Nghệ thuật - Mầm nhân lên hòa bình cho Thủ đô

NDO -

NDĐT- Vận dụng nghệ thuật như một chiến lược lâu dài, lý tưởng, nhân văn và thiết thực cho sự giữ gìn, vun đắp giá trị hòa bình của Thủ đô. Vấn đề nghệ thuật - hòa bình đáng để thành phố chú trọng trong việc xây dựng chính sách, cơ chế, thực hành các hoạt động định hướng, quản lý, phát huy đời sống văn hóa, nghệ thuật của mình.

Cần gây dựng nhiều hơn các không gian - địa chỉ nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội mở rộng. (Ảnh: Quang Hưng)
Cần gây dựng nhiều hơn các không gian - địa chỉ nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội mở rộng. (Ảnh: Quang Hưng)

Giải pháp nghệ thuật

Hà Nội đang chuẩn bị chào mừng 20 năm được UNESCO tôn vinh: Thành phố vì hòa bình. Một danh hiệu, một cách gọi, cách nghĩ gợi nên vẻ đẹp không gian lẫn tâm hồn con người, cũng như gợi lại truyền thống hào hùng đấu tranh giành lấy và bảo vệ nền hòa bình, độc lập qua các triều đại, qua lớp lớp thế hệ người dân kinh đô - Thủ đô. Và rộng hơn nữa, khi những chặng đường hưng phế của Thăng Long - Hà Nội đã gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc.

Hẳn đã có nhiều lý do để nghiền ngẫm, quyết định cho việc tôn vinh Thủ đô là thành phố vì hòa bình. Và càng có nhiều thúc đẩy, đòi hỏi cho hiện tại, tương lai trong việc bảo vệ, giữ gìn những giá trị hòa bình ấy. Ý nghĩa của hòa bình, cần được hiểu rộng hơn trong bối cảnh hiện tại, trên nền tảng hòa bình của đất nước, trong xu thế Hà Nội đẩy mạnh xây dựng kinh tế, xã hội, tích cực đổi mới, hội nhập. Hòa bình không chỉ đặt trong sự đối sánh với chiến tranh, đụng độ, mà trong hiện tại, đó cũng là sự yên bình, ổn định, bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự, hạn chế và đẩy lùi các nguy cơ bất ổn, va chạm, rạn nứt, xung đột, đổ vỡ trong đời sống xã hội. Mà thực tế đó lại là những vấn đề phải phòng, chống, đối mặt, giải quyết đối với một thành phố lớn, đông dân, nhiều địa phương, địa bàn, ngày càng đa dạng về thành phần, xuất xứ dân cư, với vô vàn hoạt động kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang vận hành.

Nghệ thuật - Mầm nhân lên hòa bình cho Thủ đô ảnh 1

Triển lãm tranh của GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính tại đình Kim Ngân trong phố cổ Hà Nội - một gợi ý hay cho việc trưng bày tác phẩm mỹ thuật tại các di tích ngoại thành. (Ảnh: Quang Hưng)

Bên cạnh những giải pháp kinh tế, xã hội, chính sách, cơ chế… vì mục tiêu giữ gìn, củng cố cho sự phát triển, ổn định, bình yên lâu dài của thành phố, thì một vấn đề rất quan trọng, là càng cần phải chú trọng hơn đến đời sống nghệ thuật, phát triển các hoạt động nghệ thuật nhằm lan tỏa những thành quả sáng tạo phục vụ xã hội, coi đó như những “liều thuốc” bồi bổ sức khỏe tinh thần, vun đắp nhận thức và cảm xúc thẩm mỹ công chúng, phát huy vẻ đẹp tình cảm, tâm hồn người dân Hà Nội.

Giàu tiềm năng nhưng còn thiếu hụt

Thủ đô Hà Nội là thành phố của di sản văn hóa từ thời cổ cho đến hiện đại, với nhiều công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng có sự hợp thành của các tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật. Hà Nội có dòng chảy nghệ thuật diễn xướng cổ truyền từ lâu đời. Ở thời hiện đại, thành phố đã trở nên nơi quy tụ của nghệ thuật với hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng văn hóa - nghệ thuật, các không gian sáng tạo, triển lãm, trưng bày, quảng bá nghệ thuật. Trong xu thế hội nhập, trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện và dần định hình những sắc màu của nghệ thuật mới, đương đại, các chương trình và mô hình hoạt động nghệ thuật có sự học hỏi, tiếp biến từ nước ngoài. Và không thể không kể đến đội ngũ nghệ sĩ đông đảo định cư và làm việc, sáng tạo qua nhiều năm, nhiều thế hệ trên địa bàn Thủ đô.

