Ngăn chặn sách lậu vào các hội sách

NDO -

NDĐT – Lâu nay, sách lậu luôn là vấn đề đau đầu đối với nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành, bởi sự ngang nhiên cũng như những thiệt hại không thể đo đếm được khi sách lậu hoành hành khắp các thị trường từ online đến sách bày bán. Mới đây, việc sách lậu tràn vào cả hội sách tại Thừa Thiên Huế như một giọt nước tràn ly, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh tay hơn của các cơ quan chức năng.

Cuốn "Cô gái đến từ hôm qua" tại Hội chợ sách xuyên Việt 2020 bị độc giả phát hiện là sách lậu. Ảnh: NDĐT
Cuốn "Cô gái đến từ hôm qua" tại Hội chợ sách xuyên Việt 2020 bị độc giả phát hiện là sách lậu. Ảnh: NDĐT

Sách giả, sách lậu ngang nhiên, sách thật kêu trời

Đối với nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành, việc sống chung với sách lậu giờ đã thành “cơm bữa”. Trên các trang mạng xã hội, các tác phẩm ăn khách của nhiều nhà xuất bản được in lậu, ngang nhiên quảng cáo dưới nhiều cái tên nghe có vẻ rất uy tín như “Tổng kho sách NXB Trẻ”, “Kho sách giá sỉ”, “Kho sách giá rẻ”, “Sách hay mỗi ngày”… Những tác phẩm đình đám, xuất bản đã lâu, nay lại được quảng cáo dưới danh nghĩa tái bản, với giá bìa hàng triệu đồng cả bộ nhưng giá sales off giảm tới một nửa, thậm chí 1/3 giá bìa. Phổ biến nhất là “Ma thổi đèn”, “Mật mã Tây Tạng” và “Harry Potter” của Nhã Nam và NXB Trẻ. Đến mức cả Nhã Nam và Trẻ đều phải liên tục phát ra các thông báo không tái bản lại các bộ sách này, hoặc bộ “Harry Potter” của Trẻ được tái bản với thiết kế bìa hoàn toàn mới, không phải bộ bìa cũ. Một số NXB, đơn vị phát hành cho biết, theo các điều kiện đàm phán về bản quyền, mỗi lần tái bản đều phải trả tiền bản quyền cho phía đối tác, lại thêm các chi phí in ấn, thiết kế… cho nên chi phí tái bản sách cao không kém chi phí xuất bản ban đầu. Vì thế tái bản những bộ sách này không phải là lựa chọn của họ.

Ngăn chặn sách lậu vào các hội sách ảnh 1

Sách giả ngang nhiên rao bán công khai trên FB.

Tuy nhiên các độc giả không phải ai cũng đủ tỉnh táo và kỹ tính để cân nhắc, xem xét giá trị của một bộ sách “bỗng dưng” giảm sâu như thế. Anh Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng bản quyền của Công ty CP Văn hóa Nhã Nam cho biết, thông thường với mỗi đơn vị xuất bản, mức chiết khấu phổ biến là khoảng 20-30%. Chỉ với những đợt giảm giá đặc biệt, mới có tỷ lệ giảm sâu và không phổ biến. Bởi vì với mức giá giảm sâu thường thấy như ở các post quảng cáo sách giả, không một đơn vị xuất bản nào có thể chịu được.

Mới đây, sự việc một hội sách lớn được cấp phép ở Thừa Thiên Huế lại xuất hiện sách lậu đã thực sự làm những người yêu sách, những người làm công việc xuất bản bất bình. Hội chợ sách xuyên Việt 2020 “Viet Nam book fair tour” vừa khai mạc sáng 6-6, tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, do Công ty CP Hoàng Biz tổ chức. Ngay trong tối 6-6, độc giả đã phát hiện ra có cuốn sách lậu gắn logo của NXB Trẻ. Kiểm tra Hội sách, lực lượng chức năng phát hiện 175 cuốn sách không nằm trong danh mục được Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cấp phép trưng bày tại Hội chợ sách. Khai mạc buổi sáng, Hội sách đã lập tức bị đóng cửa ngay trong buổi tối 6-6. Tuy nhiên, với những cuốn sách giả, sách lậu khác chưa bị phát hiện, ai biết được chúng sẽ tiếp tục được mang đi đâu về đâu, và cung cấp sự dối trá cho những bạn đọc nào?

