Diễn đàn chủ nhật

Kiên quyết chống xâm phạm quyền tác giả

Mới đây, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam-VCPMC (Hội Nhạc sĩ Việt Nam), công bố số tiền sử dụng quyền tác giả thu được năm 2019 là hơn 133 tỷ đồng, tăng 28% so năm 2018.

Bên cạnh đó, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, bảo đảm thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc. Các chỉ số này ghi nhận nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ tác quyền âm nhạc thời gian qua.

Hiện, tổng số thành viên trong nước ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC là 4.259 tác giả. VCPMC đã tiến thêm một bước dài trong việc thực thi quyền tác giả trong âm nhạc khi đàm phán thành công với YouTube và Facebook trong việc thu phí bản quyền (thu tiền bản quyền từ sao chép phát hành trực tuyến trên YouTube năm 2019 tăng 346% so với năm 2018). VCPMC hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, phổ biến lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số, cảnh báo và báo cáo gỡ các đường link (liên kết) vi phạm… Năm qua, phát hiện phim tài liệu của Mỹ “Vietnam War” sử dụng tác phẩm của một nhạc sĩ Việt Nam mà chưa xin phép, VCPMC cũng đã thu về cho nhạc sĩ này 700 triệu đồng tiền tác quyền.

Có thể thấy rằng, dù đã có rất nhiều nỗ lực, việc thực thi bản quyền tác giả, con đường thu tiền bản quyền tác giả âm nhạc hiện vẫn còn gặp nhiều gian nan. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, từ các MV (music video - phim nhạc), ứng dụng, website thông thường cho đến các buổi biểu diễn lớn nhỏ. Điển hình là trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, với hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định. Các hành vi vi phạm chủ yếu thường là sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả, sử dụng tác phẩm nhưng không có sự thỏa thuận hay trả thù lao, nhuận bút và các lợi ích vật chất cho chủ sở hữu theo quy định,… Trong khi đó, từ năm 2018, việc bỏ điều kiện về quyền tác giả tại thủ tục, hồ sơ xin cấp phép tổ chức biểu diễn đã ảnh hưởng đến công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả/tác phẩm âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn. Việc một số ca sĩ làm MV ca nhạc, đẩy lên YouTube và nhận luôn tiền của tác giả; các rối rắm xoay quanh chuyện độc quyền ca khúc; hay một số trường hợp tác giả dù đã ký hợp đồng ủy thác khai thác quyền tác giả với VCPMC nhưng vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác... đã gây khó khăn cho VCPMC trong quá trình cấp phép, làm việc, đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc. Thời gian qua, VCPMC đã khởi kiện tám vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra Tòa án. Tuy nhiên quá trình giải quyết thường kéo dài và chưa đạt kết quả như mong muốn, Tòa triệu tập nhiều lần hoặc mở phiên hòa giải nhưng các bị đơn đều không đến, vắng mặt không thông báo lý do... Điều đáng chú ý là năm 2019 Tòa án ở TP Hồ Chí Minh tuyên VCPMC thắng trong vụ kiện với Công ty Sky Music kéo dài hơn hai năm, là tín hiệu đáng mừng, nhằm cảnh báo các hành vi xâm phạm quyền tác giả âm nhạc trong tương lai. Công ty này đã sử dụng hơn 2.000 bản ghi âm nhạc của các thành viên VCPMC trong hoạt động kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả, vi phạm quyền tác giả... và Sky Music phải chi trả tiền bản quyền cho các tác giả dự tính hơn 700 triệu đồng.

Để kiên quyết chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung và trong âm nhạc nói riêng, tất cả các bên liên quan phải thực thi nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhất là cần nâng cao nhận thức của người dân cũng như đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà sản xuất về vấn đề tác quyền tác giả. Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, rất cần các công cụ giám sát, theo dõi theo chuẩn mực hiện đại của thế giới. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, năm 2020, VCPMC sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, chủ động theo dõi sát quy trình quản lý, cấp phép, thu tiền bản quyền, chú trọng nâng cao hoạt động chuyên môn, cập nhật thông tin quốc tế chuyên ngành, theo xu hướng hiện đại đạt được sự chuẩn mực về công nghệ kỹ thuật của thế giới. VCPMC tiếp tục nỗ lực cập nhật nâng cấp phần mềm chi trả tiền tác quyền và hoạt động theo hướng tăng cường tuyên truyền về pháp luật; tổ chức đối thoại một năm hai lần dành cho tác giả để giải đáp thắc mắc về Luật Sở hữu trí tuệ.