Đó là tiềm lực, nguồn lực dồi dào cho sáng tạo nghệ thuật phục vụ công chúng, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, bồi bổ thẩm mỹ của đông đảo người dân. Với ý nghĩa “bảo vệ hòa bình”, đó là lực lượng hun đúc, lan tỏa, nhân lên cái đẹp để phòng, chống những biểu hiện thực dụng cực đoan, vụ lợi, ích kỷ, thoái hóa, biến chất, tiêu cực trong đời sống xã hội, trong tâm hồn con người.

Nghệ thuật - Mầm nhân lên hòa bình cho Thủ đô ảnh 2

Khai thac tốt tránh để hoài phí các không gian văn hóa nghệ thuật khu vực ngoại thành. Trong ảnh là họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ tại bảo tàng tư nhân của bà tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. (Ảnh: Quang Hưng)

Trong thực tế triển khai các chính sách, cơ chế hoạt động nghệ thuật hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật đó đã và đang vận hành, phục vụ xã hội, đem đến nhiều món ăn tinh thần cho công chúng qua các vở diễn sân khấu, triển lãm tranh, ảnh, các liên hoan và chương trình biểu diễn ca múa nhạc… Nhưng cũng có thực tế là không phải khi nào và ở đâu, nghệ thuật cũng thường xuyên hoặc có cơ hội được hiện diện, lan tỏa giá trị đẹp đẽ của nó. Nhất là trong hoàn cảnh quần chúng nhân dân còn phải dành nhiều thời gian cho mưu sinh, nghỉ ngơi, cho các hoạt động giải trí, ẩm thực khác nữa. Đặc biệt, cũng có bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế về điều kiện kinh tế, giao thông, không gian cư trú để thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật. Thêm nữa, trên đà đô thị hóa mạnh mẽ, với sự tăng lên về dân số, lượng người các địa phương về định cư tại Hà Nội, thì hệ thống các công trình phục vụ cho nghệ thuật, văn hóa ở các khu vực phát triển mới của thành phố, như nhà hát, công viên, quảng trường, tượng đài, bảo tàng nghệ thuật, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật… dường như chưa được chú trọng đúng mức, so các công trình cầu đường, nhà ở, không gian mua sắm, ăn uống...

Vì vậy, nghiên cứu, nắm bắt để nhận rõ hơn sự thiếu hụt, nhu cầu thực tế, và sự cần thiết của việc lan tỏa, phổ biến nghệ thuật đến công chúng rộng rãi của Hà Nội - thành phố vì hòa bình, nên được chú trọng nhiều hơn. Đặc biệt là với đối tượng công chúng và các khu vực dân cư còn ít được tiếp cận, hưởng thụ sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.

Cân bằng hơn và lan tỏa

Một số thực tế đáng lưu tâm. Quần chúng nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng xa, miền núi của Thủ đô, có thể nói, vốn trong đời sống sinh hoạt qua nhiều thế hệ, đã được hưởng đời sống văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc địa phương, với nền nghệ thuật dân gian đặc sắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng về địa bàn, và các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị, cả yếu tố kinh tế, nên các tác phẩm, hoạt động nghệ thuật mới, đương đại như tranh, ảnh, tượng, ca múa, trình diễn, biểu diễn sân khấu… còn chưa có nhiều dịp được đưa về với bà con, đồng bào dân tộc mà không gian xuất hiện chủ yếu và thường xuyên vẫn ở khu vực trung tâm thành phố. Rất nên thúc đẩy mở rộng hướng phục vụ để tăng cường được nhiều hơn các chương trình, hoạt động nghệ thuật, dự án nghệ thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau về với nhân dân các địa bàn này. Cùng với đó, tận dụng tốt và hài hòa được các không gian thiên nhiên, không gian các thiết chế văn hóa truyền thống nơi thôn, làng để kiến tạo các hoạt động, sự kiện nghệ thuật đương đại, mới mẻ là việc đáng suy ngẫm.

