Văn học năm qua có “mất mùa”?

Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 vừa khép lại với không khí trầm lắng, khiến cả giới sáng tác và người yêu văn chương không khỏi hụt hẫng về một “mùa màng” kém bội thu…

Văn học năm qua có “mất mùa”?

Vắng bóng thơ và văn xuôi

Trong bối cảnh đa dạng các sinh hoạt văn học nước nhà, Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn luôn là một sự kiện được đón đợi, là “thước đo” khá chính xác cho “sức khỏe” của đời sống văn học trong năm. Với tổng số 75 tác phẩm văn xuôi, 88 tác phẩm thơ, 20 tác phẩm lý luận phê bình và 13 tác phẩm dịch vào vòng sơ khảo, qua nhiều vòng xét duyệt, BCH Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao Giải thưởng văn học năm 2017 cho các tác phẩm: Bóng người trong bóng núi - Tiểu luận - phê bình của Lê Thành Nghị; Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây - Nghiên cứu của Phùng Văn Tửu; Nỗi khổ vì trí tuệ - Kịch thơ của nhà văn Nga thế kỷ 19 Aleksandr Griboedov do Lê Đức Mẫn dịch. Ngoài ra, còn có Giải thưởng sự nghiệp cho bộ tác phẩm (18 cuốn) về văn học thiếu nhi của Vũ Hùng và Giải thưởng cống hiến (đợt 2) cho 10 nhà văn đã mất. Như vậy, sự thiếu vắng các tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết) và thơ trong giải thưởng chính đã tạo nên một khoảng trống lớn.

Cùng thời điểm này, Giải thưởng văn học năm 2017 của các hội trung ương và địa phương cũng được công bố. Nhưng công chúng yêu văn chương có chung tâm trạng đầu năm không được đón tin vui náo nức như thuở nào đón thêm một mùa xuân khi có giải thưởng. Thơ không chỉ “mất mùa” ở Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, và trước đó ở cả Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyên nhân nào của thực trạng này? Nhiều nguyên nhân, nhưng đáng nói nhất là khi nhà thơ thiếu căn cốt văn hóa sẽ không có được cái nhìn của đại bàng khi bay cao, bay xa. Nhà thơ chưa đủ cái tình để sống với đời, với người. Những thời kỳ rực rỡ của Thơ mới (1930-1945), thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thơ Đổi mới giai đoạn đầu nay chỉ còn là “vang bóng một thời”. Một số cây bút non nớt đang a dua theo các mốt thời thượng (như hậu hiện đại và nhiều xu hướng khác), đã biến thơ chỉ còn là “xác chữ”. Có người mỗi năm viết hàng mấy trăm bài thơ trên facebook, rồi đem in thành sách, “tra tấn” bạn bè và độc giả… Dường như nhà thơ bây giờ chỉ viết cho mình đọc (?!). Nhà thơ, nếu không có tâm thế “Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”, “Cùng xương thịt với nhân dân” (Xuân Diệu), thì ít nhất phải có cái tâm sáng với đời, với người.

Văn xuôi vẫn được coi là “mặt tiền” của văn học thời Đổi mới từ năm 1986 đến nay. Nhưng tại thời điểm này vì sao lại trở nên gầy guộc? Từ 75 tác phẩm được đề cử của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, một con số không thể nói là ít, Ban chung khảo giải thưởng đã chọn được ba tác phẩm (hai tiểu thuyết, một tập truyện ngắn), nhưng cuối cùng vẫn không có tác phẩm nào “lọt sàng”. Câu trả lời không khó: các tác phẩm dự giải vẫn còn yếu về chất sống, chất đời. Thiếu hẳn những tác phẩm “ròng ròng sự sống”, có thể thay đổi tư tưởng và tình cảm của con người thời đại, hướng tới ánh sáng và cái đẹp. Không ít người, trong đó có nhiều nhà văn Việt Nam hiện nay đang “chui sâu” vào mạng xã hội. Vì thế mà thành sống ảo, trong khi sáng tác văn chương nói chung, văn xuôi nói riêng đòi hỏi nhà văn áp sát đời sống, hiểu nó đến tận chân tơ kẽ tóc. Sáng tác cần phải trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm văn hóa; điều này ở nước ta hiện nay chưa có nhiều. Cái phương châm “Sống đã rồi hãy viết” bị không ít người cho là lỗi thời (?!). Cứ thế, dần dà mỗi nhà văn trở thành một “tiểu vũ trụ”. Tuy vậy, năm qua không phải không có tác phẩm văn xuôi tốt mà do chúng ta không phát hiện được, vì nhiều lý do. Thí dụ như Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, một tác phẩm thuộc dạng văn chương phi hư cấu (Non - fiction). Tác giả đã xin nghỉ việc ở công sở vì cần “dành thời gian cho văn chương”, bỏ ra mấy năm trời về quê hương (Hà Tĩnh) tìm gặp những người từng tham gia chiến tranh thời kỳ 1955-1975, nghe họ kể và ghi lại trung thành mọi chuyện.

