Nghiên cứu phi lịch sử, hay thực hành “chủ nghĩa thực dân tinh thần”? (Kỳ 2)

NDO -

NDĐT xin giới thiệu cùng độc giả Kỳ 2 bài viết Nghiên cứu phi lịch sử, hay thực hành “chủ nghĩa thực dân tinh thần”? của tác giả Nguyễn Hòa.

Lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu lượt người tham dự mỗi năm. (Ảnh: denhung.org.vn)
Lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu lượt người tham dự mỗi năm. (Ảnh: denhung.org.vn)

Kỳ 1

Kỳ 2: “Hồn dân tộc” trong ký ức cộng đồng

Trong bài Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, GS.TS Liam C Kelley viết: “Có lẽ cũng giống như mọi dân tộc khác trên trái đất, người Việt cũng phải tưởng tượng ra rằng quốc gia của họ có tồn tại, một quá trình được hoàn thành với những khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, có những “mối liên hệ với quá khứ” đã giữ vị trí cầm chịch lúc bấy giờ, giữa chúng là một cảm quan dai dẳng về sự kém cỏi ở chỗ không sống xứng đáng để thiết lập những chuẩn mực [riêng] và một sự bàn luận qua loa về hành động của các thế hệ học giả trước. Có lẽ, cái sự “nở rộ” trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam phần nhiều không phải là từ một ý thức tiền quốc gia mà là từ một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết”.

Tôi coi kết luận trên đây của Liam C Kelley là kết quả của lối tư duy tư biện, và cảm tính hơn là tư duy khoa học trên cơ sở thực tiễn. Bởi, khi triển khai văn bản Việt Nam là một “văn hiến chi bang” nhằm “cố gắng soi rọi những cách nghĩ mâu thuẫn với các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa phương Tây”, dường như tinh thần phương Tây, phương pháp thực chứng triệt để, và logic coi sự vật - hiện tượng chỉ có thể ở trong tình trạng “hoặc A, hoặc B” không có tình trạng “vừa A, vừa B” của vị Giáo sư Tiến sĩ này đã không đem tới cho ông một cái nhìn thấu đáo về các sự vật - hiện tượng mà bản thân chúng là tập hợp của nhiều giá trị được đặt trong các mối liên hệ (trong đó có một số quan hệ mang tính chất mờ - nhòe) nếu chỉ dựa trên văn bản sẽ rất khó có thể (thậm chí là không thể) làm sáng tỏ? Thí dụ, nếu chỉ với tinh thần duy lý phương Tây, không tìm hiểu cụ thể điều kiện sống, cách thức tổ chức cuộc sống của người Việt Nam, GS.TS Liam C Kelley sẽ không thể lý giải được một điều ngỡ là nghịch lý như: người Việt Nam vừa khẳng định: “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” lại vừa khẳng định: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”!? Thêm nữa, khi viết rằng: “Cho đến thế kỉ XV, trí thức Việt đã tuyên bố một cách tự hào rằng mảnh đất của họ là “văn hiến chi bang”…” (phải chăng là Liam C Kelley căn cứ vào câu “Duy ngã Ðại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang” trong Bình Ngô đại cáo?), chẳng nhẽ Liam C Kelley không biết, hay ông lờ đi một sự kiện cần tham khảo là theo Dư địa chí thì “văn hiến chi bang” là do Minh Thái tổ “ban” sau khi sứ giả nhà Minh là Dịch Tế Dân sang thông hiếu và nhà nhà Trần cử sứ thần sang đáp lễ; trong Đại Việt sử ký toàn thư, sự kiện này tương ứng với năm Mậu Thân - 1368?

