Tự điều chỉnh hành vi

Thời gian qua, tình trạng đăng thông tin sai sự thật trên Facebook về dịch Covid-19 xuất hiện tại nhiều tài khoản của mạng xã hội này, gây hoang mang dư luận. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã xử phạt hành chính hàng trăm trường hợp có hành vi tung tin giả gây hoang mang trong chống dịch, với mức tiền từ 10 -12,5 triệu đồng/trường hợp, thế nhưng vẫn có nhiều người vì kém hiểu biết, sĩ diện, câu view (tăng lượng truy cập), trục lợi mà đưa tin giả trên mạng xã hội.

Ngày 15-4, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với một chủ cửa hàng do đăng thông tin sai sự thật trên Facebook nhằm tăng view để bán hàng online. Trước đó, tối 6-4, bà Nguyễn Thị Hồng Ng., chủ cửa hàng Happy Floral đã đăng trên Fanpage Happy Floral thông tin “Chính thức: thực hiện giãn cách xã hội hết 30-4. Quyết định này vừa được đưa ra trong cuộc họp chiều nay 6-4...”. Hành vi đưa thông tin sai sự thật này đã vi phạm điểm D, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng. Đáng nói, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhiều lần mời bà Ng. đến làm việc, nhưng chủ Fanpage này tìm mọi lý do không chấp hành và không tự gỡ bỏ thông tin đăng tải. Sau nhiều lần áp dụng biện pháp nghiệp vụ, tại buổi làm việc ngày 14-4, bà Ng. mới chịu thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên tài khoản Facebook, với mục đích nhằm câu view cho tài khoản Facebook để bán hàng. Trước đó, cơ quan chức năng đã làm việc với chị N.T.N.D (trú tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) vì hành vi tung tin đồn tại Hạ Mỗ và Liên Trung có người nhiễm Covid-19. Tại cơ quan công an, N.T.N.D đã thừa nhận do muốn gây sự chú ý của mọi người để bán khẩu trang.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có gần 10 trường hợp người dùng mạng xã hội tung tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, bị cơ quan chức năng xử lý. Số tiền xử phạt lên tới gần 100 triệu đồng. Trong một tháng qua, các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã thuộc Công an thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý gần 60 trường hợp tung tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19. Cũng trong một tháng, cơ quan chức năng ở tỉnh Gia Lai đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp đăng tải thông tin sai về dịch bệnh trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Số tiền xử phạt hành chính mỗi đối tượng từ 1,2 triệu đến hơn 12 triệu đồng/trường hợp.

Chuyện tin đồn, rỉ tai thông tin sai sự thật là điều không mới. Người ta gọi nôm na là tin vịt, tin đồn nhảm, tin đặt điều, bịa chuyện. Trong đời sống xóm làng xưa kia, chuyện tin vịt, tin đồn vốn dĩ là một vấn nạn gây ra nhiều rối loạn, do những kẻ vô công rỗi nghề với thói tật ngồi lê đôi mách loan ra. Thông tin sai lệch với một chút ác ý có thể hủy hoại danh tiếng và cả cuộc đời của một con người. Ngày nay, khi in-tơ-nét và mạng xã hội bùng nổ, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, người ta có thể cập nhật tin tức mọi lúc, mọi nơi, tin giả càng trở nên nguy hiểm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, “dịch tin giả” cũng theo đó mà hoành hành. Ai cũng muốn làm nhà đưa tin nhanh nhất và nóng (hot) nhất. Cả khi tin tức chưa được xác minh và chính bản thân mình cũng chưa cân nhắc được những thiệt hại có thể gây ra, người ta vẫn cho phép mình đăng tải và phát tán tin tức. Mỗi cái nhấp chuột trên mạng xã hội có khả năng mang lại một phần nhỏ lợi nhuận và uy tín cho một bài viết và một tài khoản Facebook, Zalo. Càng được nhiều người để mắt đến, càng dễ kiếm được tiền từ nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội...

Tiền nhân đã dạy “một lời nói dối, sám hối bảy ngày”, bất cứ một lời nói dối nào cũng có tác hại như một loài cỏ độc, bám rễ và ăn sâu trong tâm hồn của người dung dưỡng nó. Nhưng bị bào mòn và hủy hoại trước tiên không phải là những nạn nhân của lời nói dối, mà chính là nhân cách của người nói dối. “Ngậm máu phun người, mồm ta bẩn trước” - câu thành ngữ của cha ông nhắc mỗi chúng ta biết điều chỉnh hành vi của mình trong “thời dịch Covid” này.