Ngược lại, những vốn liếng dân gian, cổ truyền “đặc sản” miền thôn dã, trung du, vùng đồng bào dân tộc, rất đáng được có nhiều dịp góp mặt vào hoạt động nghệ thuật khu vực đô thị, nội đô. Ngoài những bộ môn cổ truyền như rối nước, ca trù, chèo, tuồng, hát xẩm… đã và đang góp mặt đa dạng vào hoạt động văn hóa nghệ thuật khu phố cổ Hà Nội, khu vực phố đi bộ hồ Gươm, thì còn nhiều vốn cổ đặc sắc khác như hát chèo tàu Đan Phượng, hát dô Quốc Oai, dân ca một số huyện, thị xã, cồng chiêng Mường, dân ca dân vũ đồng bào Tày, Dao khu vực Ba Vì rất nên được giới thiệu trong không gian đô thị trung tâm và đô thị mới của Hà Nội. Làm mới, làm khác những món ăn tinh thần trong không gian công cộng, quảng trường trung tâm Thủ đô cũng là điều đáng suy nghĩ, khi lâu nay, như một thí dụ về sự hạn chế, nhiều lần và liên tục trở đi trở lại ở khu vực hồ Gươm là nhiều tiết mục ca nhạc quá đỗi quen thuộc, thậm chí còn ồn ào, huyên náo.

Ngoài ra, cùng với xu thế đô thị hóa nông thôn, và tương lai hiện thực hóa chủ trương giãn dân nội đô, sẽ ngày càng lan rộng hơn các khu đô thị mới, các vùng tập trung đông đảo cư dân mới ra khu vực ngoài trung tâm thành phố, ra ngoại thành. Vì vậy, cần sớm quy hoạch, giành quỹ đất, không gian để từ bây giờ bắt tay vào xây dựng hệ thống công trình nghệ thuật, văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim, triển lãm, bảo tàng nghệ thuật… để cung cấp được xa, rộng hơn các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng, phục vụ được thêm nhiều thành phần công chúng là nông dân, người lao động… Công việc này rất cần chú trọng, không bị “bỏ qua, bỏ quên”. Cần rút kinh nghiệm từ chính nhiều khu đô thị mới ở quanh trung tâm Hà Nội hiện nay, đáp ứng về nơi ở nhưng không có nơi thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật cho cư dân sở tại. Việc xây mới, bổ sung các “cơ ngơi nghệ thuật” như thế, cũng góp phần bù lấp sự thiếu hụt lâu nay ở các huyện ngoại thành, khi mà bên cạnh các cơ quan công quyền, bộ máy hành chính, lại vắng bóng các không gian nghệ thuật có thể thu hút quần chúng nhân dân địa phương.

Nghệ thuật - Mầm nhân lên hòa bình cho Thủ đô ảnh 3

Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Sơn Tây là một không gian tốt để Hà Nội phối hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng khu vực phía tây thành phố. (Ảnh: Quang Hưng)

Xu thế xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật đang cho thấy sự phát triển các chương trình, sự kiện nghệ thuật do đơn vị tư nhân, cá nhân các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ tổ chức, do các đơn vị công lập phối hợp nhiều thành phần tổ chức. Trong đó, thì sự bớt dần đi vai trò tổ chức, vận hành, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là điều tất yếu. Nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng về văn hóa, nghệ thuật hay hội nghề nghiệp xao lãng đi vai trò định hướng, kiến tạo, kết nối, gợi mở, cải tiến, bổ sung về chính sách, cơ chế để nghệ thuật được chia sẻ, lan tỏa giữa các khu vực, đến sâu rộng hơn trong quần chúng nhân dân, để mức độ hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Thực hiện tích cực vai trò, “sứ mệnh” kết nối, gợi mở, tạo các điều kiện thuận lợi trong quản lý, thúc đẩy nghệ thuật, đó cũng chính là mục đích nhân văn, để nghệ thuật gieo mầm và lan tỏa, nhân lên giá trị hòa bình, vì sự xây đắp nhân cách, đạo đức con người, vì sự ổn định và phát triển của đông đảo người dân Thủ đô. Để thành phố Hà Nội, bên cạnh những cách hình dung, cách nghĩ quen thuộc như trung tâm chính trị, văn hóa, thành phố di sản, thành phố vì hòa bình, thành phố xanh, sẽ ngày càng xứng đáng hơn với tên gọi thành phố nghệ thuật - Thủ đô nghệ thuật. Giá trị và hiệu quả của nghệ thuật sẽ càng hòa quyện và làm sáng hơn ý nghĩa hòa bình.