Tìm lại những vở chèo cổ: Cần có quy chế khuyến khích người sưu tầm

Tìm lại những vở chèo cổ: Cần có quy chế khuyến khích người sưu tầm

* Hiện tại, chèo cổ Việt Nam còn được bao nhiêu vở?  

- Từ trước tới nay, bảy vở chèo cổ tồn tại chính thức là: Kim Nham, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần, Trinh Nguyên, Từ Thức. Ngoài ra có thể bổ sung Súy Vân - vốn là dị bản của Kim Nham nhưng được công nhận bởi những nét độc đáo riêng, gần như đối lập hoàn toàn với bản gốc.

Tuy nhiên, theo tôi biết, trong dân gian vẫn còn tồn tại một số vở chèo cổ khác. Cụ thể, trong tay tôi đang có hai kịch bản Bích câu kỳ ngộTô Thị vọng phu. Đặc biệt, kịch bản Bích Câu kỳ ngộ là sách in từ trước 1945 , trên đó có ghi rõ "sách này được liệt kê để dùng trong các trường trung học.

* Những kịch bản này được tìm thấy như thế nào?

- "Chúng tôi tìm đến gia đình của một số nghệ nhân hoặc soạn giả chèo. Chẳng hạn như bà Hạc Đính - vợ cố nhà thơ, soạn giả Trần Huyền Trân hay gia đình tác giả Lưu Quang Thuận. Các cụ sưu tầm từ thời xưa, cất giữ cẩn thận lắm. Ngoài kịch bản, còn có cả những điệu chèo, trò diễn được chép tay rất công phu.

Chẳng hạn, bà Hạc Đính đưa cho tôi một mảnh giấy bằng bàn tay, trên đó có miếng “Lưu Bình trò” - một lớp diễn rất độc đáo mà chưa hề thấy xuất hiện trong Lưu Bình Dương Lễ. Hoặc tương tự là màn “Quỷ đực, quỷ cái” - nghe nói nằm trong kịch bản Trương Viên .

* Vấn đề bản quyền có được đặt ra cho những bản sưu tầm ấy không?

- Đáng buồn là chúng ta vẫn chưa có một quy chế nào cho những bản sưu tầm của các nghệ nhân này. Tất nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng gửi họ chút quà cảm ơn. Thực ra, gia đình các nghệ nhân đều rất rộng rãi trong chuyện này.

Bà Hạc Đính còn bảo: “Ông nhà tôi nằm xuống, cả một bụng chữ cũng chẳng mang theo được. Còn được chút gì, các anh cứ xem, cứ chép - kẻo phí mất tâm nguyện của ông ấy.

Cũng có trường hợp khó xử như cố nghệ nhân chèo Khắc Ban ở Thái Bình. Dăm năm trước, cụ nhận lời về dạy cho lớp trẻ trong Nhà hát. Cụ giữ khư khư một cuốn sổ dày, chép toàn những điệu chèo rất "độc", khi ngủ luôn gối dưới đầu. Năn nỉ thế nào cũng bị xua đi, cánh diễn viên trẻ đành chuốc rượu cho cụ say, rồi vác cuốn sổ đi photocopy. Thôi thì trăm lạy hương hồn cụ, chúng con cũng chỉ vì nghề...

* Vậy theo anh, việc tiếp tục tìm kiếm các bản chèo cổ trong dân gian có khả thi không?

- Chưa nói tới kịch bản, các dị bản hay làn điệu, lớp trò của chèo cổ vẫn còn thiếu nhiều lắm. Không sưu tầm đủ những thứ ấy thì khó mà nắm vững cái gốc để dựng lại một vở chèo cổ được. Chẳng hạn, dân gian đồn rằng chèo cổ có chừng 200 làn điệu, trong khi kho tàng lưu trữ của chúng ta mới chỉ tìm được phần nào.

Bỏ công sưu tầm thì chỉ riêng một đơn vị không làm nổi. Còn ở phía ngược lại, người ta bỏ cả đời sưu tầm, thu gom các tài liệu chèo cổ mà không được hưởng chính sách hỗ trợ gì thì cũng khó.

Chẳng hạn, tôi biết Thái Bình có gia đình năm đời truyền lại một điệu “Quân tử vu dịch” với nhiều nét riêng. Ở Bắc Ninh, một số người sưu tầm được điệu “Hạ vị” với những kiểu ngâm, vỉa, ví, mồi rất độc đáo. Ngay ở Hà Nội có nhạc sĩ Trần Vinh của Nhà hát Chèo Trung ương là người bỏ công cả một đời tìm kiếm được 172 làn điệu chèo cổ. Giá như có một quy chế nào để công nhận vai trò của họ, hẳn sự nhiệt tình sẽ tăng lên rất nhiều...