Hiểu thêm về câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như”

Tượng Nguyễn Du tại<br>Khu lưu niệm Tiên Điền.
Tượng Nguyễn Du tại<br>Khu lưu niệm Tiên Điền.

Ông sinh ngày 3-1 tại phường Bích Câu, Hà Nội. Quê gốc Hà Tĩnh, từng nhiều năm sống dân dã dưới chân núi Hồng, ông có cốt cách của người vùng đất ấy, nhưng quan trọng hơn, ông là người hội tụ được cả văn hóa của kinh thành và Kinh Bắc quê mẹ, là người chỉ thi đỗ cỡ tú tài (Tam trường) nhưng có thực học uyên bác vào bậc nhất thời bấy giờ.

Cuộc đời ông có thể chia làm ba giai đoạn: Thời tuổi thơ sống trong nhung lụa, thời lưu lạc và thời làm quan với nhà Nguyễn.

Thời làm quan với nhà Nguyễn, tuy được thăng tiến liên tục, có hai lần được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, tuy liêm khiết tận tụy, nhưng không hào hứng, bày tỏ một thái độ "thức giả như ngu".

Mỗi lần vào chầu vua, ông thường không nói gì, ra dáng sợ sợ, sệt sệt. Ðó là thời kỳ nỗi buồn của ông càng thêm sâu lắng vì sự thế phù vân, vì tiếng kêu khóc của người dân nơi thôn cùng xóm vắng vẫn cất lên ai oán như thời chiến tranh.

Từ nỗi buồn cá nhân, ông mang nỗi buồn đời, và hơn thế là nỗi buồn cho cả kiếp người, nỗi buồn vũ trụ: Du du vân ảnh biến thần tịch, Cổ cổ lãng hoa phù cổ câm, Trần thế bách niên khai nhãn mộng, Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm (Bóng sớm mây chiều thay đổi chóng, Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau, Mở mắt trăm năm trong giấc mộng, Quê nhà một nhớ, một lòng đau).

Theo sách Ðại Nam chính biên liệt truyện thì khi ông ốm, người nhà sờ thấy tay chân lạnh cả rồi, ông nói "Ðược" rồi mất, không trối lại điều gì.

Với tác phẩm của Nguyễn Du, có thể nói sự tìm tòi của chúng ta là vô tận. Câu thơ Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như  cũng vậy. Ðó là câu kết trong bài thơ chữ Hán Ðộc Tiểu Thanh ký. Nguyên văn như sau:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Bài thơ được ông Vũ Tam Tập dịch là:

Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc sống vào thời nhà Minh ở tỉnh Chiết Giang, làm lẽ cho một người họ Phùng. Vợ cả ghen, đuổi lên sống trong một ngôi nhà nhỏ trên núi, nàng buồn đến chết ở đó, khi chưa đầy 20 tuổi, nay vẫn còn mộ. Khi nàng chết, vợ cả chưa hết ghen tức, còn đem đốt những gì Tiểu Thanh viết. Nguyễn Du đọc được những bài thơ còn sót lại của nàng, mới xúc động làm bài thơ này.

Ở câu cuối, xưa nay người ta hiểu: Nguyễn Du sống cách Tiểu Thanh ba trăm năm, vì thế ông mới hỏi, ba trăm năm sau, có ai thương xót ông mà nhỏ lệ.

Tôi không dám hiểu sai ý đó nhưng từ lâu vẫn rất băn khoăn. Lẽ nào Nguyễn Du lại cần người thương xót mình khi ông đã coi cái chết nhẹ nhàng đến thế? Các cụ xưa cũng nói, cách hiểu khoảng cách giữa Nguyễn Du và Tiểu Thanh 300 năm, Nguyễn Du và hậu thế ba trăm năm cũng chỉ là giả thiết. Nguyễn Du viết riêng chuyện nàng Tiểu Thanh có những câu tuyệt hay: "Son phấn có thần, sau khi chết còn để lại xót thương, Văn chương không có mệnh, thế mà khi đốt rồi vẫn còn để lụy về sau".

Thế nhưng đến hai câu tiếp theo, tôi nghĩ đã mang tính khái quát: Những nỗi hận của nàng Tiểu Thanh (và của nhiều người khác) cũng khó mà hỏi trời, Ta (Nguyễn Du) tự đặt mình ở vào chỗ của những người oan khuất ấy. Những người oan khuất ấy, trước hết là những người tài sắc như Ðạm Tiên, Tiểu Thanh, Vương Thúy Kiều, cho nên dịch là Cái án phong lưu khách tự mang thật đã tài tình, nhưng e không mang hết nghĩa mà Nguyễn Du muốn nói. Phải chăng còn có tiếng khóc của những người trồng dâu gai; của những tráng sĩ hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên; của chuyện Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau; của chuyện Hồn nếu thật về không chỗ ở, Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian...?

Nguyễn Du đã tự ở vào những nỗi buồn nhân thế ấy. Ba trăm năm là một con số ước lệ, phải chăng còn để chỉ một vòng triều đại, một biến thiên lịch sử thay đổi tính chất xã hội? Sau biến thiên ấy, còn có nhiều người tự đặt mình vào chỗ biết xót thương con người và những giá trị vĩnh hằng? Và có đáng khóc chăng, sau một "ba trăm năm lẻ nữa" vẫn còn nhưng "phong vận kỳ oan"? Có lẽ tiếng khóc của Tố Như còn vọng cho mai hậu nữa chăng, chứ không phải ông mong người khác khóc mình?

 Trăm năm vui khổ bao giờ hết - Nguyễn Du từng khẳng định như thế về cuộc đời trong một bài thơ chữ Hán khác, bài Tạp ngâm. Nỗi khổ, nỗi oan, đã không nhờ người, không hỏi trời thì làm sao? Phải quay lại với mình. Chữ Tâm có phải là một con đường? Và những chữ gì nữa?

Tư tưởng của Nguyễn Du phức tạp nhưng không mâu thuẫn. Cũng không phải là Phật, Lão, hay Nho một cách máy móc. Tư tưởng của ông là minh triết Việt Nam, nhân bản Việt Nam. Chúng ta cần đi cùng ông, đến với ông trên con đường ấy.