Nuôi chó cần văn minh

NDO -

NDĐT - Có hai thời điểm trong ngày công viên vườn hoa đông đúc, là sáng sớm và xế chiều. Đấy cũng là khi mà công viên, vườn hoa trở thành sân chơi cho những… chú chó, khi người dân "dắt chó đi dạo". Ở Hà Nội, điểm đến thường là Công viên Thống Nhất, Vườn hoa Bách Thảo, cho đến khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang.

Chó thả rông không rọ mõm là cảnh thường thấy ở các công viên, vườn hoa.
Chó thả rông không rọ mõm là cảnh thường thấy ở các công viên, vườn hoa.

Ở đây, ta sẽ gặp không ít "quý khuyển" được phục trang sành điệu, rồi sơn móng, làm lông rất đỗi cầu kỳ. Chỉ sợi dây xích cũng đáng bạc triệu, chưa nói đến “váy áo” đủ loại. Rất dễ để phân biệt "trai - gái" (nếu lỡ miệng nói "đực - cái", hay "con chó", rất có thể bạn sẽ bị mắng là “thô tục”). Nhiều "cô chó" được mặc những chiếc váy bồng, nom yêu đến nỗi nếu bị “cô chó” cắn, chưa chắc bạn đã nỡ lòng trừng phạt. Những “cậu chó”, bảnh bao theo chiều ngược lại.

"Đi dạo" một lát, những ông bà chủ mở dây xích để những cảnh khuyển tung tăng. Chỉ chờ có thế, chúng lao đến những gốc cây, bãi cỏ thải ra chất cặn bã trong người. Tôi vẫn nể người Hà Nội tinh tế là vì thế. Ở chỗ đông người, người ta cho chó phóng uế ở một quãng đủ xa để khỏi ô danh là mình "cho chó đi dạo", nhưng đủ gần, đề phòng chúng không bị lạc.

Nếu ai đó muốn tìm một con chó đeo rọ mõm, sẽ tốn rất nhiều công sức. Thi thoảng cún cưng cao hứng nhảy cẫng lên. Khách đi bộ chạy dạt thất kinh. Và thường sẽ nhận được nụ cười rất tươi từ gia chủ: "Yên tâm, “em” không cắn ai đâu". Những người hay chạy bộ, nhất là ở hồ Hoàn Kiếm đã quen với cuộc đi dạo của chó nên thường tự động vui vẻ... nhường đường. Vì nhỡ đâu chúng lên cơn đuổi theo, tốc độ của người là sao bì được. Chưa kể, tôi từng chứng kiến một cậu bé đánh giày bị tát đến lệch quai hàm chỉ vì tội chẳng may va vào một chú chó cảnh. Có những hôm các hội chơi thú cưng lập "team" dắt chó diễu hành. Bàn dân thiên hạ được phen đã mắt ngắm cả dàn những “cậu ấm, cô chiêu” trong làng chó cảnh…

***

Những chú chó sang chảnh được “đầu tư” đến tận răng, tận móng phản ánh một xã hội đã giàu lên. Người ta yêu động vật hơn, cưng chiều chúng hơn. Người ta cũng đấu tranh với việc xâm hại loài chó, nhất là chống ăn thịt chó mạnh mẽ hơn.

Bởi thế, khi chính quyền ra tay bắt chó thả rông, năm ngoái, là ở TP Hồ Chí Minh, năm nay, quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quân làm thí điểm (sẽ tiêu hủy sau 72 giờ nếu không có người đến nhận) những lo ngại của người nuôi phần nào có thể cảm thông. Những chú chó được mua về bằng tiền triệu. Mỗi tháng, chi phí cho thức ăn, tỉa lông, spa, làm đẹp… có khi cũng đạt đến sáu số 0. Cún cưng là người bạn thân. Còn gì buồn hơn khi bỗng dưng một ngày kia, nó “ra đi không trở về”, và rất có thể bị tiêu huỷ ở đâu đó… Nhiều người la lên: "Con chó có làm nên tội tình gì đâu mà bắt?"; "Đem thiêu hủy thú cưng có phải ác quá không?"... Có những cái miệng rất xinh đã tuôn ra ngôn từ hôi thối về đội bắt chó thả rông.

Nuôi chó là chuyện nhỏ. Nhưng nó phản ánh một câu chuyện lớn. Quy định về rọ mõm, không để chó thả rông, phóng uế, về việc đi ra nơi công cộng phải có dây xích… đã ra đời cách đây cả chục năm, với những mức phạt cụ thể cho từng loại vi phạm. Nhưng phần nhiều không ai biết đến. Còn cộng đồng vẫn nuôi chó theo kiểu “chủ nghĩa tự nhiên”. Phản ứng của cộng đồng trước việc chính quyền bắt chó thả rông thể hiện sự thắng thế của thói quen, vốn thuộc về số đông trước những quy định pháp luật.

***

Con chó nổi tiếng về lòng trung thành, nhưng chỉ với chủ nó. Người bên ngoài không thể biết nó lành, hay nó dữ. Nhưng ai cũng biết, những vụ chó cắn chết người không hiếm. Và chó là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm. Một con cún cưng sống trong nhung lụa cũng có thể bị dại. Nếu chó dại cắn, cơ hội để cứu chữa là con số 0 tròn trĩnh…

Tôi đã nghe chuyện có chú chó ở phương Tây đã học được thói quen “văn minh” đến mức, chỉ cần chủ nó phát tín hiệu đi dạo, là nó tự động tha xích, rọ mõm giúi vào tay chủ. Ở nhiều nước, muốn dắt chó đi dạo, người ta phải cầm theo túi ni-lông, găng tay, và xẻng. Để làm gì ai cũng rõ.

Trào lưu nuôi, trang điểm, mặc áo cho cún cưng…, thực ra mới được du nhập. Nhiều người coi đó là đối xử văn minh với động vật. Nhưng chúng ta mới du nhập… một nửa trào lưu. Và nếu cứ tiếp tục đặt tình yêu với cún cưng cao hơn lợi ích cộng đồng, cao hơn sự an toàn của mọi người, thì thực chất, chúng ta đang diễn lại hoạt cảnh mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đặt ra trong câu chuyện “Răng con chó của nhà tư sản” độ nào.