Tự tìm cách bảo vệ mình

Với nạn sách giả, sách lậu, rất nhiều NXB, đơn vị phát hành đã kêu và kêu rất nhiều lần, nhưng tiếng nói của họ đều dần rơi vào lãng quên. Cách thức hữu hiệu nhất là tự bảo vệ mình và sống chung với lũ. Nhiều NXB tìm cách đầu tư cho dòng sách cao cấp, khó bị làm giả, như ấn bản đặc biệt, bìa cứng, in nổi… Hoặc làm sách tương tác, với nhiều chức năng trong từng trang sách được thiết kế cầu kỳ, phổ biến nhất là các ấn phẩm dành cho thiếu nhi… Kết hợp sách với công nghệ cũng là một trong những cách làm được lựa chọn để ngăn chặn sách giả. Tuy nhiên, nhược điểm của những sản phẩm sách này là giá thành tương đối cao, không phù hợp số đông bạn đọc hoặc với độc giả ở những vùng chưa có điều kiện như nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Không phải các NXB hay công ty sách chưa tìm đến với cơ quan chức năng hay pháp luật để nhờ can thiệp về sách giả, sách lậu. Chị Đặng Trầm, Giám đốc thương hiệu sách STYLORY của AZ Books cho biết: “Với sách lậu, khi chúng tôi phát hiện ra và báo với cơ quan chức năng, thì thời gian xử lý thường rất lâu, và nhiều nhất phía làm sách lậu chỉ bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, không thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được từ làm giả sách của chúng tôi”. Anh Xuân Minh, Trưởng phòng bản quyền Nhã Nam cũng cho biết, sách lậu khiến đơn vị thiệt hại rất lớn, nhưng bên làm sách giả gần như không bị xử lý gì, nếu có cũng rất chậm.

Chế tài chưa đủ mạnh

Chế tài nhẹ, lâu xử lý là những điều khiến nhiều NXB, công ty sách còn ngần ngại khi muốn nhờ cậy đến cơ quan chức năng. Trên thực tế, tại điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về hành vi Vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, mức phạt nặng nhất dành cho hành vi Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 300 bản chỉ là 20 triệu đồng. Còn hành vi tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản, mức phạt cao nhất cũng chỉ là 3 triệu đồng. Ngay cả Công ty cổ phần Hoàng Biz bày bán sách giả tại Hội chợ sách xuyên Việt 2020 cũng chỉ bị phạt cao nhất tổng cộng là 14 triệu đồng.

Điều đáng nói, sách giả, sách lậu hiện nay không chỉ công khai rao bán trên mạng, mà còn len lỏi vào một số hội sách – nơi mà sách bày bán, giới thiệu phải có danh mục được duyệt, cấp phép, mà vụ sách giả ở Hội chợ sách xuyên Việt 2020 tại Thừa Thiên Huế nói trên là một thí dụ. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…, các hội sách, hội chợ sách thường của các NXB hoặc cơ quan quản lý về in ấn, xuất bản, hoặc của thành phố tổ chức, có bảo đảm nghiêm ngặt về các NXB và đầu sách tham gia. Nhưng ở nhiều địa phương khác, thường sẽ có những hội sách quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ, do cá nhân hoặc một đơn vị bán sách tư nhân nào đó tại địa phương đứng ra tổ chức. Để có lãi, chắc chắn họ sẽ phải tìm những nguồn cung cấp có giá thật thấp, và khi đó không ai có thể bảo đảm những cuốn sách này là hàng “chuẩn”.

Nhã Nam đã phải in kèm trong các ấn phẩm của mình dòng chữ “Mua sách giả là giết chết sách thật”. Nhưng sách giả ngày càng ngang nhiên và sống khỏe, còn sách thật vừa phải vật lộn để hấp dẫn hơn, làm mới mình, và cũng để chiến đấu với sách giả, mà vẫn chưa có những giải pháp, chế tài nào đủ mạnh để bảo vệ sách thật.

Phạt Công ty Hoàng Biz 14 triệu đồng do bán “sách lậu”

Bày bán sách giả, Hội chợ sách xuyên Việt 2020 bị đóng cửa