Tạo điểm nhấn mới cho sân khấu

Trong giai đoạn khó khăn chung của toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sân khấu kịch đã có những nỗ lực đáng kể nhằm duy trì hoạt động nghề nghiệp và thu hút khán giả.

Ðáng chú ý, đầu tháng 9-2020, Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) đã cho ra mắt hàng loạt vở nhạc kịch mang không khí trong trẻo, tươi vui do đội ngũ nghệ sĩ trẻ và các em học sinh biểu diễn. Ðây vừa là dấu ấn lao động nghệ thuật với tinh thần sáng tạo, đồng thời cũng góp phần tiếp lửa cho niềm đam mê sân khấu của thế hệ trẻ.

Trong hai tối 6 và 7-9 tại Nhà hát Tuổi trẻ, vở nhạc kịch Cô bé bán diêm (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ðan Mạch Han-xơ Crít-xtian An-đéc-xen) do hơn 40 em học sinh biểu diễn bằng tiếng Anh đã bán được 98% lượng vé phát hành, một tín hiệu đáng mừng cho nhà hát trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách này. Hầu hết các diễn viên tham gia vở nhạc kịch đều là học sinh tiểu học, trung học, chưa từng học diễn kịch, thanh nhạc, vũ đạo… nhưng sau sáu tháng luyện tập vào dịp cuối tuần với sự trao đổi, hướng dẫn của đạo diễn, biên kịch, các em đã tạo nên vở diễn hoành tráng, công phu, sôi động. Ðây là dự án nghệ thuật do bà Hoàng Thu Hường làm Giám đốc sản xuất, kết hợp các nhóm nghệ thuật cộng đồng về hợp xướng, nhạc kịch. Ðại diện ê-kíp tổ chức chia sẻ, mục đích của dự án là mong muốn mang đến cho các bạn trẻ môi trường giáo dục toàn diện thông qua nghệ thuật. Loại hình nhạc kịch đã được dự án triển khai ba năm nay, thu hút khoảng 300 học sinh từ nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô. Những hoạt cảnh vui nhộn, chi tiết, tinh tế về những dáng dấp bé bỏng, lom khom của các cô bé, cậu bé nghèo đi gom đồ thừa trong đêm Giáng sinh, ước mơ của cô bé bán diêm giữa bao la tuyết trắng... đã xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch với nét diễn và thanh âm hồn nhiên, mộc mạc, lay động lòng người như ý nghĩa vốn có của tác phẩm.

Trong tháng 9, Nhà hát Tuổi trẻ cũng dàn dựng nhiều tác phẩm khác dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên như: Trại hoa vàng, Cô gái và chiếc xe máy… Vở nhạc kịch Trại hoa vàng (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) ra mắt vào 20 giờ ngày 13-9 với sự tham gia của đội ngũ diễn viên trẻ Nhà hát Tuổi trẻ hứa hẹn đem đến cho công chúng không khí trẻ trung, ấm áp. Ðạo diễn vở nhạc kịch - NSƯT Ánh Tuyết cho biết, vở nhạc kịch bám theo cốt truyện nhưng đan cài thêm câu chuyện hướng nghiệp, sự lựa chọn tương lai của những người trẻ. Ðây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể sang nhạc kịch. Trước đó, một số tác phẩm của ông, như: Thằng quỷ nhỏ, Chuyện xứ Lang Biang, Nữ sinh, Phòng trọ ba người, Cô gái đến từ hôm qua, Thiên thần nhỏ của tôi... đã tạo ấn tượng tốt đẹp trên sân khấu kịch nói. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất ủng hộ dự án dài hơi của Nhà hát Tuổi trẻ, dành thời gian xem kịch bản chuyển thể và bày tỏ mong muốn ê-kíp luôn giữ được tinh thần của tác phẩm văn chương trong quá trình sân khấu hóa. Ðại diện Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, ngay khi vé mới được mở bán qua kênh online (trực tuyến), đã có lượng lớn khán giả đặt mua và dự kiến các suất diễn của đơn vị sẽ đạt khoảng 2/3 số vé công bố. Tính từ cuối năm 2019 đến đầu 2020, nhà hát đã có quá trình nỗ lực liên tục, luôn trong trạng thái sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ khán giả. Mảng nhạc kịch là nét mới được tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả. Dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt bộ ba nhạc kịch: Cuộc chiến vô cực, Trống choai đi đâu thế và Hai cây phong. Ðây là những vở diễn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ giữa năm 2019 và ngay khi hết giãn cách xã hội đợt một, nhà hát nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tập trung nghệ sĩ để triển khai 20 suất diễn liên tục trong vòng 3 đến 4 ngày, bảo đảm sân khấu luôn sáng đèn, doanh thu nhà hát ổn định.

Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh, một số nhà hát, sân khấu kịch đã có sự chủ động phối hợp các đơn vị khác, tạo ra điểm nhấn mới mẻ, hấp dẫn khán giả. Tinh thần miệt mài, hăng say ấy tạo nên luồng gió mới, tác động tích cực vào khoảng trống của sân khấu những năm gần đây. Ðáng chú ý, các vở nhạc kịch tiếng Anh hay sự tham gia của đội ngũ nghệ sĩ trẻ, học sinh đã làm nên nét mới mẻ của nghệ thuật biểu diễn và tác động tới nhu cầu thưởng thức sân khấu của công chúng. Giới chuyên môn nhận định, điều quan trọng tạo nên sức hút, thành công ở một số nhà hát trong thời gian gần đây đó chính là tinh thần nỗ lực, sáng tạo không ngừng và chọn ra được giải pháp dài hơi, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Ðó cũng là gợi ý, động lực cho nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn vượt khó, chinh phục khán giả bằng tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp.