PGS,TS Nguyễn Văn Huy:

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ

NDO -

NDĐT – Trao đổi chung quanh việc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có niên đại 3.500 năm vừa bị san lấp, PGS,TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, đây là di chỉ có giá trị vô cùng quý giá với cả nước và Hà Nội. Việc di chỉ này bị ngang nhiên san lấp là một mất mát lớn của lịch sử dân tộc, bởi không phải nước nào trên thế giới cũng tìm được một di tích khảo cổ niên đại sâu như vậy.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy.
PGS, TS Nguyễn Văn Huy.

- PV: Thưa PGS, TS Nguyễn Văn Huy, xin ông cho biết những giá trị đặc biệt của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối ở làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội)?

- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Vườn Chuối được phát hiện và khai quật từ năm 1969, sau này mãi đến những năm 2007, 2008 mới khai quật trở lại vì nhiều lý do. Từ đó đến nay, di chỉ này được khai quật liên tiếp bảy lần liền, do Bảo tàng Nhân học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện. Hằng năm họ đưa sinh viên đến vừa thực tập vừa khai quật theo từng nhóm nhỏ.

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ ảnh 1

Hình ảnh đợt khai quật năm 2010. Ảnh do ông Nguyễn Văn Thắng, cư dân làng Lai Xá cung cấp.

Ngay từ đợt khai quật năm 2008, người ta đã nhận thấy giá trị rất lớn của Vườn Chuối, nhưng khi đó lại rơi đúng vào thời điểm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Việc giải quyết sáp nhập này chiếm hết thời gian của những người quan tâm cho nên vào năm 2008 – 2010, GS Lâm Thị Mỹ Dung (Bảo tàng Nhân học) và báo chí đã đề nghị cần phải bảo tồn ngay nhưng lúc ấy, mọi việc lại trôi đi mất. Sau đó hằng năm họ vẫn tiếp tục khai quật nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khi ấy cũng không quan tâm và không thấy hết được đó là một di chỉ rất quan trọng đối với Hà Nội và cả nước cho nên họ bỏ qua.

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ ảnh 2

Vườn Chuối thời điểm năm 2010. Ảnh do ông Nguyễn Văn Thắng, cư dân làng Lai Xá cung cấp.

Vậy giá trị của di chỉ Vườn Chuối ở đâu? Vườn Chuối chỉ là một gò tiêu biểu trong quần thể gồm nhiều gò khác nhau, đều có dấu tích của người xưa. Đặc điểm hay nhất của Vườn Chuối là về niên đại, kéo dài từ 3.500 năm kéo dài suốt cho đến tận đầu Công Nguyên. Chúng ta có thể thấy được các nền văn hóa khác nhau ở đây, từ hậu kỳ của Gò Mun, kéo dài đến Đồng Đậu và đến tận Đông Sơn. Niên đại 3.500 năm chính là thời kỳ bắt đầu chuyển tiếp để hình thành Nhà nước Hùng Vương, và Vườn Chuối nằm đúng vào thời kỳ của thời đại Hùng Vương. Các nhà quản lý phải quan tâm đến điều này. Hà Nội có rất ít các di chỉ khảo cổ học nói về lịch sử sâu và xa đến như vậy. Ngoài Vườn Chuối thì cũng có một số di chỉ như bãi Mèn ở Cổ Loa được khai quật nhưng cho đến nay vẫn không được giữ gìn.

Giá trị thứ hai, Vườn Chuối vừa là di chỉ nơi con người sống, nhưng cũng là một di chỉ về mộ táng. Ở đây, các nhà khoa học đồng thời phát hiện cả di vật của người sống và mộ táng, các nhà khoa học đã đào được một số bộ xương, hiện nay đang đi giám định để xem con người thời đó như thế nào.

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ ảnh 3

Những mảnh gốm Đồng Đậu được tìm thấy ở Vườn Chuối. Ảnh: Bảo tàng Nhân học.

Giá trị thứ ba của Vườn Chuối là có số lượng hiện vật rất phong phú, đủ thể loại, từ đồ đá, đồ đồng, gốm, cho đến đồ gỗ. Các dụng cụ đá như rìu đá được mài rất đẹp, từ nhiều loại đá khác nhau. Đồ đồng ngoài công cụ ra còn tìm được cả khuôn đúc đồng, để thấy rằng còn đây chính là nơi mà người ta đã tạo ra sản phẩm đồng. Có những hiện vật đồng như một tấm hộ tâm, người ta đeo để bảo vệ mình như áo giáp. Đồ gốm, tiền cổ cũng được tìm thấy rất nhiều. Ngoài ra, đồ gỗ cũng còn một số hiện vật, đang được Bảo tàng Nhân học đưa đi giám định niên đại.

