Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho Quỹ Hỗ trợ điện ảnh

NDO -

NDĐT – Đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ điện ảnh đã được soạn thảo từ năm 2010, trình lên Thủ tướng Chính phủ hai lần nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động do một số vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là quy định pháp lý đối với việc xác định nguồn vốn cho Quỹ. Trong buổi đóng góp ý kiến đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ý kiến đã đề cập đến sự chậm trễ của Quỹ và đưa ra những kiến nghị để nhanh chóng đưa Quỹ vào vận hành.

Các LHP lớn thường là nơi các nhà làm phim trẻ lựa chọn để giới thiệu dự án và tìm nguồn tài trợ. Ảnh: FB nhân vật
Các LHP lớn thường là nơi các nhà làm phim trẻ lựa chọn để giới thiệu dự án và tìm nguồn tài trợ. Ảnh: FB nhân vật

Vướng mắc trong quá trình xây dựng Đề án

Đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ điện ảnh bắt đầu được soạn thảo từ năm 2010, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lên trình Chính phủ vào tháng 12-2010, tuy nhiên sau khi có một số ý kiến đóng góp của Vụ Kinh tế Tổng hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ đã có công văn đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục chỉnh sửa và giải trình một số nội dung.

Tháng 12-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục trình Chính phủ lần thứ 2 Đề án này. Tuy nhiên, tháng 2-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã có ý kiến về việc rà soát, chỉnh sửa để làm rõ một số nội dung nhằm bảo đảm tính khả thi của Quỹ.

Đến đầu năm 2017, Cục Điện ảnh đã soạn thảo lại Đề án và hoàn thành Dự thảo lần thứ 3 để xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và trình Bộ trưởng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong quá trình soạn thảo Đề án là xác định nguồn thu ổn định để Quỹ tồn tại và phát huy được hiệu quả.

Theo Đề án, dự kiến Quỹ sẽ có khoảng 100 tỷ đồng do Thủ tướng trích ngân sách nhà nước để cấp một lần cho Quỹ khi thành lập, đây sẽ là nguồn thu thứ nhất. Nguồn thu thứ hai được xác định từ phát hành và phổ biến các phim được đặt hàng và sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ chi phí. Tuy nhiên, đây lại là nguồn thu rất không ổn định, có nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng phim rất hạn chế, thậm chí nhiều năm gần đây không có phim do Nhà nước đặt hàng. Trong năm năm gần đây, chỉ duy nhất “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng (thu lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng). Nguồn thu thứ ba được xác định từ các khoản tài trợ, quyên góp của các tổ chức, cá nhân. Đây cũng là nguồn thu không ổn định. Nguồn thu thứ tư được tính từ việc trích tỷ lệ từ doanh thu vé rạp tại các rạp chiếu. Đây mới là nguồn thu chính, ổn định và hiệu quả nhất đối với Quỹ.

Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, Luật Điện ảnh không quy định việc trích tỷ lệ phần trăm từ doanh thu vé rạp vào Quỹ , chính vì thế chưa thể thành lập Quỹ.

Ngoài ra, TS Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, trong kỳ họp mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị rà soát lại các quỹ, quỹ nào không phù hợp thì bỏ. Đây cũng là khó khăn cho Quỹ, và ngành Điện ảnh cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải chứng minh sự quan trọng của Quỹ đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh nước nhà để có thể đưa Quỹ vào hoạt động.

Tìm cách tháo gỡ

Là một trong những người gắn bó lâu dài với quá trình soạn thảo, chỉnh sửa đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ điện ảnh, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh đã rất trăn trở. Ông đề xuất cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn hoạt động của Quỹ theo hướng trích tỷ lệ nhất định trên doanh thu chiếu phim tại các rạp và nguồn thu từ phát hành, phố biến các phim có sử dụng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, có thể trích thêm từ việc thu phí thẩm định và phân loại phim, phí thẩm định cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nguồn thu từ việc kinh doanh phát hành, phổ biến phim trên mạng của các nhà phát hành phim có máy chủ đặt tại Việt Nam và tại nước ngoài.

Đóng góp ý kiến vào việc khẳng định cần thành lập Quỹ, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, ngoài việc đề nghị sửa Luật Điện ảnh để có thể trích tỷ lệ phần trăm từ phổ biến phim, cũng cần tận dụng các nguồn đóng góp từ xã hội, nhưng cần có cơ chế rõ ràng và có khẳng định quyền lợi cho bên đóng góp. Bên cạnh đó, ngoài việc ổn định nguồn thu, cũng phải xác định rõ ràng hoạt động của Quỹ sau khi đi vào vận hành là như thế nào.

Cũng đề cập đến Quỹ Hỗ trợ điện ảnh, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho rằng, việc thành lập Quỹ là rất cần thiết đối với các dự án phim nghệ thuật, giải tí có tính nhân văn, có sự tìm tòi, sáng tạo. Quỹ cũng là một “cánh cửa mở rộng” khi các điều kiện để lựa chọn phim Nhà nước đặt hàng đang khá chặt chẽ.

Nếu Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được đưa vào hoạt động, nhiều dự án phim nghệ thuật sẽ được nâng đỡ, và không phải long đong lận đận đi tìm nguồn kinh phí sản xuất phim như hiện nay. Phim nghệ thuật cũng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, đó là điều mà không chỉ các nhà quản lý mà các nhà làm phim cũng mong mỏi, chờ đợi bao năm nay.