Sân khấu “hậu Covid-19”

NDO -

Khán giả ngồi kín rạp, những tràng pháo tay vang lên rộn rã ở mỗi cảnh hay, những bó hoa chúc mừng nghệ sĩ, diễn viên… tất cả những điều đó là mơ ước của bất kỳ nhà hát nào.

Vở "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát múa rối Việt Nam.
Vở "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát múa rối Việt Nam.

Và bây giờ mơ ước đó đang được biến thành hiện thực nhờ nỗ lực của các nhà hát sau chủ trương “Đưa sân khấu đến gần với khán giả” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi ở Việt Nam.

Vở rối “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát múa rối Việt Nam đã từng được giới thiệu tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế và giành được HCV cho vở diễn xuất sắc, Giải đạo diễn xuất sắc, Giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, hai HCV cho diễn viên xuất sắc, năm Huy chương Bạc cho các diễn viên. Tuy nhiên, phải đến tháng 6 năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam, vở diễn mới chính thức có cơ hội ra mắt khán giả.

Thời điểm “Thân phận nàng Kiều” chính thức đến với khán giả cũng là khoảng thời gian mà nhiều nhà hát trong cả nước hưởng ứng chủ trương “Đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ cuối tháng 5. Hàng loạt vở diễn sẽ lần lượt được các nhà hát đưa ra giới thiệu với khán giả trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8. Chủ trương này nhằm tạo thói quen cho khán giả đến thưởng thức nghệ thuật trực tiếp tại các sân khấu. 

Ở đêm ra mắt “Thân phận nàng Kiều”, khán giả đã đến khá đông. Một vở diễn mặc dù lấy câu chuyện từ bản gốc văn học vô cùng quen thuộc, nhưng dưới bàn tay của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng và các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam, đã trở nên mới lạ và hấp dẫn, qua sự thể hiện của các con rối kết hợp với diễn viên. Những tràng pháo tay, những tràng cười rộn rã từ những hàng ghế khán giả đã giúp cho các nghệ sĩ lấy lại cảm hứng sau một thời gian dài phải cách xa sàn diễn vì dịch bệnh. 

Vở “Bệnh sĩ” của “anh cả đỏ” Nhà hát kịch Việt Nam là vở diễn đầu tiên khai màn cho chủ trương “Đưa sân khấu đến gần với khán giả”. Đây là một trong những vở diễn rất thành công của Nhà hát, với khoảng hơn 300 buổi diễn trong và ngoài nước, nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Đêm diễn 23-5 của “Bệnh sĩ” đã thu hút rất đông khán giả đến thưởng thức. Tiếp sau “Bệnh sĩ”, các nhà hát cũng đều lần lượt giới thiệu các tác phẩm của mình, như "Sự trở lại của cướp biển 2020" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, buổi diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chương trình "Tháng 6 trời mưa" của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, vở "Chuyện tình Khau Vai" của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở "Hồ thiên nga" của Nhạc vũ kịch Việt Nam, chương trình "Mặt trời Phương Đông" của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, vở “Vân dại” của Nhà hát chèo Việt Nam…

Điểm khác biệt so với những đêm diễn hoặc chương trình thông thường không chỉ ở chỗ các vở diễn, chương trình quay trở lại với khán giả sau một thời gian dài giãn cách xã hội, mà còn ở chỗ đây đều là những tác phẩm có chất lượng cao, được các nhà hát, đơn vị đầu tư công phu. Chủ trương “Đưa sân khấu đến gần với khán giả” không chỉ là một cú hích giúp cho các nhà hát khởi động và tăng tốc sau thời gian giãn cách xã hội, mà còn là cơ hội để các nhà hát tự rà soát lại, nâng cao chất lượng các vở diễn.

Lâu nay, các nhà hát vốn phải vật lộn để cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại, tiện nghi. Hàng loạt vở diễn chất lượng, được đầu tư công phu từ nội dung, kịch bản, diễn viên cho đến trang phục, bài trí sân khấu… sẽ là một điểm nhấn thu hút sự chú ý của khán giả để họ quan tâm hơn đến sân khấu. Nhiều nhà hát còn mong muốn sẽ có thêm nhiều hơn các buổi biểu diễn chất lượng cao như thế này để tận dụng cơ hội, đến gần hơn với khán giả.