"Ngôi nhà thông tin" phải được xây trên nền móng văn hóa

Nhìn vào diện mạo nền báo chí, xuất bản, mỹ thuật, điện ảnh... nước ta thời gian gần đây, có cảm giác nó như một ngôi nhà nhiều cửa, trong đó có nhiều "cánh cửa" chắc chắn và có cả những "cánh cửa" kẹt. Nhưng đáng ngại hơn là có nhiều mảng trống toang hoang và nhiều cửa hậu không khóa. Từ đó, những luồng khí độc, những loại "ma túy" tư tưởng đã tràn vào làm biến dạng các giá trị văn hóa dân tộc...

Không ai có thể dám chắc những tâm hồn non nớt này không bị những luồng thông tin khó kiểm soát trên mạng in-tơ-nét gây tác động xấu.
Không ai có thể dám chắc những tâm hồn non nớt này không bị những luồng thông tin khó kiểm soát trên mạng in-tơ-nét gây tác động xấu.

Những mảng trống

Sự bùng nổ công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số với việc xuất hiện những trang mạng xã hội, những trang chia sẻ thông tin trực tuyến như Google, Youtube... đã mang đến lượng thông tin đồ sộ diễn ra hằng ngày, hằng giờ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí.

Song, biết bao thứ hỗn loạn, độc hại về thông tin cũng từ đây mà ra. Tháng 11-2006, khi được Google mua lại với giá 1,65 tỷ USD, Youtube gần như không có đối thủ trên thị trường dịch vụ chia sẻ video trực tuyến. Nhưng do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, trang web này và Google liên tục bị kiện, tiêu biểu là vụ kiện giá 1 tỷ USD của Viacom, vụ kiện đòi bồi thường 501 triệu bảng Anh của Ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh vì những vi phạm nghiêm trọng xoay quanh vấn đề bản quyền.

Cái được gọi là "nhân bản", là "tự do cá nhân" mà một bộ phận không nhỏ phim ảnh từ nguồn này đưa tới đã bị trá hình bởi những nội dung kích thích bạo lực và tính dục. Ngay từ đầu năm 2014, bộ phim Người đàn bà cuồng dâm của đạo diễn Ðan Mạch L.V.Tơ-ri-ơ với những cảnh quay trần trụi còn chưa hết gây sốt, đã lại xuất hiện phim Bác sĩ thẩm mỹ của Hàn Quốc với sự mổ xẻ không thương tiếc cơ thể đàn bà... Chưa nói tới ảnh hưởng trong đời sống, những loại phim và clip tình dục tràn lan hàng chục năm nay ở Việt Nam đã kích thích lớp trẻ tự sản xuất và tung lên mạng những clip tình dục do chính mình thực hiện. Nhiều cô gái, chàng trai không những không sợ "lộ hàng" mà còn "khoe hàng" trên các trang mạng xã hội và ngay cả trên báo có giấy phép. Các phim Việt Nam tự sản xuất, tự phát hành như Khi yêu đừng quay đầu lại, Bóng ma học đường, Cột mốc 23 hay Giữa hai thế giới...; ngoài tên phim đầy tính dụ khị, kích thích sự tò mò của giới trẻ, trong phim còn tràn ngập những cảnh "nóng". Thậm chí, những hình ảnh nhạy cảm này còn ngang nhiên được trưng ra ngay trên các áp-phích quảng cáo đủ các cỡ để hút khách, tăng doanh thu cho nhà sản xuất. Gần đây nhất là trường hợp bộ phim Căn hộ số 69, một bộ phim sitcom dán nhãn 18+ được phát trực tuyến trên Youtube mà chưa hề được cơ quan quản lý cấp phép. Bộ phim đề cập những vấn đề tình dục, sinh lý và tình yêu của những người trẻ sống ở thành thị, bộ phim "rặt" những hình ảnh giới tính nhạy cảm. Và dù đã bị Cục Ðiện ảnh "tuýt còi" nhưng những tập đầu của bộ phim đã kịp thu về hơn hai triệu lượt người xem mọi lứa tuổi.

Cũng từ đây, lối sống tiêu cực ăn theo trào lưu "khoe hàng" đã xuất hiện ở một bộ phận người trẻ. Không ít ca sĩ, diễn viên trẻ vì không khoe được tài năng, liền chọn cách khoe cơ thể để được nổi tiếng, và đi kèm với đó là tai tiếng. Một hoa khôi Khánh Hòa đã nhanh chóng phủ sóng tên tuổi trên phương tiện thông tin đại chúng cả nước ngay sau khi cô tung ra bộ ảnh khỏa thân. Một diễn viên mờ nhạt trong làng nghệ thuật cũng bỗng chốc nổi như cồn sau khi công khai bộ ảnh sexy bi-ki-ni tai thỏ không hề ăn nhập gì với ý tưởng ứng phó biến đổi khí hậu được công bố. Thời gian gần đây, hàng loạt thiếu nữ Hà thành cũng đua nhau mặc yếm "chụp ảnh" cùng sen, tiếng là để tìm kiếm nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ xưa, nhưng kỳ thực là để khoe da thịt một cách lộ liễu... Không ít người đã bất bình khi ý nghĩa cao quý và nét đẹp khiêm nhường của quốc hoa đã bị lợi dụng để thực hiện những ý tưởng nghệ thuật dung tục.

Những cánh cửa không khóa

Ngoài Youtube, còn có hàng trăm trang mạng khác đang nhận được số lượng truy cập lớn của công chúng. Bên cạnh đó là sự tồn tại của rất nhiều website, blog hàng ngày ra rả đưa tin trái phép, chửi bới xã hội, xúc phạm cá nhân, ngôn từ tục tĩu mà không hề bị xử lý. Có những trang, mục vô cùng tục tĩu, không hợp với thuần phong mỹ tục, chính điều này đã khiến cho độc giả, dù tự tin mấy, cũng có ngày hoang mang, thiếu sự tin tưởng.

Chạy theo mục tiêu lợi nhuận, rất nhiều tờ báo điện tử được Nhà nước cấp phép đang tự đánh mất chính mình, phụ thuộc ngày càng nhiều vào doanh nghiệp. Muốn có tiền, phải thu được quảng cáo. Mà muốn có quảng cáo, phải đạt đến số lượt truy cập nhất định. Số lượt càng cao, phí quảng cáo càng lớn. Ðó là một phần trong câu trả lời vì sao một số tờ báo điện tử gần đây lại phủ đầy những câu chuyện "cướp, giết, hiếp". Chính vì điều này mà mươi năm trở lại đây, các nhà khoa học về báo chí đã phải thốt lên rằng: Báo chí chân chính đang dần biến mất.

Ðể "câu view", trong khi phê phán phim Người đàn bà cuồng dâm, một tờ báo điện tử khá uy tín đã cho chiếu hẳn một đoạn trong phim đó. Dạo một vòng qua những tờ báo điện tử được cho là khá lớn ở Việt Nam, vẫn thấy nhan nhản những cái tít giật gân rẻ tiền nhằm câu khách. Chuyện một đại gia chơi xe; chuyện ca sĩ hôm nay ăn gì, mặc gì cũng thành sự kiện báo chí. Mà hầu như báo mạng nào cũng đăng. Nguyên nhân tại sao? Là vì bạn trẻ thích đọc, theo cách lý giải của tờ báo. Là sự thiếu trách nhiệm, là việc từ bỏ chức năng giáo dục của báo chí, theo nhận định của một số nhà tư tưởng.

Ðó là về báo. Còn sách thì sao? Trại súc vật, một cuốn sách bôi nhọ Liên Xô (trước đây), bôi nhọ CNXH, có cái nhìn miệt thị đối với con người xuất bản từ năm 1945, mới đây được NXB Hội Nhà văn bới lại, in thành cuốn sách Chuyện ở nông trại. Ngay cả sách dành cho trẻ em mà những hình ảnh giới tính ngồn ngộn cũng phủ dày bìa. Những bộ truyện tranh nước ngoài đã và đang được các em nhỏ đón đọc với số lượng xuất bản lớn như Thủy thủ mặt trăng, Dòng sông huyền bí, Con nhà giàu, hay Punch-tình ca trên sàn đấu... cũng chứa đầy những "sex" với các hình ảnh ướt át thái quá và lời lẽ đặc tả khiến người lớn cũng phải đỏ mặt.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập, bên cạnh những cơn gió lành, văn hóa và truyền thông ở nước ta cũng phải đối mặt với những cơn gió độc. Và vì những cánh cửa của "ngôi nhà thông tin" còn chưa kín, chưa vững, cho nên hệ quả của nó là một xã hội coi trọng sự cống hiến, coi trọng chức năng giáo dục và lợi ích cộng đồng trước đây đang có xu hướng nặng về hưởng thụ, coi trọng chức năng giải trí và chủ nghĩa cá nhân. Làm nên điều này không thể không có trách nhiệm của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và dư luận xã hội mà báo chí là chủ đạo.

Và hành động của chúng ta

Mỗi gia đình phải tự lo cho con em mình trước. Các nhà quản lý cần có chính kiến, phải có những xử lý thích đáng đối với những hiện tượng phản văn hóa, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực báo chí, văn nghệ. Ðặc biệt là phải có chính sách quản lý mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng phải mạnh mẽ, dứt khoát để kiểm soát và xử lý những vi phạm về phát tán thông tin, hình ảnh phi văn hóa, phản giáo dục đang diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng. Phê bình rút kinh nghiệm, theo dõi, phạt cho tồn tại... đã là những công cụ không còn hiệu quả. Rút giấy phép, truất quyền hành nghề đối với những ai vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông cần được thực hiện kịp thời, mạnh mẽ. Môi trường thông tin chỉ có thể trong lành khi những con người hoạt động trong môi trường đó có nền tảng và đạo đức văn hóa. Vì thế, đứng trước bối cảnh "tranh tối, tranh sáng" của báo chí, xuất bản và nghệ thuật hiện tại, chỉ có sự quyết tâm thay đổi và những chế tài mạnh tay mới đủ sức dọn dẹp và sửa sang "ngôi nhà thông tin" sao cho thật sự phong quang, lộng mát hồn dân tộc và hồn thời đại.