Diễn đàn chủ nhật

Đưa sân khấu lên môi trường số

HỖ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa đề xuất chủ trương đưa các chương trình nghệ thuật, sản phẩm sân khấu lên Youtube, trước mắt là áp dụng với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ.

Chủ trương này mở ra hy vọng cho giới nghệ sĩ sân khấu trên hành trình chinh phục công chúng hiện đại. Bởi với khả năng kết nối, lan tỏa và chia sẻ nhanh chóng của mạng in-tơ-nét, việc số hóa các sản phẩm sân khấu sẽ làm gia tăng tiếp cận của khán giả, mở rộng thị phần người xem ngoài nhà hát. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nối dài sức sống của những chương trình nghệ thuật, sản phẩm sân khấu chất lượng cao; giải quyết được tình trạng các vở diễn được đầu tư công phu, công diễn vài buổi xong lại “đắp chiếu” gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm nhiệt huyết sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhiều nhà hoạt động sân khấu lão thành cho rằng, cần ưu tiên số hóa ngay những tác phẩm kinh điển thuộc các loại hình sân khấu truyền thống để tránh nguy cơ mai một. Đây được xem là giải pháp bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị những vốn cổ nghệ thuật mà cha ông trao truyền, cũng là để nuôi dưỡng, phát triển lực lượng khán giả sân khấu hôm nay và mai sau.

Tuy nhiên, xoay quanh đề xuất đưa những sản phẩm sân khấu lên môi trường số, cũng có không ít băn khoăn về tính khả thi cũng như nguy cơ xuất hiện những hiệu ứng ngược. Lâu nay, sân khấu vốn cuốn hút bởi khả năng tương tác, trao truyền cảm xúc trực tiếp giữa nghệ sĩ biểu diễn với người xem tại rạp. Nên khi đưa lên Youtube, không loại trừ khả năng sẽ đánh mất những hiệu ứng sân khấu đặc trưng cần có. Chưa kể, người xem tác phẩm sân khấu trên Youtube có thể làm sụt giảm lượng khán giả trực tiếp đến rạp. Mất đi nguồn thu từ bán vé sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của đơn vị nghệ thuật, kéo theo nhiều khó khăn liên quan đến thu nhập của nghệ sĩ, việc quay vòng nguồn vốn để tái đầu tư cho các hoạt động nghệ thuật… Thêm một lo ngại nữa là, đối tượng sử dụng các công cụ mạng hiện nay chủ yếu là giới trẻ, những người đã quen với guồng quay nhanh, gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Với những vở diễn sân khấu có thời lượng trung bình từ 90 đến 120 phút, liệu họ có đủ kiên nhẫn để thưởng thức, nhất là khi còn nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khác để giải trí trên môi trường mạng? Đó là chưa kể đến những thách thức về tuân thủ bản quyền tác phẩm sân khấu trên mạng, sự khan hiếm những kịch bản sân khấu hay ở thời điểm hiện tại, cũng dẫn đến khó khăn trong khâu duy trì kênh Youtube thường xuyên của các đơn vị nghệ thuật…

Từ đây, có thể thấy, chủ trương đưa các sản phẩm sân khấu lên môi trường số là đề xuất hay, phù hợp xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, nhất là ở thời điểm sau dịch Covid-19, nhu cầu giải trí trực tuyến càng gia tăng. Song thực hiện chủ trương này thế nào cho thật sự hiệu quả thì cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt, có thể số hóa ngay những vở diễn kinh điển ở những loại hình sân khấu truyền thống kén khán giả như ca kịch lịch sử, những vở diễn được dàn dựng công phu phục vụ mục tiêu tuyên truyền, tạo thành một thư viện số về sân khấu. Còn với những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, cần nghiên cứu cách đưa lên mạng nội dung thế nào, thời lượng ra sao thì phù hợp với từng nhóm đối tượng tiếp cận. Có thể chỉ đưa một clip ngắn giới thiệu những nét độc đáo của vở diễn, một trích đoạn đặc sắc trong vở diễn, hay phần bình luận của các nhà chuyên môn về vở diễn…, sao cho kích thích được sự tò mò, mong muốn được thưởng thức của công chúng để kéo người xem đến rạp. Đây sẽ là kênh quảng bá có lợi đối với các loại hình sân khấu truyền thống lâu nay vẫn loay hoay khi tiếp cận khán giả. Bên cạnh đó, với các vở đã công diễn và đạt chỉ tiêu về suất diễn, thay vì xếp kho để đấy, nên đưa lên môi trường số để nhiều khán giả được tiếp cận và có thêm nguồn thu từ quảng cáo dựa trên số lượt theo dõi…

Như vậy, đưa các sản phẩm sân khấu lên môi trường số chính là cơ hội để tạo cú huých mạnh mẽ cho sân khấu phát triển, song cần sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng, nhất là của cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật.