Hà Nội “phiêu lưu” với đề án xây tượng đài?

NDO -

NDĐT - Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đề xuất cần có 69 tượng đài. Hiện Hà Nội đã có 34 tượng đài. Như vậy, trong vòng 15 năm tới Hà Nội sẽ xây thêm 35 tượng đài, với trung bình hai tượng đài/một năm.

Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội sáng 3-12.
Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội sáng 3-12.

Theo nhiều “người trong cuộc” - các kiến trúc sư, nhà quy hoạch tại hội thảo “Đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức sáng 3-12, đây là con số phiêu lưu, không phù hợp. Thay vì việc “đóng khung” con số tượng đài thì điều cần làm là chỉnh trang, cải tạo các tượng đài chưa phát huy hiệu quả và xây dựng hợp lý.

Đang thừa hay thiếu tượng đài?

Theo ông Trần Gia Lượng - Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án cho biết: “Số lượng tượng đài tại TP Hà Nội còn thiếu, chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô; việc phân bố tượng đài không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành (79%); mảng chủ đề về văn hóa, nghệ thuật cũng còn chiếm tỷ trọng nhỏ mà chỉ tập trung vào danh nhân, lịch sử, chính trị; chất lượng nghệ thuật tượng đài hiện này chưa có yếu tố đột phá, thiếu các tượng đài có hình thức nghệ thuật đương đại; nhiều tượng đài được đặt ở các vị trí tầm nhìn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, khuôn viên đặt tượng chưa thu hút được cộng đồng dân cư...”.

So sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, ông Lượng khẳng định: “Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, hầu hết các tượng đài đều là những tác phẩm điêu khắc đa dạng về phong cách và chủ đề, có đẳng cấp cả về hình khối, ý tưởng và ý nghĩa... Rất nhiều chủ đề được truyền tải vào tượng đài, đặc biệt là văn hóa và gắn liền với lịch sử phát triển của từng đô thị, từng địa phương tại mỗi quốc gia”.

Bởi vậy, theo đề án của đơn vị tư vấn, cần tăng thêm số lượng và chất lượng tượng đài, phân bố lại cho cân đối hài hòa theo không gian phát triển đô thị. Từ nay đến năm 2030, sẽ xây thêm 35 tượng đài, tất cả các quận, huyện, các cửa ô đều có tượng đài.

Tuy nhiên, “Hà Nội đang thừa hay thiếu tượng đài?” là câu hỏi mà chính những nhà quy hoạch cũng không thể trả lời rõ ràng. Bởi nếu xét theo con số quy hoạch, đến năm 2030 cần đến 69 tượng đài ở Thủ đô thì rõ ràng, con số hiện tại là thiếu. Tuy nhiên, nếu xét tại nhiều khu vực, tượng đài không phát huy hiệu quả, thậm chí gây cản trở, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu vực thì việc xây thêm tượng đài liệu có cần thiết?

Không nên chạy theo số lượng

Theo đa số các KTS, việc chạy theo số lượng xây dựng các tượng đài là không phù hợp với thực tiễn.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố chia sẻ: “Tôi không tán thành quan điểm mỗi khu đô thị phải có ít nhất một tượng đài, mỗi cửa ô phải có một tượng đài. Việc quy hoạch phải có sơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai. Trước chúng ta đã có quy hoạch quảng trường và tượng đài trong nội thành nhưng không thành công. Vì vậy, việc đề án xây dựng tượng đài phải xem xét kỹ, không phải muốn đặt tượng đài ở đâu cũng được mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng, đến phong thủy...”.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội nhấn mạnh: “Tiêu chí đóng đinh ngày tháng nào phải có bao nhiêu tượng đài, cửa ô nào cũng có tượng đài là quá phiêu lưu”.

Ông Lâm cho rằng, cái cần thiết là điều chỉnh, di dời tượng đài không hiệu quả, chỉnh trang, cân đối khuôn viên các tượng đài để phát huy vai trò là điểm sinh hoạt công cộng lành mạnh. Thí dụ về bức phù điêu “Năm 1946” hiện đang nằm giữa vỉa hè chợ Đồng Xuân, ông Lâm cho biết: “Từ ngày dựng phù điêu này, bà con không có lối đi”. Hay như tượng đài Quang Trung, trước được dựng ở khuôn viên rất rộng, Hà Nội đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức cho bức tượng này, nhưng nay nhà dân chen lấn, tượng lọt thỏm sau các ngôi nhà cao tầng. Việc đầu tư sửa, bỏ tường rào để tạo không gian cho người dân vui chơi ở đây là cần thiết.

Hà Nội “phiêu lưu” với đề án xây tượng đài? ảnh 1

Tượng đài ba mũi tên chiến thắng Ngọc Hồi ở Thanh Trì.

Hoặc tượng đài ba mũi tên chiến thắng Ngọc Hồi ở Thanh Trì, bị hai cột điện chen vào làm mất cảnh quan, mỹ quan. Muốn khuôn viên ở đây đạt hiệu quả cho nhân dân sinh hoạt, giữ lại không gian đẹp cho tượng đài, chỉ cần di dời hai cột điện - KTS Lê Văn Lâm nhận xét.

Còn theo chuyên gia nghệ thuật Bùi Chí Công - Công ty Cổ phần ARTGLASS TP Hồ Chí Minh thì: “Việc quy hoạch tượng đài cần có tầm nhìn nghệ thuật và hiệu quả vì chúng ta quy hoạch là để cho tương lai”.

Để làm được điều này, theo ông Bùi Chí Công, phải coi tượng đài là tài sản của cả cộng đồng thì tượng đài mới tồn tại được. Chuyên gia nghệ thuật này cho rằng: “Tượng đài của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thiên về lãnh tụ, thiếu vắng đề tài về văn hóa, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, có quá nhiều tượng đài kích thước lớn, đó là sai lầm”.

Ông cũng lấy thí dụ: “Ở Michigan (Hoa Kỳ), 1 USD bỏ ra đầu tư ở nơi công cộng thì thu lại 59 USD. Lý do là họ gắn kết du lịch, văn hóa và không gian công cộng, kể lại câu chuyện lịch sử, văn hóa của thành phố họ qua tượng đài. Từ đó kéo theo dịch vụ, phát triển kinh tế. Chúng ta cũng phải tính đến sự gắn kết lịch sử, văn hóa vào tượng đài chứ không chỉ nghĩ đến việc xây bao nhiêu tượng đài theo kiểu bao cấp như thế này nữa”.

Theo ông Bùi Chí Công phải hạn chế việc lấy ngân sách để xây tượng đài mà nên học tập các nước trong việc xã hội hóa đầu tư cho công cộng. Bài học từ các nước phát triển như: Mỹ, châu Âu, khi một công ty đầu tư kinh doanh tại địa phương nào, ngay từ hai triệu USD đầu tiên, phải trích 1% cho ngân sách để đầu tư vào xây dựng tượng đài. “Vì vậy, thay vì chạy theo số lượng tượng đài và chi nhiều ngân sách vào xây dựng tượng đài, Hà Nội phải có tiêu chí kinh tế đối với các công trình xây dựng tượng đài sắp tới”- ông Bùi Chí Công nhấn mạnh.

Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 mới chỉ là dự thảo. Tuy nhiên, thiết nghĩ, những ý kiến đóng góp của các KTS, chuyên gia nghệ thuật trên đây cũng cần được lắng nghe nhằm điều chỉnh những bất cập của đề án để nó không chỉ nằm trên giấy và xa rời thực tế.