Mong đợi hơn sau Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 (tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội) được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho đông đảo người yêu nghệ thuật tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật mới; đồng thời giúp các nhà quản lý bao quát hơn về diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, hơn một tuần sau ngày khai mạc, triển lãm đã xôn xao những câu chuyện không vui liên quan tới cách thức tổ chức và chất lượng nghệ thuật của sự kiện vốn được cho là quy mô nhất trong các hoạt động của giới mỹ thuật giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Công chúng tham quan Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020.
Công chúng tham quan Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020.

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 nhận được 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham dự. Với số lượng tác phẩm đồ sộ, trong khoảng hai tháng, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Cụ thể, thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm của 105 tác giả; thể loại hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác có 380 tác phẩm của 378 tác giả. Như vậy, tổng số gần 500 tác phẩm được chọn trưng bày lần này đã nhiều hơn gần 90 tác phẩm so với triển lãm lần trước vào năm 2015 (409 tác phẩm). Song, điểm khác biệt so với giai đoạn cách đây 5 năm (có hai Huy chương vàng) là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 không có Giải nhất ở bất kỳ thể loại nào; chỉ có sáu Giải nhì, 11 Giải ba và 12 Giải khuyến khích. Chia sẻ về vấn đề này, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, chất lượng nghệ thuật không đồng đều là nguyên nhân khiến triển lãm thiếu vắng tác phẩm nổi trội, tác giả có tên tuổi, dẫn đến không có Giải nhất. Trong mặt bằng ngang nhau, tìm được tác phẩm chấm Giải nhất thật sự rất khó. Tác phẩm mỹ thuật đạt Giải nhất thường gắn liền với tác giả có tầm ảnh hưởng về văn hóa, xã hội chứ không thể chỉ đáp ứng tiêu chí là có một tác phẩm đẹp trong thời gian nhất định. Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ đang bị bó buộc bởi tính thương mại dẫn đến tình trạng tác phẩm dễ xem, dễ bán nhưng không có bản sắc, dấu ấn cá nhân.

Theo nhận định từ giới chuyên môn, triển lãm lần này còn ít tác phẩm tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Ngoài ra, một số tác phẩm được đầu tư công phu ở phần kỹ thuật, hoặc gây ấn tượng bởi sự hoành tráng, đồ sộ nhưng yếu tố nghệ thuật, tri thức lại khá nhạt nhòa. Chưa kể, có những tác phẩm đơn điệu, ý tưởng không rõ ràng, đánh đố người xem. Bên cạnh câu chuyện nghệ thuật, còn một số "hạt sạn" đáng tiếc tại sự kiện mỹ thuật quy mô cả nước. Thí dụ, tại buổi họp báo trước triển lãm, Phó Cục trưởng Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban tổ chức triển lãm Mã Thế Anh cho biết, trong quá trình vận chuyển và thao tác, có năm tác phẩm bị xước, bẩn. Một số nghệ sĩ và người xem còn cho rằng, thực tế số lượng tác phẩm bị xước, vỡ, nứt khoảng hơn 20 tác phẩm. Trong đó, phải kể đến bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy bị xước nặng nên tác giả quyết định rút khỏi triển lãm; bộ tượng bảy bức của nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch có một bức bị sứt, vỡ; một bức tranh của họa sĩ Hùng Anh bị mất chưa tìm ra nguyên nhân. Họa sĩ Hùng Anh chia sẻ, khi không thấy tác phẩm của mình tại triển lãm, ông đã liên hệ với Ban tổ chức nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Ngày 8-12, họa sĩ đã gửi văn bản yêu cầu Ban tổ chức giải trình cụ thể và có trách nhiệm đền bù, xin lỗi tác giả nếu tranh mất. Không gian trưng bày cũng bị coi là điểm hạn chế tại triển lãm. Theo các họa sĩ, một bức tranh hoặc bức tượng đòi hỏi diện tích thoáng hơn để tập trung thị giác của người xem. Ở đây, vì chật chội nên các tác phẩm được bày đan xen nhau, trông rối mắt, mất sự trang trọng, chuyên nghiệp.

Những tồn tại nêu trên đã bộc lộ sự hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức triển lãm. Ðược biết, các "hạt sạn" dạng này đã xảy ra từ những lần triển lãm trước nhưng đến nay chưa được khắc phục. Trước khi các đơn vị quản lý có trách nhiệm đưa ra giải pháp, nhiều nhà chuyên môn đã đóng góp tiếng nói với mong muốn trong tương lai Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc nói riêng và các triển lãm nghệ thuật nói chung sẽ chuyên nghiệp hơn. PGS, TS, họa sĩ Lê Anh Vân, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành hội họa, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác, góp ý: Thay vì chờ đợi tác giả gửi tác phẩm tham dự, Ban tổ chức có thể mời đích danh các họa sĩ, nhà điêu khắc… sau khi theo dõi quá trình sáng tác của họ nhằm thu hút tác giả, tác phẩm chất lượng, giúp triển lãm phản ánh đầy đủ hơn diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Lê Thế Anh (giảng viên Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội) cho rằng, cần tổ chức những cuộc sơ loại ngay từ các triển lãm khu vực; triển lãm riêng từng thể loại, như: sơn mài, sơn dầu, đồ họa, điêu khắc… nhằm tinh tuyển cho triển lãm cấp quốc gia; bên cạnh giải thưởng chính thức, nên có những giải phụ cho họa sĩ trẻ tài năng hay giải vinh danh họa sĩ có cống hiến xuất sắc… Về công tác tổ chức, cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hiện, triển khai hệ thống thiết bị vận chuyển, trưng bày, tháo dỡ chuyên nghiệp. Ngoài ra, các tác giả nên mua gói bảo hiểm cho tác phẩm để bảo vệ "đứa con tinh thần" khi tham gia các triển lãm.

Bài và ảnh: Khiếu Minh