Di tích Cổ Loa bị xâm phạm: Cần hành động nhanh hơn nữa

NDO -

NDĐT – Là một trong những di tích lâu đời của Hà Nội, nhưng Cổ Loa cũng là nơi bị xâm phạm nhiều nhất và trong thời gian dài, do nhiều yếu tố. Quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích đã có, nhưng nếu không nhanh và không có biện pháp bảo vệ cũng như khai thác hợp lý, nguy cơ “mất” thành cổ là không thể tránh khỏi.

Rác lấp kín hào thành.
Rác lấp kín hào thành.

Di tích lâu đời, xâm phạm cũng “lâu ngày”

Cổ Loa là một trong những di tích lâu đời nhất của Hà Nội, là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Thành Cổ Loa được xây bằng đất, có ba vòng, chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,58 km, vòng trong 1,6 km... Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt lũy rộng 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Chung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc đã được tạo ra, thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh hùng mạnh, gồm các sông Thiếp, Ngũ Huyền Khê, Hoàng Giang thông với sông Cầu ở Thổ Hà, Quả Cảm (Hà Bắc) thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh).

Di tích Cổ Loa bị xâm phạm: Cần hành động nhanh hơn nữa ảnh 1

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, di tích Cổ Loa được xếp hạng từ năm 1962, đến năm 2013 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Cổ Loa nằm trên một địa bàn rất rộng, đông dân cư trước khi được xếp hạng di tích, cho nên đã có các công trình xây dựng, nhà ở riêng tư, hệ thống giao thông… tồn tại từ trước đó.

Ông Trần Đình Thành cho biết, những xâm phạm này là cả một quá trình lịch sử. Đây là một di tích có diện tích rất lớn, dân cư đang sống rất nhiều. Điều quan trọng nhất liên quan đến việc vi phạm là một số hộ dân sinh sống lâu ngày trong khu vực di tích đã được cấp sổ đỏ, bây giờ có nhu cầu tách hộ xây nhà. Việc phát triển kinh tế xã hội ở bên trong khu vực di tích cũng đã qua một quá trình lâu dài.

Những vi phạm ở di tích Cổ Loa là rất phức tạp. Người dân canh tác nông nghiệp trên mặt thành, nuôi cá dưới hào, một số đoạn thành biến thành đường nhựa. Ba vòng thành nhưng hiện nay vòng thành nội đã mất đi gần hết, chỉ còn vài ụ đất, hai vòng thành ngoại và trung vẫn giữ được hình dáng nhưng không còn chiều cao. Nhiều đoạn bị rác, phế thải xây dựng lấp kín.

Xây dựng căn cứ pháp lý để bảo vệ Cổ Loa

Ông Trần Đình Thành cho biết, để hạn chế tình trạng xâm phạm di tích Cổ Loa, năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích này. Đây là căn cứ pháp lý để dần dần xử lý các vi phạm đó và tiến tới tương lai gần là đưa di tích này thành công viên lịch sử văn hóa, thành địa điểm du lịch và các cấp quản lý di tích sẽ có những dự án trọng điểm để bảo tồn, tu tạo di tích, từng bước thực hiện quy hoạch.

Di tích Cổ Loa bị xâm phạm: Cần hành động nhanh hơn nữa ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Thành cung cấp thông tin: Trước đây, việc quản lý di tích này giao cho TP. Hà Nội, sau này TP. Hà Nội đã giao trực tiếp cho Ban Quản lý khu di tích thành Cổ Loa. Đây là đơn vị chuyên môn trực thuộc TP Hà Nội, có bộ máy bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về năng lực để quản lý di tích này hiện tại cũng như trong tương lai. Các chủ trương đầu tư cũng đã bắt đầu triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dựa trên đề án quy hoạch. “Hiện nay, một số dự án đã triển khai như bảo vệ môi trường, giãn dân, quy hoạch hệ thống cây xanh... Đây là cơ sở để trong một, hai năm tới, môi trường di tích ở đây sẽ được cải thiện nhiều” – ông Thành cho biết.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 đến nay cũng đã thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội kiểm tra, giám sát các hoạt động tại khu di tích này. Còn lại, việc quản lý, đầu tư, phát triển và bảo vệ lại thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội.

“Chúng tôi nghĩ rằng, với đề án Quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt, trong tương lai gần Di tích Cổ Loa sẽ được quản lý tốt hơn và sẽ phát huy được giá trị của mình. Báo cáo về di tích Cổ Loa cho thấy, trong ba năm trở lại đây, số lượng vi phạm di tích cũng đã giảm đi rất nhiều. Thí dụ, báo cáo cho biết, năm 2015, số vụ vi phạm di tích là 39 vụ, đến năm 2016 đã giảm còn 36 vụ, đến năm 2017 còn 25 vụ và đến năm nay có 20 vụ vi phạm. Qua số liệu thống kê ban đầu, chúng tôi thấy BQL Di tích Cổ Loa đã dần dần khắc phục được những hạn chế mà lịch sử để lại trong vi phạm di tích” – ông Trần Đình Thành nói .

Di tích Cổ Loa bị xâm phạm: Cần hành động nhanh hơn nữa ảnh 3

Điều quan trọng là những hộ dân trong phạm vi di tích có sổ đỏ và có nhu cầu tách hộ, nhưng không xảy ra việc xây dựng nhà trong khu vực đã quy hoạch, đó cũng là tín hiệu mừng cho thấy quy hoạch đã được thực hiện đúng mục tiêu.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này cần phải có thời gian và sự ra tay quyết liệt của UBND TP Hà Nội. Hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã thường xuyên phối hợp với thành phố Hà Nội để thẩm định, triển khai các dự án một cách thuận tiện nhất theo đúng quy định của pháp luật.

“Vi phạm thì vẫn còn, vì số lượng hộ dân vẫn còn rất nhiều, nhu cầu tách hộ dân, cơi nới nhà cửa vẫn có. Nhưng để giảm tình trạng này, thành phố đã có nhiều chủ trương lớn kèm theo quy hoạch tổng thể như giãn dân liên quan đến hỗ trợ kinh phí để đền bù trong các khu vực. Chúng tôi cho rằng các vụ vi phạm sẽ giảm” – ông Trần Đình Thành khẳng định.

“Chúng ta còn sờ sờ di tích Cổ Loa, hiện tại đang chết ngấm, không hoạt động du lịch được, không có khách đến thăm. Vì những người làm văn hóa không biến nó thành nguồn lực và sức mạnh kinh tế được. Cổ Loa là một di tích quá tuyệt vời, có thể nói là số 1 của đất nước, của Hà Nội vào đầu Công nguyên, bởi vì đây là nơi hình thành lên Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, vẫn còn đủ thành quách, hào giếng… Chúng ta để như thế này là quá chậm, quá muộn. Mặc dù chính quyền bận lo phát triển kinh tế xã hội, nhưng tôi cho rằng đây là những giá trị có thể làm kinh tế rất tốt. Vậy thì lỗi ở ai, ở sự thiếu quan tâm của chính quyền, rồi những người làm công tác quản lý, từ cấp Bộ cho đến cơ sở. Tại sao Bộ lại không thể tác động được với thành phố?”

PGS.TS Nguyễn Văn Huy