- PV: Có những giá trị đặc biệt như vậy, nhưng phải đến khi người dân địa phương, những người quan tâm hoặc các nhà khoa học gióng lên hồi chuông báo động hoặc kêu cứu cho Vườn Chuối thì nhà quản lý mới có chút động thái. Vậy theo PGS,TS, đó là do nhà quản lý không hiểu hết giá trị của di sản hay họ không quan tâm?

- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Luật Di sản hiện nay yêu cầu tất cả các địa phương, các tỉnh thành phải lên một quy hoạch về khảo cổ học để đánh dấu những điểm khảo cổ học cần phải bảo vệ hoặc lưu ý khi xây dựng. Nhiều tỉnh thành đã làm rất tốt.

Thứ hai, Luật Di sản cũng xác định rất rõ, mỗi khi xây dựng mà làm phát lộ một di tích khảo cổ học thì phải có biện pháp lưu giữ. Vấn đề là ở Vườn Chuối đã phát lộ từ rất lâu và liên tục suốt 10 năm qua, báo chí cũng liên tục đề cập tới, vậy nguyên nhân ở đâu?

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ ảnh 4

Vườn chuối hiện nay bị bao phủ bằng lớp phế thải, rác thải. Ảnh: Tuyết Loan

Tôi cho rằng nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý văn hóa không quan tâm thực sự. Không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp, mà trước hết các cơ quan quản lý văn hóa phải nhận thức được đây là những giá trị vô cùng quý của quốc gia và Hà Nội. Một di chỉ 3.500 năm là kho tàng, báu vật đối với những nước biết giữ gìn, khai thác, biến nó thành một điểm văn hóa để người dân có thể đến xem, chiêm ngưỡng và tự hào. Nhưng chúng ta có mà lại không quan tâm, chính vì thế hầu hết những di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật đến nay đều không giữ được.

Hiện nay, hầu hết các di chỉ khảo cổ được khai quật lên, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại cơ bản là bị san lấp và coi như xong. Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Điều này không biết người ta có nhìn thấy hay không, hay nhìn mà không thấy.

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ ảnh 5

Vườn Chuối bị san lấp.

- PV: Vậy theo PGS,TS, chúng ta cần phải làm gì để cứu vãn một di chỉ khảo cổ quý như vậy?

- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Việc cần làm bây giờ là phải tôn vinh và phát huy giá trị khai quật của khảo cổ học tốt hơn. Không chỉ là di chỉ khảo cổ học. Chúng ta còn sờ sờ di tích Cổ Loa, một di tích vào đầu Công Nguyên, vẫn còn đủ thành quách nhưng hiện tại đang bế tắc, không hoạt động du lịch được, không có khách đến thăm. Vì những người làm văn hóa không biến nó thành nguồn lực và sức mạnh kinh tế. Vậy thì lỗi ở ai, ở những người làm công tác quản lý, từ cấp Bộ cho đến cơ sở. Tại sao lại không thể tác động được với cấp thành phố, đương nhiên là có khó khăn, nhưng sao không làm.

Chúng ta có nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại sâu, nhưng không được giữ gìn. Đúng ra chúng ta có thể biến những di chỉ này thành công viên di sản, nơi người dân có thể đến tham quan, tìm hiểu. Có thể làm các bảng pano, hệ thống thông tin, triển lãm, để người ta đi dạo và đọc, xem hình ảnh của hiện vật, kể ý nghĩa của di chỉ này. Nếu nhà quản lý văn hóa quan tâm thì phải làm được điều đó. Như ở Phú Thọ, có rất nhiều di chỉ, nhưng mối quan tâm của ngành văn hóa chủ yếu tập trung ở Đền Hùng và hát xoan, còn những di chỉ khảo cổ gần như bị lãng quên, hoặc người ta không biết cách làm nổi bật những di chỉ này lên.

Một thí dụ điển hình là di chỉ khảo cổ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, sau khi khai quật đã được biến thành điểm tham quan nổi tiếng, trung tâm du lịch, thu hút rất đông du khách. Chúng ta có cả những di chỉ mấy nghìn năm như thế, mà bây giờ để người ta san ủi, để nó chết đi, đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Xin cảm ơn PGS,TS Nguyễn Văn Huy!

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm kêu cứu

Yêu cầu kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ Vườn Chuối