“Phá rào” để phong danh hiệu

NDO -

NDĐT – Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ có một Nghị quyết riêng đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Lần “phá rào” này không chỉ đem lại niềm vui cho những cá nhân được xét trao tặng danh hiệu, mà còn cho thấy sự công tâm, lắng nghe và cầu thị của cơ quan chủ quản trong chấp thuận hồ sơ và trình danh sách xét trao tặng.

Nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu NSND. Ảnh: TRẦN HUẤN
Nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu NSND. Ảnh: TRẦN HUẤN

Chiều 29-8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã diễn ra với rất nhiều điểm khác so với những lễ trao tặng trước đây. Trong đợt xét tặng danh hiệu năm nay, trong số 391 nghệ sĩ được xét trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT, có tới hơn một nửa là hồ sơ không đáp ứng được đủ tiêu chuẩn, quy định nhưng vẫn được trao, bởi vì các nghệ sĩ đó đã có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật Việt Nam.

“Phá rào” để phong danh hiệu ảnh 1

Các nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND.

Trước thềm mỗi một đợt xét duyệt hồ sơ, công luận thường nóng lên bởi có nhiều nghệ sĩ đình đám trong giới văn hóa nghệ thuật, thậm chí là gạo cội nhưng vẫn nằm ngoài danh sách hồ sơ được trình xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT. Nhiều nghệ sĩ cả trong nam và ngoài bắc đều nằm trong “dòng xoáy” của những thắc mắc, nghi ngờ và thất vọng… Trong danh sách xét duyệt hồ sơ được công bố lần đầu của đợt này, có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi không có tên, như ca sĩ Phan Muôn, ca sĩ Tô Lan Phương, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, ca sĩ Tạ Minh Tâm, ca sĩ Rơ Chăm Phiang, các nghệ sĩ điện ảnh Thụy Vân, Minh Đức, Kim Xuân, các nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn, Minh Vương, Thoại Miêu, các nghệ sĩ chèo Thanh Bình, Thanh Ngoan, Minh Thu, các nghệ sĩ kịch nói Trần Hạnh, Việt Anh…

Các nghệ sĩ này đều ở trong tình trạng hồ sơ thiếu huy chương, giải vàng tại các hội diễn, trong đó có giải quốc gia, một trong những điều kiện để xét tặng. Nhiều nghệ sĩ có thời gian cống hiến, đóng góp cho nghề gần hết nửa cuộc đời, nhưng vì không đạt tiêu chuẩn huy chương, giải thưởng nên đành ngậm ngùi ở ngoài danh sách. Bởi không phải ai cũng để tâm đến những việc thi thố, đạt thành tích, mà nhiều nghệ sĩ chỉ chuyên tâm vào cống hiến cho khán giả bằng tất cả năng lực và tâm huyết của mình.

“Phá rào” để phong danh hiệu ảnh 2

Các nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT.

Những sự bất hợp lý này đã khiến công luận phải lên tiếng, đòi hỏi có một sự công bằng đối với những nghệ sĩ đã có thời gian cống hiến lâu năm mà không đủ điều kiện. Và lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ đã có một Nghị quyết riêng đối với việc trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho cá cá nhân có nhiều cống hiến nhưng chưa đủ tiêu chuẩn theo như quy định.

Ngày 18-7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND lần thứ 9, trong đó nêu rõ “Trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Chính phủ đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” cho 50 cá nhân, phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” cho 149 cá nhân”. Và theo danh sách này, những tên tuổi gạo cội của điện ảnh, của sân khấu kịch nói, âm nhạc, cải lương, chèo… đều được đặc cách trao tặng. Lần "phá rào" nàycho thấy, nếu cứ đúng theo quy định thì sẽ có rất nhiều nghệ sĩ gạo cội phải chịu thiệt thòi. Còn nếu điều chỉnh theo hướng phù hợp với thực tế, thì dư luận lại đón nhận với sự đồng thuận và được thuyết phục.

Lễ truy tặng, phong tặng đã diễn ra. Các nghệ sĩ đều đã trải qua niềm vui, niềm hạnh phúc được đón nhận trên tay tấm bằng mà nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp. Điều đọng lại lớn nhất là sự lắng nghe, cầu thị, thay đổi để phù hợp với nguyện vọng của số đông nghệ sĩ cũng như công chúng của cơ quan chủ quản, là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mặc dù đây là đặc cách “vượt rào”, “phá rào”, nhưng sự phá rào ấy lại chính là sự công tâm và ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ tên tuổi cho nền nghệ thuật nước nhà.