Tăng tốc chuyển đổi số trong ngành du lịch

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng, đồng thời cho thấy cách quản lý và kinh doanh truyền thống đã không đủ khả năng chống chọi, phải có sự chuyển đổi số ngay để thúc đẩy doanh nghiệp, cơ quan quản lý nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh duy trì hoạt động và phát triển.

 Theo dự báo mới nhất, dịch Covid-19 làm thiệt hại cho du lịch toàn cầu năm nay khoảng 1.000 tỷ USD; và làm du lịch Việt Nam thiệt hại hơn 61% doanh thu so với năm 2019. Thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 càng đòi hỏi ngành du lịch phải thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của ngành. Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ số tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng, cá nhân hóa các gói dịch vụ và ưu đãi dựa trên sở thích của khách hàng tốt hơn; đồng thời tiết giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, giúp tương tác, chăm sóc khách hàng trực tiếp và từ xa, quy trình làm việc khoa học, nhanh gọn, hiệu suất cao... qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong nước, tạo ra những thay đổi tích cực hơn cho cả khách hàng và doanh nghiệp du lịch. Ở góc độ khách hàng, giờ đây, thay vì phải đến công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tua, dịch vụ du lịch, thì chỉ bằng chiếc điện thoại di động thông minh sử dụng các ứng dụng số, họ có thể thực hiện một loạt các hoạt động từ việc lên kế hoạch cho chuyến đi, lựa chọn phương tiện di chuyển, đơn vị lữ hành đến đặt phòng khách sạn và nhận ưu đãi sau chuyến đi...
 
 Mới đây, ngành du lịch Việt Nam đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Ứng dụng này nhắm vào đối tượng hơn 43 triệu người dùng điện thoại di động thông minh. Đây là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch; đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai. Ứng dụng cũng được coi là một trong những hoạt động chuyển đổi số thiết thực của cơ quan quản lý nhà nước ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Tổng cục Du lịch triển khai ngay các giải pháp, như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho tiếp thị du lịch; quản lý điểm đến du lịch thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu lớn để đưa vào sử dụng chung; kêu gọi các doanh nghiệp cùng hưởng ứng sáng tạo; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp, mọi ngành, để hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam...
 
 Quá trình chuyển đổi số ở nền kinh tế nước ta vẫn đang vận động, có điều tốc độ nhanh hay chậm bên cạnh sự quyết liệt của các cấp, ngành còn phụ thuộc năng lực, ý thức trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại... do đó, việc chuyển đổi số của ngành đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.
 
 Việt Nam hiện có gần 44 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh; số người dùng in-tơ-nét đã hơn 67 triệu; số người tham gia mạng xã hội gần 66 triệu; số lượng kết nối dữ liệu di động (mạng điện thoại di động) là 145 triệu... Đó chính là điều kiện, tiền đề để chuyển đổi số ở tất cả các ngành, nhất là ngành du lịch. Ở góc độ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ tháng 6-2020. Theo đó, Việt Nam hướng tới trở thành nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025... Đây cũng là hành lang và sự hậu thuẫn quan trọng cho các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Và, chính dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực ghê gớm của nó lại trở thành “cú huých” mạnh mẽ để quá trình chuyển đổi số ở ngành du lịch nhanh hơn và sâu sắc hơn nếu chúng ta biết tranh thủ và tận dụng hiệu quả cơ hội từ tình hình thực tế này.