Nhìn vào giải thưởng về lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam, hai tác phẩm đoạt giải của Lê Thành Nghị (Bóng người trong bóng núi) và Phùng Văn Tửu (Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây) cũng như Trang sách, mạch đời (Phê bình - đối thoại của Phạm Khải, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017) cho thấy niềm hy vọng tuy còn mỏng manh nhưng đáng lạc quan về một lĩnh vực sáng tạo khó khăn khi đi giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật. Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam và cả Hội Nhà văn Hà Nội (cho tiểu thuyết Búp bê của nhà văn Ba Lan thế kỷ 19, Boleslaw Prus, Nguyễn Chí Thuật dịch) cho thấy một điều căn cốt: Lâu nay văn học dịch chạy theo thị trường nên bỏ quên những tác phẩm cổ điển của văn học thế giới. Hai tác phẩm văn học cách nay hai thế kỷ lại đoạt giải thêm một lần nữa củng cố các giá trị cổ điển của sáng tạo văn chương, khi nó trở thành giá trị văn hóa toàn nhân loại.

Cần khơi dậy sức trẻ

Từ việc Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017 và rộng ra các địa phương khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng “mất mùa”, cho thấy một vấn đề: sức trẻ của văn chương chưa được khơi thông và phát huy. Nhiều người vẫn gọi Hội Nhà văn Việt Nam là “hội người già” cũng không có gì quá. Đầu năm 2017, trong một bài viết về tình hình văn học năm 2016 trên báo Công an nhân dân, chúng tôi có đưa ra con số đáng lo ngại: tuổi trung bình của tác giả nhận giải thưởng là 61,5 và năm 2017 là… 79 (!). Không phải vô cớ mà trong một hội thảo khoa học quốc gia gần đây do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức, có nhà văn đã phải bức xúc nói trên diễn đàn: đồng hành thế hệ hay là thay đổi? Tất nhiên, đồng hành hay thay đổi trong văn chương là cả một quá trình công phu, không thể một sớm một chiều nhất là với đòi hỏi phải có những tác giả, tác phẩm in dấu ấn nghệ thuật, phản ánh hơi thở thời đại. Nhưng, có vẻ như văn chương hôm nay không phải đang chậm một, mà là nhiều nhịp so với đời sống.

Phải nhìn nhận khách quan và công bằng, rằng giải thưởng không tạo nên toàn bộ giá trị văn chương, nhưng chí ít trong một thời điểm cụ thể nó có tác dụng kích cầu. Để các giải thưởng thường niên, các cuộc thi trở nên có ý nghĩa như là cơ hội tìm ra cây bút có tài cần thiết phải thay đổi phương thức tổ chức, xét chọn. Còn nếu tiếp tục theo cách làm lâu nay thì không ít chuyện eo xèo chung quanh giải thưởng; thậm chí tác phẩm dẫu được giải cũng nhanh chóng rơi vào im lặng, sớm bị quên lãng. Vấn đề quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững văn học là nhà văn. Đội ngũ của chúng ta đông đảo về số lượng, nhưng chưa hùng mạnh về chất lượng. Lao động nghệ thuật có đặc thù là mang tính cá nhân rất cao, vì thế khi nói đến việc chăm sóc tài năng là nói đến sự quan tâm từng con người cụ thể từ khâu phát hiện sớm đến quá trình bồi dưỡng, phát huy tiềm năng sáng tác. Năm 2017, Đề án Đào tạo tài năng sáng tác văn học do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, giao Trường đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện được dư luận xã hội rất quan tâm. Mong rằng, Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức văn hóa, xã hội khác cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển một thế hệ nhà văn trẻ có đủ tài đức đảm đương sứ mệnh kế tục. Một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, văn học hàng nghìn năm không thể tụt hậu trong thời hiện đại phát triển và hội nhập sâu rộng. Vấn đề là chúng ta biết cách đánh thức tiềm năng.