Để trở thành quốc gia có tên gọi, lãnh thổ, văn hóa, dân tộc (hoặc cộng đồng các dân tộc),… riêng biệt như ngày nay, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với nhiều biến thiên phức tạp. Vì thế, qua thời đại của người Gaule, người Frank đến năm 508 Clovis I mới định đô ở Paris; tương tự phải sau mấy nghìn năm, trên vùng đất từng xuất hiện Văn hóa Beaker mới ra đời Vương quốc Anh… Và sau những biến thiên phức tạp đó, không phải mọi quốc gia đều có thể ghi lại, lưu giữ, truyền bá các văn bản chứa đựng thông tin, sự kiện, số liệu, thời gian về nguồn gốc, lịch sử. Chỉ các vùng đất (về sau hình thành nên quốc gia, dân tộc như Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa,…) sớm có nền văn hóa - văn minh phát triển với sự ra đời của chữ viết, có ý thức ghi chép về các sự kiện - hiện tượng liên quan tới cộng đồng,… mới có thể lưu giữ tài liệu để trao lại cho hậu thế. Song, với những biến thiên phức tạp sau nhiều thế kỷ (như: chiến tranh xâm lược, thiên tai, tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm thống trị, thái độ kỳ thị…) ngay cả các vùng đất trên cũng khó có thể trao truyền các tài liệu một cách toàn bộ và hệ thống. Với các quốc gia trong lịch sử có thể từng xây dựng được nền văn hóa - văn minh với chữ viết riêng nhưng về sau bị xâm lược, bị đồng hóa, hay các quốc gia mà điểm xuất phát ở thời xa xưa còn ở trình độ thấp, chưa có khả năng ghi chép thành văn, thì tư liệu về nguồn gốc, lịch sử hầu như rất sơ sài, thường lưu giữ trong các truyền thuyết, huyền thoại, biểu tượng,… được truyền bá từ đời này sang đời khác. Do đó, không thể vì chỉ được lưu giữ trong những truyền thuyết, huyền thoại, biểu tượng,… mà phủ nhận ý nghĩa, vai trò của chúng trong lịch sử một quốc gia, dân tộc. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, truyền thuyết, biểu tượng về cội nguồn và tổ tiên, huyền thoại về người anh hùng dân tộc,… được lưu giữ trong ký ức cộng đồng từng góp phần rất lớn trong việc hun đúc ý chí để cộng đồng tồn tại, vượt qua mọi biến cố. Với một quốc gia ra đời muộn và lại đúng vào thời kỳ văn hóa - văn minh nhân loại đã phát triển như Hoa Kỳ, việc ghi chép và trao truyền tư liệu lịch sử có phần sáng rõ hơn; nhưng dù vậy, không thể lấy lịch sử hình thành Hoa Kỳ để quy chiếu lịch sử hình thành các quốc gia, dân tộc khác, rồi đòi hỏi phải như thế này phải như thế kia, hoặc phủ nhận vì thấy còn mơ hồ. Như với nước Israel ngày nay, không thể lấy thời điểm ra đời năm 1948 của quốc gia này mà bỏ qua lịch sử hàng nghìn năm trước Công nguyên của người Do Thái; cũng không thể từ phương pháp thực chứng để phủ nhận niềm tin về “cây gậy” quyền năng trong tay Moses - một biểu tượng của không biết bao nhiêu thế hệ người trong hàng chục thế kỷ.

Không quan tâm tới ý nghĩa ngầm ẩn trong các tác phẩm văn hóa dân gian, không chú ý tới vai trò và ý nghĩa của ký ức tập thể, không xem xét những mối liên hệ quá khứ, thoạt nhìn thì rất mơ hồ nhưng xét kỹ lại cực kỳ bền chặt, không nhìn nhận biểu tượng như là kết quả tổng hòa của nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính,… nên Liam C Kelley không hiểu tại sao một dân tộc có thể đặt niềm tin vào biểu tượng Rồng - Tiên, tại sao họ có thể nỗ lực hết mình vì tin rằng bản thân có trách nhiệm tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc theo gương Thánh Gióng. Điều GS.TS Liam C Kelle cho rằng lịch sử Việt Nam chỉ là “tưởng tượng” thực ra thể hiện hết sức sống động, xin không dẫn lại, không phân tích, bởi chắc chắn không phải Liam C Kelle không biết. Phải chăng vì lịch sử Hoa Kỳ không có những con người sẵn sàng xả thân cho đất nước vì muốn noi theo tấm gương các anh hùng da đỏ như Crazy Horse (Ngựa điên), Mishikinakwa (Rùa nhỏ), Geronimo (Người ngáp ngủ),… nên GS.TS Liam C Kelle không tin ở Việt Nam lại có những con người sẵn sàng hy sinh để không hổ danh con cháu vua Hùng? Nhìn rộng ra thử hỏi, với phương pháp thực chứng máy móc và thái độ võ đoán, Liam C Kelley lý giải sao đây một sự thật là từ ngày xưng “thiên tử” con cháu của “nữ thần Mặt trời” (Thái dương thần nữ) mang tính chất thần thánh trong hiển thị con người, Thiên hoàng (Nhật hoàng) lại luôn luôn nhận được sự tôn kính của người Nhật Bản trong suốt bao nhiêu thế kỷ?

