướng sáng tác hiện nay của văn học nói chung và văn học trẻ Thủ đô nói riêng nhằm đưa ra giải pháp bồi dưỡng, khuyến khích lực lượng sáng tác. Các hoạt động thực tế, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác văn học được phối hợp nhịp nhàng giữa Hội với Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Một điểm nhấn quan trọng là Hội đã tổ chức thành công Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ ba; khẳng định tinh thần tập trung đầu tư cho phong trào và lực lượng viết trẻ được Hội Nhà văn Hà Nội xác định như một trong những hoạt động trọng tâm ở nhiệm kỳ này. Qua giải thưởng văn học của Hội, có thể thấy được sự phát triển cũng như hạn chế của văn học Thủ đô. Sự thiếu vắng giải thưởng ở vài chuyên ngành phản ánh sự thiếu hụt, trống vắng về tác phẩm thật sự chất lượng nhưng cũng là động lực để thời gian tới người cầm bút có thêm trăn trở với nghề. Bên cạnh đó, cùng với những nỗ lực ở nhiều mặt hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội, sự công bằng, kỹ lưỡng trong việc xét giải là tín hiệu đáng mừng và tin cậy để có thêm hy vọng vào sự phát triển của văn học Thủ đô trong giai đoạn tới.