Ðề cao tính nhân văn trong hoạt động từ thiện

Ðó là tình cảm tốt đẹp, là sự bày tỏ, là lòng mong muốn được cùng chia sẻ với sự thiệt thòi của đồng bào mình. 

Lâu nay, tùy điều kiện của mỗi địa phương, mỗi tổ chức, cơ quan,... mà hoạt động từ thiện ngày càng đa dạng cả về quy mô cũng như các nhóm đối tượng.  Ở phạm vi quốc gia,  có thể kể tới sự ra đời của quỹ Vì người nghèo do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thành lập với hàng loạt chương trình hành động, nhất là vào Ngày vì người nghèo (17-10 hằng năm). Rồi sự ra đời một số trung tâm chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV; nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là biểu hiện  sinh động của hoạt động từ thiện. Còn phải kể đến chương trình Mùa đông ấm quyên góp quần áo, sách vở cho trẻ em ở vùng cao thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên tham gia. Và khi cái nắng nóng mùa hạ tràn về, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam cùng các nhóm tình nguyện đã phối hợp, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nhìn lại kết quả đã đạt được, có thể thấy, ít nhiều chúng ta đang mang lại niềm vui cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều người có số phận kém may mắn trong xã hội.

Tuy nhiên, bên các khó khăn về tài chính, nhân lực, thời gian,... để tổ chức công tác từ thiện, lại thấy nổi lên tình trạng "mượn tiếng" làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của đơn vị, cá nhân.

Hoạt động từ thiện hoàn toàn mang tính nhân văn, là thái độ văn hóa tùy thuộc vào khả năng của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân. Vì từ thiện mang tính chất tự nguyện nên bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Mặc dù vậy, trước khi chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta nên có cái nhìn đúng đắn về hoạt động này. Ðừng mượn danh những việc làm mang danh "từ thiện" để phục vụ  mục đích cá nhân.