Để những tài năng trẻ biên đạo múa tỏa sáng

Sau nhiều ngày diễn ra sôi nổi qua các vòng thi sơ khảo khu vực phía bắc, phía nam và chung kết, Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc năm 2019 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức đã mang đến 38 tác phẩm múa đặc sắc của 26 biên đạo trẻ đại diện cho 15 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập trên cả nước. Từ sân chơi này, nhiều tài năng biên đạo trẻ đã được phát hiện, mang đến nhiều hy vọng cho nền nghệ thuật múa nước nhà.

Tác phẩm múa Cuội già của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam) đoạt giải nhất Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo Múa toàn quốc năm 2019. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Tác phẩm múa Cuội già của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam) đoạt giải nhất Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo Múa toàn quốc năm 2019. Ảnh: HƯƠNG GIANG

So với các mùa giải trước, số lượng biên đạo tham dự cuộc thi năm nay có phần ít hơn, song nhìn chung đều thể hiện được những nỗ lực, tìm tòi trong cách tiếp cận, khai thác chất liệu cuộc sống. 24 tác phẩm của 12 biên đạo xuất sắc lọt vào vòng chung kết đã tạo nên những bức tranh nghệ thuật bằng ngôn ngữ múa. Qua đó, phản ánh sinh động nhiều vấn đề của đời sống xã hội, từ mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống thường nhật đến tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu trong lao động sản xuất, phong tục tập quán, sắc màu văn hóa vùng miền...

Nhận xét về chất lượng các tác phẩm dự thi, NSND Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: Có những đề tài, nội dung tưởng chừng khó chuyển tải bằng ngôn ngữ hình thể nhưng đã được các biên đạo trẻ mạnh dạn khai thác và tìm được cách nói riêng thông qua thủ pháp ước lệ, cách điệu, trừu tượng hóa mà vẫn dễ hiểu, dễ xem, mang đến cảm xúc thẩm mỹ cho khán giả. Một số tác phẩm đã tạo được hiệu quả ở cả phương diện chủ đề tư tưởng và hình thức nghệ thuật với những tìm tòi mới lạ trong bố cục tạo hình, chuyển hóa luật động, đội hình, tuyến múa hợp lý, vận dụng cả ngôn ngữ múa hiện đại và ngôn ngữ múa dân tộc mà không khiên cưỡng, gò ép.

Tiêu biểu phải nói tới các tác phẩm đã tạo được hiệu ứng đồng bộ trong cảm xúc người xem như Cuội già, Côn Ðảo ngày trở về của biên đạo Nguyễn Hải Trường; Khèn ngược, Ðường cày trên nương của biên đạo Hoàng Thị Nguyệt; hay Giấc mơ chưa lành của biên đạo Tạ Xuân Chiến. Bên cạnh đó, những tác phẩm khai thác đề tài về người lính, người nông dân như Giờ tăng gia, Dệt sợi tình (biên đạo Ðỗ Duy Ðức), Nét quê (biên đạo Phạm Ðắc Hải) cũng đã tạo được những dấu ấn nhất định về mặt tư duy biểu đạt. Có thể thấy, đây là những gương mặt trẻ đầy triển vọng của ngành múa Việt Nam và nếu được bồi dưỡng, tạo điều kiện để phát huy năng lực, họ sẽ còn tỏa sáng hơn nữa.

Bên cạnh những điểm mạnh, cuộc thi cũng bộc lộ những hạn chế nhất định cần được điều chỉnh, thay đổi. Trước hết, đó là sự thiếu đồng đều về chất lượng giữa các tác phẩm dự thi của cùng một biên đạo. Theo quy chế, các thí sinh được lựa chọn vào chung kết phải có hai tác phẩm dự thi. Nhưng rất ít biên đạo có cả hai tác phẩm được chăm chút cẩn thận, phần lớn chỉ tập trung đầu tư cho một tác phẩm, dẫn đến khó đánh giá một cách toàn diện về năng lực dàn dựng của từng biên đạo.

Trên thực tế, để tham gia dự thi, với hỗ trợ hạn chế từ ban tổ chức và đơn vị chủ quản, các biên đạo trẻ tham dự đa phần phải tự túc về kinh phí dàn dựng tác phẩm, từ nhờ người làm nhạc đến mượn diễn viên, thuê đạo cụ, phục trang..., cho nên khó có thể hoàn thiện tác phẩm như kỳ vọng. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều biên đạo trẻ khác ngần ngại ghi danh tham dự cuộc thi. Vấn đề này cần được xem xét, tính toán lại để những mùa giải sau, các biên đạo trẻ sẽ được bảo đảm các điều kiện tốt hơn để phát huy năng lực.

Theo Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh (Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn), Ban tổ chức quy định mỗi thí sinh tham dự chung kết phải có hai tác phẩm dự thi để mỗi biên đạo có "đất" để thể hiện thế mạnh ở nhiều phong cách dàn dựng thông qua những tác phẩm khai thác những đề tài, chất liệu khác nhau. Qua đó, hội đồng nghệ thuật cũng dễ bao quát để có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn. Song đáng tiếc, ít biên đạo biết tận dụng quy định này để ghi điểm, dẫn đến phần dự thi của nhiều biên đạo lâm vào tình trạng gần giống hoặc lặp lại trong cách dàn dựng những tác phẩm của chính mình.

Bên cạnh đó, theo dõi các tác phẩm dự giải, dễ nhận ra sự chênh lệch về chất lượng tác phẩm của những biên đạo đến từ các vùng, miền khác nhau. Ðiều này phản ánh khá sát tình hình thực tế khi hiện nay, để dàn dựng những chương trình, vở múa có quy mô, các địa phương thường phải mời các biên đạo múa có tiếng đến từ các tỉnh, thành phố lớn thực hiện, trong khi vẫn có các biên đạo múa trên địa bàn. Ðây là tồn tại mà các cơ quan quản lý văn hóa cần tính đến để bảo đảm sự đồng bộ về chất lượng trong xây dựng các tác phẩm múa nói riêng, tác phẩm văn hóa nghệ thuật nói chung giữa các vùng miền. Cần có thêm những khóa học, buổi tập huấn dành cho các biên đạo, nghệ sĩ múa ở các địa phương để tìm cách cân bằng trình độ đội ngũ sáng tạo, cũng là để nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật trên cả nước...