Năm 2006, tôi có lưu ý Liam C. Kelley rằng: “Trước khi đưa ra các kết luận về lịch sử - văn hóa Việt Nam, cần thiết phải đặt nó trở về với bối cảnh phức tạp của các biến thiên lịch sử ở một quốc gia không có truyền thống làm sử chính xác và cập nhật, thêm vào đó là tình trạng thất lạc, mất mát do giặc giã, thiên tai... Lại nữa, sự tồn tại và chen lấn của truyền thuyết, của huyền thoại, của các thành phần folklore khác không chỉ mang ý nghĩa bổ sung các nội dung lịch sử - văn hóa “bác học” mà đôi khi còn làm tăng thêm tính “mờ, nhòe” của một số sự kiện, dù có hoặc không được ghi chép”. Nhưng có lẽ Liam C. Kelley không quan tâm tới lưu ý này, ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam theo một cung cách theo tôi có màu sắc không lương thiện. Nói có “màu sắc không lương thiện” có thể là nặng lời, nhưng tôi không thể đưa ra kết luận khác nhẹ nhàng hơn vì thấy khi nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam, Liam C. Kelley thường đòi hỏi bằng cớ xác thực, bất chấp hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của các vấn đề. Nghiên cứu ý thức độc lập, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, ông ít quan tâm tới niềm tôn kính người Việt Nam dành cho Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng,… Mà mỗi khi đề cập, ông lại đòi hỏi đâu là sử liệu chứng minh đó là con người với sự nghiệp xác thực. Nghiên cứu văn bản ở thời cổ - trung đại của người Việt Nam, ông không đặt câu hỏi: Nếu trước thiên niên kỷ I người Việt có văn tự, có ghi chép lịch sử - văn hóa thì sau 1.000 Bắc thuộc, liệu các ghi chép đó còn được bao nhiêu để tìm câu trả lời, mà ông soi mói, chộp lấy một vài văn bản không được biết tới rộng rãi, không được xem là ý kiến chính thức, phổ biến trong đời sống tri thức ở Việt Nam, rồi lấy bộ phận thay cho toàn thể, biến văn bản ít được chú ý thành phổ quát. Trước đây, từ mấy câu thơ của Nguyễn Huy Túc - một vị quan của triều Lê bày tỏ niềm vui khi thấy quân Thanh vào Việt Nam, GS.TS Liam C. Kelley tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của dòng văn chương chống ngoại xâm ở Việt Nam; thì chỉ mấy năm sau, trong bài Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, ông lại lấy ý kiến của Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn đánh giá về sự yếu kém trong sách vở, thi ca để nghi ngờ vấn đề Việt Nam là một “văn hiến chi bang”!

Chẳng lẽ, một Giáo sư tiến sĩ như Liam C. Kelley lại không thấy việc đòi hỏi văn chương, học thuật Việt Nam thời trung đại phải có được tầm vóc văn chương, học thuật Trung Hoa cùng thời kỳ là đòi hỏi bất khả, vô lý? Tuy điều này có thể là mặc cảm xuất hiện trong tâm thức một bộ phận trí thức Việt Nam song trên thực tế nó không giữ vai trò chi phối, cũng không nghiêm trọng đến mức trở thành “một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết”. Ý kiến phê phán của Hoàng Đức Lương và Lê Quý Đôn cũng vậy, Liam C. Kelley có thể coi đó là biểu thị của mặc cảm, song là một nhà nghiên cứu, lẽ nào ông lại không liên tưởng tới một chiều nghĩa khác: đó là Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn tổng kết và đánh giá, từ đó các ông yêu cầu học thuật, văn chương Việt Nam cần phải vượt khỏi “cái bóng” của học thuật, văn chương Trung Hoa, phải làm phong phú văn chương, học thuật của nước nhà? Có thể coi là thái độ khoa học nghiêm túc như khi đọc điều Lê Quý Đôn viết: “Không chỉ những tập tác phẩm mà chúng ta làm ra nhỏ nhoi, mà những nỗ lực bảo tồn của chúng ta cũng tùy tiện” Liam C. Kelley chỉ khai thác nội dung đáp ứng mục đích và kết luận của ông là “tác phẩm mà chúng ta làm ra nhỏ nhoi”, rồi tảng lờ nội dung “những nỗ lực bảo tồn của chúng ta cũng tùy tiện”? Chẳng nhẽ với ông, sự tùy tiện trong việc bảo tồn văn bản không phải là một khiếm khuyết đáng quan ngại?

Theo tôi, chỉ từ ý kiến của Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn để kết luận “cái sự “nở rộ” trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam phần nhiều không phải là từ một ý thức tiền quốc gia mà là từ một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết” là thiếu lương thiện. Khi nghiên cứu, chí ít Liam C. Kelley cũng phải quan tâm tới các tài liệu trong đó chứa đựng thông tin cho thấy tình trạng ít ỏi tác phẩm văn chương, học thuật của Việt Nam ở thời trung đại còn bị chi phối bởi một số lý do khác. Như Lý Tử Tấn viết trong bài tựa Việt âm thi tập: “Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn”, hay Bùi Huy Bích viết ông làm tuyển tập “sau cơn binh hỏa” trong tiểu dẫn của Hoàng Việt thi tuyển,… Hơn nữa, Liam C. Kelley cần quan tâm tới điều Việt kiệu thư của Trung Hoa viết rằng, hoàng đế nhà Minh ra chỉ dụ yêu cầu: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”, “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại”. Theo Liam C. Kelley, với một chính sách như vậy, sau 20 năm đô hộ của nhà Minh, nếu có thì liệu sách vở học thuật, văn chương của Việt Nam còn được bao nhiêu?

(Còn nữa)