Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Sau “phong trào” lễ lạt

Thời gian qua, tình trạng tổ chức tràn lan lễ kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống, festival… ở nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã trở thành “phong trào”; kéo theo đó là không ít sự rình rang, tốn kém; chưa nói đến những khuất tất phía sau. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù sử dụng ngân sách hay xã hội hoá, đó vẫn là sự lãng phí nguồn lực của quốc gia, của xã hội.

Nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng, tốn kém. Ảnh minh họa.
Nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng, tốn kém. Ảnh minh họa.

Nợ “khủng” vẫn kỷ niệm hoành tráng

Không dễ thống kê hết mỗi năm nước ta có bao nhiêu ngày kỷ niệm; từ trung ương, các bộ, ngành tới địa phương. Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những ngày này cũng là dịp để các đơn vị “ôn cố tri tân”, ghi nhận công lao, đóng góp của thế hệ đi trước và rút ra bài học kinh nghiệm cho sự phát triển trong tương lai. Song, nhìn vào không ít lễ kỷ niệm hiện nay, thấy những ý nghĩa tốt đẹp thì ít, mà hầu hết là sự phô trương lãng phí; theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Đó là tình trạng sân khấu hóa lễ kỷ niệm với âm thanh, ánh sáng hiện đại và sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên cùng hàng nghìn khách mời. Nhiều chương trình có cả bắn pháo hoa, truyền hình trực tiếp chi phí lên tới nhiều tỷ đồng. Và thường bên cạnh sự kiện chính như mít-tinh hay chương trình biểu diễn nghệ thuật, còn có những hoạt động nhằm giới thiệu về thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành, đơn vị; tổ chức thi đấu thể thao, triển lãm nghệ thuật, lễ hội hay tiệc tùng, giao lưu; đón tiếp khách nơi xa với phương tiện đi lại, chỗ ăn, nghỉ kèm theo không ít kinh phí…

Một trong những hình thức lãng phí là quà tặng. Không ít lễ kỷ niệm được tổ chức ồn ào, rình rang, trong túi quà tặng đại biểu thường có sách, kỷ yếu, kỷ niệm chương, bộ ấm chén, cặp... được in những dòng chữ ghi nhớ ngày thành lập, kỷ niệm. Gần đây, một số vụ việc nổi cộm khiến dư luận chú ý cũng là từ số tiền quà tặng “khủng”. Đó là câu chuyện ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), khi trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập (cuối năm 2016), lãnh đạo Tập đoàn chủ trương tặng mỗi cán bộ, công nhân viên một kỷ niệm chương bằng bạc do một đơn vị trong tập đoàn chế tác, có đơn giá 640.000 đồng. Với khoảng 120.000 lao động, số tiền quà tặng lên tới hơn 70 tỷ đồng. Món quà khiến hầu hết những người nhận không mặn mà, bởi chỉ có tác dụng… để ngắm. Trong khi báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra TKV năm 2015 về tình hình kinh doanh của công ty mẹ tập đoàn và năm công ty thành viên cho kết quả tổng nợ phải trả lên tới 100 nghìn 343 tỷ đồng; trong đó, nợ ngắn hạn là 37 nghìn 609 tỷ đồng, nợ dài hạn là 62 nghìn 734 tỷ đồng (!).

Cần có hành lang pháp lý

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 15-3-2017, chi thường xuyên của cả nước lên tới 173,2 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi và gốc tới 61,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi đầu tư chỉ đạt 32,6 nghìn tỷ đồng. Tổng chi tiếp tục lớn hơn tổng thu, khi lên tới 229,1 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng thu đạt 216,7 nghìn tỷ đồng. Chi thường xuyên quá lớn, trong đó có đóng góp không nhỏ của các khoản chi cho các lễ kỷ niệm, khánh tiết. Ngày 31-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 398/QĐ-TTg ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Trong đó phấn đấu tiết kiệm ít nhất 12% các khoản kinh phí chi cho hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, kỷ niệm… Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng của quốc gia… Đây là một quyết định rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách còn hoang phí ở nhiều nơi. Vì vậy, những lễ lạt, kỷ niệm rầm rộ, tốn kém, lãng phí vừa qua ở một số địa phương, bộ, ngành cần được chấn chỉnh để góp phần thực hiện hiệu quả chương trình.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 200 ngày thành lập, tái lập, ngày truyền thống, trong đó: kỷ niệm cấp quốc gia có bảy ngày; ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày; ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày; 63 trong số 63 tỉnh, thành phố có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập. Việc tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống thời gian qua vẫn chưa có văn bản pháp lý với những quy định cụ thể trong thực hiện; mỗi cơ quan, đơn vị có cách thức tổ chức khác nhau, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”; vì vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nhiều đơn vị tự tổ chức quy mô lớn, nghi thức rườm rà, số lượng khách mời quá đông, gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng xấu trong dư luận. Do đó, ban hành Nghị định về ngày truyền thống, ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương để tạo cơ sở pháp lý, nhằm khắc phục những hạn chế, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay là hết sức cần thiết. Hiện dự thảo Nghị định do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, dự thảo Nghị định lần đầu tiên đã đưa ra những quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, quy định chi tiết về quy mô, nghi thức cũng như quy trình buổi lễ và thành phần, số lượng khách mời. Theo dự thảo, việc công nhận các ngày thành lập, ngày truyền thống là thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (trước đây, việc này do nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau công nhận). Thành phần, số lượng khách mời cũng được quy định cụ thể, như: chỉ một trong bốn lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước dự; không quá 300 đại biểu khi tổ chức buổi lễ trong hội trường, không quá 500 đại biểu khi tổ chức ngoài trời... Đáng lưu ý, Nghị định nghiêm cấm việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi chưa được các cấp có thẩm quyền công nhận; hoặc tổ chức gây lãng phí, tốn kém.

Trong khi chờ Nghị định được ban hành và đi vào thực tế, thiết nghĩ, mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương cần nhìn lại những hạn chế, yếu kém của “phong trào” lễ lạt thời gian qua; chủ động có những quyết định, việc làm phù hợp nhằm khắc phục tình trạng phô trương, lãng phí, phát sinh tiêu cực; để việc tổ chức các ngày kỷ niệm được tiết kiệm, lành mạnh và thật sự ý nghĩa.